LCĐT – Chiều cuối năm, nắng đã nhuộm vàng sưởi ấm khắp vùng biên giới Lào Cai. Từ thành phố đến các bản làng xa xôi, bầu không khí đón tết đã rộn ràng lắm, người người bâng khuâng, rạo rực chờ đón xuân sang.
![]() |
Hoa đào bung nở trên vùng cao Y Tý chào đón xuân sang. |
Vậy là chỉ còn ít hôm nữa là đến Tết Nguyên đán cổ truyền. Một năm sắp trôi qua khiến nhiều người dường như không tin nổi sao thời gian trôi đi nhanh thế. Năm nay, tết Dương lịch và tết Nguyên đán chỉ cách nhau không lâu nên cuối tháng 12 chuẩn bị bước sang tháng 1/2023 cũng đã gần năm mới lắm rồi. Dù là tết dương hay tết âm, thì những ngày cuối cùng của một năm, trong khoảnh khắc của sự giao thoa giữa năm cũ và năm mới đều là những khoảnh khắc thiêng liêng. Cái thời khắc ấy đem lại nhiều cảm xúc khi nhìn lại một năm đã qua và chuẩn bị cho một năm mới sắp tới, đan xen giữa niềm vui với nỗi buồn, những nuối tiếc và cả những hy vọng, khiến lòng người bâng khuâng khó tả.
Cách đây mới chỉ một tháng nhiều người còn lo năm nay không có mùa đông bởi tháng 11 rồi trời vẫn nắng chang chang, đêm không bật quạt khó mà ngủ được. Vậy mà sang tháng cuối năm, chỉ sau 1 đêm, những đợt gió mùa Đông Bắc tràn về đột ngột. Và lạnh. Và rét. Và tái tê. Đợt rét đầu tiên qua được mấy hôm thì đến đợt rét sâu thứ hai, thứ ba. Chuẩn bị sang năm mới, tuyết rơi phủ trắng đỉnh Fansipan, còn ở những đỉnh núi khác có độ cao trên 2.800 m như Ky Quan San, Lảo Thẩn, Cú Nhù San cũng trắng xóa băng giá. Cái lạnh từ vùng cao tràn xuống vùng thấp, tất cả đều như đóng băng.
![]() |
Bạn trẻ chụp ảnh kỷ niệm tại chợ hoa xuân thành phố Lào Cai. |
Ngày cuối năm, giữa cái lạnh giá ấy, phố phường Lào Cai vừa vắng vẻ, vừa có những nơi hối hả, rạo rực chuẩn bị cho năm mới. Có lẽ cái lạnh khiến nhiều người không muốn ra đường, nhưng những ai đã ra phố hầu như đều vội vã với một công việc gì đó để nhanh chóng trở về nhà. Đường An Dương Vương là nơi phố xá sầm uất, đông vui, không khí rộn ràng hơn bởi thành phố đang chuẩn bị sân khấu cho đêm cuối năm chào đón năm mới 2023, còn các xã, phường cũng đang dựng nhiều gian hàng trưng bày đặc sản của địa phương. Khắp các đường phố cờ hoa rực rỡ bay trong gió rét.
Ừ, vậy mà sắp tết thật rồi. Cái tết năm nay vừa làm người ta háo hức, vừa làm người ta thấy có gì đó chơi vơi. Vào xã Cốc San, trên đường lên Sa Pa, những nhà vườn náo nức bán lan cho khách chơi tết. Lan Trần Mộng, loài địa lan đặc hữu của Sa Pa được bày bán hàng nghìn chậu. Mỗi cành hoa lan đang nụ hoặc đã bung nở có giá một trăm đến vài trăm nghìn đồng. Chậu lan đẹp, nhiều hoa, giá cả chục triệu. Ngày xưa các cụ bảo “Vua chơi lan, quan chơi trà”, những loài hoa sang chảnh ấy chỉ dành cho người giàu có.
![]() |
Đồng bào vùng cao đưa hoa đào, hoa lan, hoa chuối rừng xuống phố bán cho khách chơi tết. |
Ngoài địa lan, năm nay mai trắng Sa Pa hay còn gọi là Nhất chi mai cũng được bán nhiều. Rồi những cành đào mốc vùng cao cũng đang đua nhau xuống phố. Giữa cái giá lạnh tê tái, những thanh niên người Mông, người Dao từ các bản làng xa tít tắp đi xe máy chở đào xuống bán ven đường. Đào vùng cao trồng trên núi đá quanh năm sương gió có đặc điểm là thân cành rêu mốc, xù xì, dáng cổ thụ, nụ to như hạt ngô, khi bung nở cánh xòe ra màu hồng phớt rất đẹp. Những cành đào mốc có hoa cánh kép là loại đào đặc biệt, giá cũng lên tới tiền triệu.
Ngày cuối năm, lên thăm những bản làng người Mông ở vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai cảm nhận không khí tết theo một nét riêng. Theo phong tục, không đợi đến giáp tết mà ngay từ đầu tháng Chạp, đồng bào Mông và một số dân tộc đã nô nức mổ lợn tết. Các gia đình người Mông, dù khó khăn đến đâu cũng đều cố gắng nuôi một vài con lợn để mổ liên hoan mừng năm mới. Giống lợn đen vùng cao, nuôi bán chăn thả ở xứ rét, ăn cám, ngô, rau cỏ, nên lớn chậm, con nào con nấy lông dài như lợn rừng, thịt chắc và thơm, dù lợn béo đến mấy thịt cũng ngon hơn hẳn lợn nuôi tăng trọng. Lợn được mổ ra, một phần thịt, lòng được chế biến mời anh em, họ hàng, làng xóm đến liên hoan, còn lại được ướp muối ăn dần hoặc treo gác bếp làm thịt lợn sấy ăn trong ngày tết cổ truyền. Có lẽ do ngày xưa khó khăn, ít được ăn thịt lợn, nên mâm cỗ tết của người Mông thường chỉ có các món thịt, người ta kiêng ăn rau trong ngày đầu năm mới, dường như mong muốn cả năm no đủ.
![]() |
Người dân vùng cao liên hoan đón tết sớm từ đầu tháng Chạp. |
Không khí rộn ràng mổ lợn tết ở bản Mông vùng cao khiến tôi nhớ lại những mùa tết thời thơ ấu. Ngày đó, cữ 27, 28 tết, nhà tôi thường nuôi lợn chung với một số gia đình trong làng đến tết cùng mổ lợn liên hoan, hoặc một gia đình đứng ra mổ lợn, những nhà khác “đụng” một tới hai đùi lợn rồi trả bằng tiền. Khi bố tôi thông báo ngày vào làng mổ lợn tết, mấy anh em vui mừng hớn hở chờ mong từng ngày. Không háo hức sao được vì ngày mổ lợn tết, các gia đình đều có mặt thật đông vui, tiếng cười nói rộn ràng, rồi những mâm cỗ bày ra đủ món ngon như thịt nướng, thịt luộc, gan luộc, lòng dồi… Món nào cũng thơm phức, cũng ngon lành, cũng hấp dẫn khiến lũ trẻ nhìn mà ứa nước miếng thèm thuồng. Thích nhất là lúc bố tôi gắp từ chiếc nồi quân dụng đang sôi ùng ục trên bếp lửa ra cái đuôi lợn cho mấy anh em cùng ăn. Rồi ngày cả gia đình quây quần gói bánh chưng, thức đêm trông nồi bánh chưng, biết bao nhiêu kỷ niệm…
Chiều cuối năm, nắng đã hửng lên nhưng dự báo những ngày tết nguyên đán cái rét vẫn bủa vây khắp phố phường tới những bản làng vùng cao biên giới. Chỉ ngày mai thôi, một năm mới đã đến với những kỳ vọng mới, những gì của năm cũ dù buồn, dù vui, những hỉ, nộ, ái, ố cũng bỏ qua hết để đón năm mới cho hân hoan, may mắn. Người xa quê lo sắp xếp công việc trở về quê đón tết với gia đình, người náo nức chuẩn bị cho những hành trình du xuân sắp tới. Kìa trong gió lạnh, những cành đào, cành mận đang rộn ràng bung nở chờ đón xuân sang…