LCĐT - Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhiều trường trên địa bàn huyện Bát Xát đã linh hoạt bố trí giáo viên dạy kiêm nhiệm các môn.
“Có những ngày tôi phải soạn 6 giáo án các lớp học khác nhau của cả 2 cấp học” - đó là chia sẻ của cô Lưu Thị Thanh Thúy, giáo viên môn Sinh - Địa, Trường THCS và THPT huyện Bát Xát. Do trường thiếu giáo viên, trong khi quy mô học sinh tăng so với năm học trước, nên cô Thúy phải “dạy kê” môn Tin học. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, cô Thúy phải tự học và nghiên cứu thêm môn mà mình không chuyên sâu. Tuy nhiên, với kiến thức tin học văn phòng cơ bản, việc giảng dạy thêm môn không chuyên sâu đối với cô Thúy không gặp nhiều khó khăn.
Đây chỉ là một trong số nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên của Trường THCS và THPT huyện Bát Xát. Năm nay, trường thiếu 3 giáo viên, do vậy nhà trường vừa đề nghị tăng cường giáo viên từ các trường khác, vừa chủ động hợp đồng giáo viên bên ngoài. “Nhà trường đang “lấp chỗ trống” cho các môn thiếu giáo viên bằng cách kết nối với các trường trên địa bàn. Trường đang có 3 giáo viên tăng cường các môn Tiếng Anh, Vật lý và hợp đồng giáo viên dạy Giáo dục công dân” - thầy giáo Nguyễn Thành Trung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT huyện Bát Xát cho biết.
Mỗi tuần, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Phương phải dạy tăng cường 22 tiết Tin học tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát. |
Sau khi kết thúc giờ dạy buổi sáng ở Trường PTDT bán trú THCS Sàng Ma Sáo, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Phương (giáo viên dạy môn Tin học) ăn vội cơm trưa rồi đi xe máy đến Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trung Lèng Hồ để dạy buổi chiều. Cô Phương tâm sự: Mỗi tuần, tôi phải dạy 16 tiết tại Trường PTDT bán trú THCS Sàng Ma Sáo và tăng cường thêm 22 tiết tại 2 cấp học của Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trung Lèng Hồ. Dạy ghép có thuận lợi là được tiếp xúc với nhiều học sinh, giúp giáo viên có thêm kinh nghiệm giảng dạy. Tuy nhiên, đối với giáo viên dạy ghép như tôi, việc di chuyển giữa 2 trường rất vất vả. Bên cạnh đó, việc soạn nhiều giáo án cho các khối lớp, phù hợp năng lực học sinh cũng tạo những áp lực.
Năm học 2022 - 2023, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trung Lèng Hồ có 2 giáo viên môn Tin học xin chuyển công tác. Để việc dạy học ổn định ngay từ đầu năm học mới, trên tinh thần chỉ đạo của ngành, nhà trường đã thực hiện phương án ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài.
Năm học 2022 - 2023, huyện Bát Xát có 61 trường ở các cấp học và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, với tổng số 24.392 học sinh và 1.712 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Mặc dù đầu năm học đã tuyển thêm 54 giáo viên, tuy nhiên vẫn còn thiếu 101 biên chế ở cả 3 cấp học. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã điều tiết giáo viên theo tinh thần “trường giúp trường”; hợp đồng thêm giáo viên hoặc phân công giáo viên trong biên chế dạy tăng giờ, dạy thêm lớp; phân công giáo viên các môn sát với chuyên môn, như giáo viên Toán - Lý dạy thêm Công nghệ, giáo viên Ngữ văn dạy thêm Giáo dục công dân…
Với cách làm trên, hiện huyện Bát Xát cơ bản sắp xếp đảm bảo nhu cầu dạy và học ở các trường. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tham mưu cho huyện làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp; kịp thời thực hiện quy trình tuyển dụng bổ sung giáo viên theo phân bổ của tỉnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục và đào tạo, giảm bớt áp lực, gánh nặng đối với giáo viên.