"Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"

Bài 2: Góp phần giữ vững một dải biên thùy

LCĐT - Cữ này ở vùng thấp mới là cuối thu, ấy vậy mà vùng cao đất trời đã ngả sang mùa lạnh giá. Đưa chúng tôi đi dọc dài biên giới Si Ma Cai, Thiếu tá Nguyễn Văn Huệ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Si Ma Cai quả quyết: Rất nhiều giải pháp trong việc bảo vệ đường biên, mốc giới, an ninh biên giới, trong đó, giải pháp được coi là căn cơ, gốc rễ là xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo sự đồng sức, đồng lòng, sự đoàn kết “muôn người như một” trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

>>> Bài 1: Dân vận khéo để “ kéo” học sinh ra lớp

Bài 2: Góp phần giữ vững một dải biên thùy ảnh 1
Thiếu tá Hà Đức Hải thường xuyên đến tuyên truyền, vận động Nhân dân.

Kiên định vậy, nên trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn, các đảng viên, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và gắn bó chặt chẽ với nhân dân làm tốt công tác vận động quần chúng, góp phần giữ vững “phên giậu” quốc gia.

Ở nơi “3 bám, 4 cùng”…

Đó không phải là địa danh hiện hữu trên bản đồ địa lý, mà đó là nơi lòng quân dân là một, là sự đoàn kết cùng đắp xây những điều hạnh phúc.

“Chào bộ đội, mời bộ đội vào nhà chơi…”, chiếc xe máy của Thiếu tá Hà Đức Hải, Đội Kiểm soát hành chính Đồn Biên phòng Si Ma Cai, Chốt trưởng Chốt phòng, chống dịch Covid-19 số 5, thôn Lù Sì Sán, xã Sán Chải vừa đỗ xịch ở con ngõ đầu thôn, đã có mấy người dân từ các ngôi nhà quanh đó ngó ra chào hỏi. Anh Hải đi trước cũng tíu ta tíu tít khắp làng: Bác Dín hôm nay bẻ được nhiều ngô không? Thằng bé nhà chị Dợ đã khỏi ốm chưa? Con lợn nhà anh Sình đẻ được mấy con?... Hay như đang đi qua đầu dốc thấy cụ già tầm 70 tuổi đang khom mình bê bao tải thóc, anh Hải nhanh tay đỡ giúp, chạy băng băng về phía cuối đường… Đi phía sau, tôi cảm thấy vui lây bởi tình quân dân mộc mạc.

Anh Hải vốn người quê lúa Thái Bình. Hơn 20 năm gắn bó với nghiệp nhà binh, bước chân anh đã trải khắp các vùng biên cương xa xôi của Lào Cai từ Y Tý, A Mú Sung đến Si Ma Cai rồi cả những năm tăng cường vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Anh tâm sự: “Mỗi địa phương, vùng miền có đặc thù riêng về địa lý, văn hóa dân cư, để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, quan trọng nhất là phải gần gũi với dân, hiểu dân và dựa vào dân theo đúng phương châm “3 bám, 4 cùng” (Bám dân, bám địa bàn, bám cấp ủy, chính quyền địa phương; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào)”. Tâm niệm vậy, nên những buổi xuống dân, đảng viên Hải luôn đến từng hộ gia đình nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào. Qua những bài tuyên truyền “nôm na”, ngắn gọn, người dân hiểu đúng và thực hiện “trúng” quy định của Nhà nước.

Ví như chuyện dịch bệnh Covid-19 chẳng hạn. Ngày dịch bệnh mới bùng phát, bà con còn lơ là, mất cảnh giác, nhưng khi được bộ đội “Đi từng ngõ, rõ từng nhà”, người dân hiểu rõ về tác hại của dịch bệnh, nên ra sức phòng, chống, chủ động liên lạc với người thân đang làm ăn bên Trung Quốc không được vượt biên trái phép, trường hợp về địa phương phải khai báo và đi cách ly theo quy định. Đúng là tổng hợp sức dân thành sức mạnh vô song, chẳng thế mà trên tuyến biên giới qua địa phận thôn gần 3 km luôn là một trong những điểm sáng về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh biên giới.

Anh Lù Seo Dìn, Thôn đội trưởng thôn Lù Dì Sán và cũng là Tổ trưởng Tổ Tự quản đường biên của thôn tâm sự: Được bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động, bà con trong thôn hiểu rằng biên giới có bình yên thì quê hương mới phát triển, nên ra sức giữ gìn. Những nội dung thực hiện quy định về đường biên, mốc giới còn được thôn đưa vào hương ước, vậy nên từ già đến trẻ ở Lù Dì Sán đều nắm chắc như trong lòng bàn tay và tuyệt đối không có ai vi phạm.

… màu ấm no ngày thêm hiện hữu

Lù Dì Sán nằm cheo leo bên bờ sông Chảy, tựa lưng vào núi đá khổng lồ. Đây là thôn biên giới duy nhất của xã Sán Chải. Theo lời người già trong thôn, nhiều chục năm trước, người Mông đã đến ở đất này. Tuy nhiên đất đai cằn khô, lại thêm những năm biên giới không yên bình, nên người dân chuyển đi nơi khác, khiến nơi đây trở thành vùng đất hoang. Những năm 90 cũng có gần chục hộ dân chuyển đến, nhưng sau cùng vì khó khăn quá cũng bỏ đất mà đi. Mãi đến năm 2008, theo chương trình sắp xếp dân cư, gần 20 hộ người Mông được Nhà nước hỗ trợ di chuyển từ các thôn, bản khác như La Chí Chải, Trung Chải, Seo Khái Hóa về đây xây dựng cuộc sống mới. Nhiều hộ dân ở nơi khác cũng đến an cư, nên giờ thôn đã có 55 hộ với gần 300 nhân khẩu.

Bài 2: Góp phần giữ vững một dải biên thùy ảnh 2
Thôn biên giới Lù Sán Chải ngày càng khởi sắc.

Nói về những giải pháp “giữ dân” ở bản Mông bên dòng sông Chảy, Đại úy Thào Phủ Páo hiểu hơn ai hết. Bởi là cán bộ, đảng viên của Đồn Biên phòng Si Ma Cai vốn dĩ đã “3 bám, 4 cùng” với cơ sở, lại thêm nhiều năm nay anh được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Sán Chải. Đại úy Páo trải lòng: Khi được giao nhận nhiệm vụ ở xã, lại trực tiếp phụ trách thôn biên giới Lù Dì Sán, tôi đã cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đề ra nhiều lời giải phát triển cho địa phương, trong đó xác định căn cốt nhất vẫn phải là phát triển kinh tế. Khi kinh tế phát triển mọi mặt sẽ dần được nâng lên, người dân sẽ thêm yêu và gắn bó với quê hương.

Tính vậy, nên anh Páo cùng với các tổ chức, đoàn thể của xã, các đảng viên trong Chi bộ thôn Lù Dì Sán tích cực tuyên truyền người dân phát triển kinh tế. Hiểu được tâm lý “ngại” thay đổi của bà con, Đại úy Páo đề nghị chi bộ phân công các đảng viên trong thôn làm trước để bà con noi theo. Như câu chuyện đưa giống lúa mới vào trồng thay cho giống lúa địa phương năng suất thấp chẳng hạn, đâu phải một sớm, một chiều mà người dân đã đồng thuận chuyển ngay. Từ Bí thư Chi bộ thôn Ly Seo Dơ đến Thôn đội trưởng, đảng viên Lù Seo Lìn, Chi hội trưởng Phụ nữ, đảng viên Thào Thị Say đều trở thành những người thực hành thí nghiệm trên chính đồng đất nhà mình. Sau một vụ, hai vụ thành công, bà con mới học theo.

Cùng với đó, nhận thấy đất đai, khí hậu thích hợp với chăn nuôi đại gia súc, vừa hay lại có Nghị quyết số 22 ngày 11/11/2014 của Tỉnh ủy “Về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020”, Đại úy Páo cùng các đảng viên trong thôn vận động bà con phát triển đàn gia súc, tăng thu thu nhập. Phát triển qua các năm, trong hơn 50 năm nóc nhà Lù Dì Sán hôm nay đã có rất nhiều ngôi nhà xây khang trang, trị giá vài trăm triệu đồng phần lớn là từ nguồn thu chăn nuôi gia súc. Ông Ma Seo Dín, một trong những người cao niên nhất thôn nhớ lại những ngày gian khó, miệng không ngớt lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn các anh bộ đội Cụ Hồ. Theo ông Dín, Lù Dì Sán hôm nay dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, người dân còn phải cố gắng nhiều, nhưng so với trước đây, thôn thực sự “Thay da đổi thịt”. Từ một vùng đất hoang hóa đã hồi sinh bản làng đông vui. Nhiều hộ vươn lên trở thành hộ khá với thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm. Kinh tế phát triển, nhận thức đi lên, những hủ tục về ma chay, cưới hỏi dần được đẩy lùi, chuyện bất bình đẳng giới, sinh con thứ 3 hầu như không còn trong những gia đình trẻ. Vui nhất là trẻ nhỏ được đến trường đúng độ tuổi, được học những điều hay lẽ phải để sau này xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

Bài 2: Góp phần giữ vững một dải biên thùy ảnh 3
Cán bộ, đảng viên Đồn Biên phòng Si Ma Cai tích cực xây dựng “thế trận lòng dân”. (Trong ảnh: Đại úy Thào Phủ Páo (phải ảnh) cùng đồng đội trong một buổi xuống dân tuyên truyền).

Lập thêm nhiều chiến công

Si Ma Cai có chiều dài đường biên hơn 9km qua địa phận thị trấn Si Ma Cai, xã Nàn Sán và xã Sán Chải với 4 thôn, 2 tổ dân phố. Cả xã Sán Chải chỉ có Lù Dì Sán là thôn bên giới, nhưng đường biên đã chiếm đến 1/3 tổng số chiều dài đường biên của huyện. Đoạn đường biên qua thôn là một trong những “điểm nóng” trên tuyến biên giới Si Ma Cai về tội phạm ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, xuất - nhập cảnh trái phép.

Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác xây dựng “thế trận lòng dân”, nên đường biên Lù Dì Sán luôn được giữ vững. Điểm qua những vụ án lớn của Đồn Biên phòng Si Ma Cai những năm gần đây đều được triệt phá trên đoạn biên giới qua thôn. Điển hình như ngày 2/4/2019, Đồn Biên phòng Si Ma Cai đã mật phục tại khu vực vành đai biên giới, thuộc thôn Lù Dì Sán tiếp giáp với huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang bắt giữ 1 đối tượng đang có hành vi lừa bán người qua biên giới (trước đó y đã bán trót lọt 2 nạn nhân nữ). Tiếp đến ngày 29/11/2019, cũng tại thôn Lù Dì Sán, Đồn Biên phòng Si Ma Cai phát hiện và bắt giữ 2 đối tượng đang vận chuyển trái phép 6 bánh heroin. Đây là một mắt xích trong chuyên án 457T được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai xác lập trước đó. Gần đây nhất, vào ngày 21/4/ 2021, đồn cũng bắt quả tang 2 đối tượng, thu giữ 6 bánh heroin tại khu vực Lù Dì Sán. Hay như từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Chốt phòng, chống dịch Covid-19 số 5 đóng trên địa bàn thôn Lù Dì Sán đã phát hiện và đưa đi cách ly hơn 1.100 công dân nhập cảnh từ bên kia biên giới; phát hiện và ngăn chặn kịp thời 2 vụ tổ chức xuất cảnh trái phép với 3 đối tượng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Huệ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Si Ma Cai nhận định: Không chỉ ở Lù Dì Sán, trong nhiệm vụ bảo vệ đường biên mốc giới, đảm bảo sự bình yên nơi biên giới có đóng góp to lớn của người dân địa phương. Người dân chính là “tai mắt” kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm. Theo đó, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong suốt những năm qua, cán bộ, đảng viên Đồn Biên phòng Si Ma Cai luôn phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ đảng và chính quyền các địa phương trong tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia công tác tố giác tội phạm, tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới…

-------------------------------------------

Bài 3: Chung sức giữ màu xanh đại ngàn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bài 3: Chuyện chưa kể trên đèo Khau Co

Từ Lào Cai đến hầm Đờ - cát Bài 3: Chuyện chưa kể trên đèo Khau Co

Trên hành trình đi theo “dấu chân” những đoàn dân công hỏa tuyến và chiến sĩ Điện Biên năm xưa, từ huyện Văn Bàn, chúng tôi theo Quốc lộ 279 để tới đỉnh đèo Khau Co, điểm di tích lịch sử với những chi tiết rất đỗi hào hùng. Thật xúc động khi được nghe câu chuyện về bước chân gánh gạo của những dân công hỏa tuyến, sự chiến đấu, hi sinh của các chiến sĩ đánh Pháp năm xưa cũng như chuyện giữ rừng, phát triển kinh tế của Nhân dân nơi “cửa gió” hôm nay.

Bài 2: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh"

Từ Lào Cai đến hầm Đờ - Cát Bài 2: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh"

Có một dân tộc mà khi Tổ quốc cần là phụ nữ “chân yếu tay mềm” cũng xung phong ra tiền tuyến, họ không trực tiếp chiến đấu thì cũng cố gắng trực tiếp phục vụ đánh giặc. Tỉnh Lào Cai có hàng nghìn người đã tình nguyện tham gia dân công hỏa tuyến, trong đó tỷ lệ phụ nữ rất đông, từng mở đường, làm cầu, phà, tháo ngòi nổ bom cháy chậm của địch, gánh quân lương, vận chuyển vũ khí phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ 15/5... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Bài 1: Cả làng lên đường hỗ trợ đánh giặc

Từ Lào Cai đến hầm Đờ - cát: Bài 1: Cả làng lên đường hỗ trợ đánh giặc

Năm 2024, cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7/5/1954 - 7/5/2024). Nhóm phóng viên Báo Lào Cai theo dấu chân những dân công hỏa tuyến, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa trên hành trình từ tỉnh biên giới Lào Cai đến chiến trường Điện Biên Phủ để hiểu hơn một thời hoa lửa, vượt qua bao gian khó, hiểm nguy của các thế hệ cha anh lên đường đánh giặc, giải phóng dân tộc.

Vẹn nguyên ký ức

Vẹn nguyên ký ức


Đã gần 50 năm trôi qua, mặc dù tuổi cao và không còn minh mẫn nhưng ký ức về cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất hai miền đất nước, ký ức ngày độc lập vẫn hằn sâu trong tâm trí của các cựu chiến binh khi được sống trong thời khắc lịch sử.

Lào Cai trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Lào Cai trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Chiến dịch Hồ Chí Minh với đỉnh cao là chiến thắng ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam có phần đóng góp đáng kể của quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. Đó là đóng góp to lớn về sức người, sức của với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng" để cùng dân tộc làm nên những trang sử mang tầm thời đại.

Thủ tướng kiểm tra hiện trường, đốc thúc nhiều dự án cao tốc trọng điểm

Thủ tướng kiểm tra hiện trường, đốc thúc nhiều dự án cao tốc trọng điểm

Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi kiểm tra hiện trường, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường, đốc thúc một số dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đi qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Hướng về Điện Biên bằng tình yêu thương

Hướng về Điện Biên bằng tình yêu thương

Những ngày này, hơn 5.000 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên không chỉ được sống trong những ngày của vinh quang chiến thắng mà còn vui mừng khi được dọn về ở trong những căn nhà mới, những mái ấm đoàn kết từ tình cảm của Nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Chung tay cùng cả nước hướng về Điện Biên, đồng bào các dân tộc Lào Cai đã đóng góp hơn 600 triệu đồng giúp đỡ hộ nghèo xây dựng những căn nhà ấm áp nghĩa tình.

fb yt zl tw