Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; Tổ trưởng và Tổ phó Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh.
Theo đánh giá tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động chính quyền số đã được quan tâm, góp phần thay đổi phong cách làm việc của lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động, bảo đảm khoa học, nhanh chóng, chính xác, văn minh, hiện đại; nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ Nhân dân. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chỉ đạo về công tác chuyển đổi số gắn với công tác cải cách hành chính.
Các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; nhận thức của người đứng đầu và cán bộ công chức về chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt; nhiều cơ quan có cách làm hay, nội dung sáng tạo gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao. Các cơ quan đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số. Việc sử dụng hệ thống các phần mềm ứng dụng tập trung đã dần đi vào nền nếp và bước đầu thấy kết quả tích cực.
Trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch, 6 tháng đầu năm, có 8 mục tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch giao; 11 mục tiêu thực hiện đạt trên 80% kế hoạch giao; 4 mục tiêu thực hiện đạt 50% - 80% kế hoạch giao; 1 mục tiêu thực hiện dưới 50% kế hoạch giao.
Một số chỉ tiêu nổi bật như: Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng đạt 97%/95%, riêng các cơ quan khối đảng tăng lên 88%, cao nhất từ trước đến nay; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số 47%/30% ; thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm 30%/10%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 95%/95%; tỷ lệ người dân có nhu cầu thanh toán mua bán các loại hàng hóa, dịch vụ có tài khoản thanh toán điện tử 45%/40%...
Trong thực hiện mục tiêu Đề án 06, tổng nhiệm vụ được giao trong năm 2024 là 38 nhiệm vụ. Đến nay, 1 nhiệm vụ đã hoàn thành; 31 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên; 6 nhiệm vụ đang triển khai...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, tiến độ triển khai các hoạt động, nhiệm vụ theo danh mục dự án/hoạt động công nghệ thông tin, chuyển đổi số tỉnh Lào Cai năm 2024 còn chậm. Trong quý II, đã xóa được 4 thôn, toàn tỉnh vẫn còn 6 thôn chưa có hạ tầng internet băng rộng di động; xóa 144 thôn, còn 56 thôn chưa có hạ tầng internet băng rộng cáp quang. Hiện vẫn còn 29 xã chưa được đầu tư mạng LAN đạt chuẩn. Kế hoạch thuê nền tảng ứng dụng cửa khẩu số chưa được phê duyệt; một số nội dung đã tổ chức thực hiện nhưng chưa có kết quả cụ thể như Đề án phát triển đô thị thông minh; cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (chính sách hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa) đã được nghiên cứu xây dựng, tuy nhiên chưa có kết quả...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh đánh giá cao những kết quả các cơ quan, đơn vị đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt đối với kết quả thực hiện Đề án 06. Các nhiệm vụ liên quan đến trụ cột chính quyền số Lào Cai đang thực hiện rất tốt, tuy nhiên, nhóm nhiệm vụ về kinh tế số, xã hội số vẫn chưa đạt được nhiều kết quả như mong đợi.
Những tháng cuối năm, cần bám sát kế hoạch, yêu cầu của Trung ương, thực hiện tốt các đề án, sản phẩm để có kết quả cao; khắc phục những tồn tại hạn chế đang gặp phải. Thời gian qua, Lào Cai đã tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm tại nhiều nơi, sau khi học tập kinh nghiệm cần sớm đề xuất được những nội dung phù hợp có thể ứng dụng tại Lào Cai.
Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số cho rằng cần sớm kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, hướng tới việc thành lập Ban Chỉ đạo chung 3 nội dung về chuyển đổi số, Đề án 06 và cải cách hành chính để hoạt động hiệu quả, không hình thức.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số thì nhóm nhiệm vụ liên quan đến con người là quan trọng nhất, để có chính quyền số, xã hội số thì phải có công dân số. Bởi vậy, những tháng cuối năm cần quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng; đưa ra mục tiêu, cách làm, thời gian, sản phẩm cụ thể trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ở cơ sở để chuyển đổi số đến gần hơn với người dân.