Khẳng định vai trò “đầu tàu” trong tăng trưởng kinh tế

LCĐT - Với sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh cùng các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp trên địa bàn luôn duy trì ổn định và ngày càng khẳng định vai trò “đầu tàu”, động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Khẳng định vai trò “đầu tàu” trong tăng trưởng kinh tế ảnh 1
    Năm 2022, ngành công nghiệp Lào Cai vượt khó, bứt phá về đích thành công.

Từ một tỉnh thuần nông và nghèo nhất cả nước vào thời điểm tái lập tỉnh năm 1991, nhưng với tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, Lào Cai đã vươn mình trở thành tỉnh phát triển khá của vùng, trong đó ngành công nghiệp đã có bước phát triển tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước và đặc biệt tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Ngành công nghiệp có sự chuyển dịch từ giảm tỷ trọng trong khai thác và nâng dần tỷ trọng chế biến, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh; từng bước khẳng định là trung tâm luyện kim, hóa chất, phân bón của vùng và cả nước. Các dự án chế biến sâu khoáng sản được ưu tiên đầu tư, nhiều nhà máy đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, hệ thống quan trắc khí thải, hệ thống xử lý nước thải... Chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp của tỉnh được triển khai hiệu quả, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tiềm năng thủy điện được khai thác hợp lý, với 70 dự án đã hoàn thành phát điện có tổng công suất lắp máy 1.109,85 MW; hệ thống cung cấp điện đảm bảo an toàn, liên tục, ổn định cho sản xuất, sinh hoạt tại tất cả các khu vực trong tỉnh.

Khẳng định vai trò “đầu tàu” trong tăng trưởng kinh tế ảnh 2

Với mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển ngành công nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoạt động xúc tiến, thu hút các dự án lớn, dự án công nghiệp trọng điểm, dự án dệt may vào tỉnh. Các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh đều sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến và sản xuất sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, thế giới, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, như Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai; Dự án Nhà máy Tuyển đồng Tả Phời; Dự án Nhà máy Tuyển đồng số 2 thuộc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền; một số tổ hợp chế biến sâu quặng apatit tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng.

Khẳng định vai trò “đầu tàu” trong tăng trưởng kinh tế ảnh 3

Minh chứng rõ nét nhất về sự chuyển dịch của ngành công nghiệp hướng đến gia tăng giá trị, đầu năm 2022, đã khởi công Dự án Nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao tại xã Bản Qua (Bát Xát) có tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng, với công suất thiết kế 60.000 tấn sản phẩm/năm. Đây là Nhà máy sử dụng 100% công nghệ và thiết bị của châu Âu,  Mỹ, sản xuất dây điện, cáp điện cao thế, siêu cao thế.
Cũng mới đây, Nhà máy may, thêu xuất khẩu thuộc Tổng Công ty Babeeni Việt Nam được xây dựng tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới (thành phố Lào Cai), với tổng vốn đầu tư khoảng 115 tỷ đồng đã khánh thành giai đoạn 1 và đi vào sản xuất, tạo việc làm cho 500 lao động địa phương. Nhà máy sẽ tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 (quý II/2023) và giai đoạn 3 (quý I/2024). Dự kiến, mỗi năm nhà máy sản xuất và xuất khẩu trên 3 triệu sản phẩm, tạo việc làm cho 3.000 lao động.

Trong năm 2002, tỉnh chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm xây dựng Nhà máy may Hồ Gươm tại huyện Bảo Thắng, với diện tích sử dụng đất 3,9 ha. Nhà máy may trang phục và sản xuất sản phẩm từ da, lông thú, sản xuất hàng dệt sẵn.

Khẳng định vai trò “đầu tàu” trong tăng trưởng kinh tế ảnh 4

Nói về hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2022, ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Các ngành nói chung và ngành công nghiệp nói riêng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, nhất là trong những tháng đầu năm; tình hình thế giới, giá cả thị trường biến động mạnh, nhất là giá xăng, dầu tăng cao và thiếu nguyên liệu đầu vào (than cốc nhập khẩu gặp khó khăn, nguyên liệu quặng apatit thiếu). Tuy nhiên, với giải pháp đồng bộ, linh hoạt của tỉnh và ngành công thương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nên ngành công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng và đã “về đích” thành công.

Khẳng định vai trò “đầu tàu” trong tăng trưởng kinh tế ảnh 5

Các dự án thủy điện phát điện ổn định, bổ sung nguồn năng lượng quốc gia, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Theo đánh giá, năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 46.023 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2021 (4.823 tỷ đồng), vượt chỉ tiêu giao 23 tỷ đồng. Trên đà này, năm 2023, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 51.100 tỷ đồng, cao hơn năm 2022 là 5.077 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh đã đề ra các giải pháp để duy trì ổn định hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, dự án thủy điện... đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp lớn và xây dựng 3 khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại huyện Bát Xát, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khẳng định vai trò “đầu tàu” trong tăng trưởng kinh tế ảnh 6

Hoạt động sản xuất tại Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai.

Theo đó, ngành công thương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp theo dõi, nắm tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác đầu tư, chuẩn bị đầu tư để các dự án công nghiệp sớm đi vào hoạt động. Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, phát triển sản xuất công nghiệp; đẩy mạnh chương trình khuyến công, sản xuất, kinh doanh tiêu dùng bền vững, các chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu; triển khai giải pháp xúc tiến đầu tư, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng kỹ thuật để tạo mặt bằng sạch đón nhận các dòng vốn, các dự án trong và ngoài nước, góp phần quan trọng để sản xuất công nghiệp Lào Cai bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới và phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 60.000 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sớm xóa bỏ chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với thế giới

Sớm xóa bỏ chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với thế giới

Để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp. Đáng chú ý, đối với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ khẩn trương thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước so với giá thế giới.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ đắc lực bảo vệ thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn sự chênh lệch rất lớn giữa số lượng đơn đầu vào và đơn đầu ra dẫn đến tình trạng đơn bị chậm xử lý.

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 578 USD/tấn. Trong khi đó, gạo cùng chủng loại của Thái Lan đã giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp hơn so với Việt Nam, đạt 575 USD/tấn, còn gạo của Pakistan là 587 USD/tấn. Thị trường gạo thế giới vẫn đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến động từ cả phía các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gạo.

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Mặc dù Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng ngành dệt may nước ta đang đối diện rất nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lượng tồn kho cao, sức cạnh tranh diễn ra ngày càng quyết liệt...

fb yt zl tw