Phát triển dịch vụ logistics để thúc đẩy kinh tế

Bài 2: Cần liên kết, ứng dụng công nghệ phát triển dịch vụ

>>>>>>Bài 1: Thúc đẩy sản xuất và lưu thông, trao đổi hàng hóa

LCĐT - Định hướng của tỉnh sẽ ưu tiên phát triển mạnh dịch vụ logistics nhằm thúc đẩy các hoạt động biên mậu, với mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 10 tỷ USD (theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025) và nâng cấp Cửa khẩu phụ Bản Vược và Cửa khẩu Mường Khương thành điểm thông quan của Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Do đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động logistics là một trong những giải pháp quan trọng.

Trung tâm logistics của Công ty Cổ phần logistics Việt Trung.
Trung tâm logistics của Công ty Cổ phần logistics Việt Trung.

Là 1 trong 4 trung tâm logistics thuộc khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ Lào Cai, trung tâm logistics của Công ty Cổ phần logistics Việt Trung có nhiều kinh nghiệm và cung cấp các dịch vụ logistics khá chuyên nghiệp, có lượng khách hàng đông. Ông Phạm Văn Đại, Giám đốc Công ty Cổ phần logistics Việt Trung cho rằng, hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai còn nhỏ, các dịch vụ phụ trợ không đồng bộ và yếu, nên các doanh nghiêp, chủ hàng đang phải chi trả dịch vụ logistics quá cao so với các địa phương khác. Để phát triển dịch vụ, cần có sự liên kết giữa các đơn vị trong ngành để tạo thành chuỗi logistics và kết nối giữa các phương thức vận tải, các chủ thể hoạt động nhằm giảm chi phí và giúp hoạt động này chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Dù đã có bước phát triển trong thực hiện dịch vụ logistics, nhưng Công ty Cổ phần logistics Việt Trung vẫn có kế hoạch đầu tư bãi xuất, tập kết hàng hóa xuất khẩu khoảng 5 đến 7 ha, coi các doanh nghiệp là đối tác để tăng cường sự liên kết. “Ngoài nỗ lực đầu tư ứng dụng công nghệ phát triển dịch vụ của các đơn vị, thì các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ logistics bằng cách có những chính sách phát triển, hỗ trợ tài chính. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể thực hiện những dự án lớn, áp dụng công nghệ hiện đại hoặc doanh nghiệp nhỏ cũng có thể áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động” - ông Đại nói.

Công ty Cổ phần logistics Kim Thành thuộc khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ Lào Cai được thành lập với mục tiêu ban đầu là quản lý và phát triển dự án trung tâm logistics Kim Thành, nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư hoàn thiện dự án, cung cấp các dịch vụ logistics hỗ trợ các hoạt động xuất - nhập khẩu và thúc đẩy lưu lượng hàng hóa qua cặp cửa khẩu Kim Thành - Bắc Sơn. Trên nền tảng kết cấu hạ tầng và hệ thống quản lý được xây dựng, công ty đã mở rộng phạm vi dịch vụ, lập đại lý khai bảo thủ tục hải quan, đại diện quản lý giao nhận hàng hóa và vận tải trong tỉnh và ngoại tỉnh. Đồng thời, thiết lập các đại lý phía Trung Quốc để triển khai nghiệp vụ tương ứng phía cửa khẩu Hà Khẩu và nội địa Trung Quốc (dịch vụ kê khai thủ tục hải quan và giao nhận vận tải). Qua thời gian hình thành và phát triển, trung tâm logistics của Công ty Cổ phần logistics Kim Thành từng bước mở rộng loại hình và quy mô dịch vụ, từ thuần túy cung cấp dịch vụ hạ tầng kho bãi tại cửa khẩu, đến hình thành các dịch vụ có tính chuyên nghiệp như đại lý hải quan, đại lý vận tải, chuyển phát và giao nhận vận tải. Công ty đang hướng đến tham gia chuỗi dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế; giao nhận hàng, thu - chi hộ khách; phân phối và thu hồi nhóm hàng thương mại điện tử… Phạm vi triển khai dịch vụ mở rộng không chỉ nội tỉnh, mà đang có các chuỗi liên kết dịch vụ trong nước và một số nước Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Thái Lan…), Vân Nam, Quảng Tây, Thượng Hải…(Trung Quốc).

Theo ông Đặng Quyết Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần logistics Kim Thành, khó khăn lớn nhất là Lào Cai chưa có quy hoạch phát triển ngành logistics, cả về tổng thể hạ tầng, chiến lược phát triển và chính sách quản lý. Do vậy, công ty không thể đầu tư hoàn thiện dự án, mà thường xuyên phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư kinh doanh, thiếu đi tính xuyên suốt trong hoạt động. Trong 5 năm đầu đi vào hoạt động (2013 - 2017), các quy định của tỉnh đối với khu cửa khẩu chưa rõ ràng, các đơn vị quản lý nhà nước (thuế, ban quản lý cửa khẩu) còn lẫn lộn giữa doanh thu dịch vụ công ty và phí của Nhà nước, cản trở công ty tổ chức dịch vụ và thu phí dịch vụ.

Cũng theo ông Chiến, để phát triển ngành logistics, cần đồng thời chú trọng đầu tư cả 3 mặt: Quy hoạch tổng thể ngành; xây dựng chính sách phù hợp và ổn định; tạo được nền tảng các dịch vụ hỗ trợ. Cả 3 yếu tố này Lào Cai đang thiếu hoặc rất yếu. “Những ai làm trong ngành dịch vụ logistics đều hiểu, hạ tầng cứng (kho bãi, phương tiện vận tải, thiết bị, máy móc…) chỉ là điều kiện cần, phần quan trọng có tính quyết định là hệ thống quản lý và công nghệ tương ứng. Công ty Cổ phần logistics Kim Thành đã và sẽ không từ bỏ định hướng của mình, đó là ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại với điều kiện có thể, lấy nguồn nhân lực là hạt nhân cho sự tồn tại và phát triển của công ty” - ông Chiến khẳng định.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, kim ngạch xuất - nhâp khẩu và thương mại trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trưởng qua các năm, thì việc phát triển ngành logistics có vai trò rất quan trọng. Năm 2001, tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai chỉ đạt 210 triệu USD, đến năm 2011, Lào Cai đã trở thành cửa khẩu “tỷ đô”, đạt trên 1,66 tỷ USD, tăng 7,9 lần so với năm 2001. Năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng hoạt động xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai vẫn sôi động, với tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu đạt 3,23 tỷ USD, tăng 15,38 lần so với năm 2001 và Lào Cai đặt mục tiêu giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu năm 2021 đạt 4,6 tỷ USD; đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD.

Tiềm năng và dư địa phát triển dịch vụ logistics ở Lào Cai là rất lớn. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics tại Lào Cai còn hạn chế, đòi hỏi cần được quan tâm hơn trong đầu tư công nghệ, phát triển hạ tầng, liên kết, tạo thành mạng lưới doanh nghiệp logistics để dịch vụ logistics của tỉnh phát triển nhanh, mạnh, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng yêu cầu thanh tra ngay thị trường vàng

Thủ tướng yêu cầu thanh tra ngay thị trường vàng

Tại chỉ thị vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các TCTD; đồng thời thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Dần Thàng nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Dần Thàng nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Là xã vùng 3 của huyện Văn Bàn, Dần Thàng hiện có 400 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 80%. Địa hình bị chia cắt mạnh, dân cư ở phân tán, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao nên khó huy động nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng nông thôn mới.

Khai thác thị trường xuất khẩu gạo mới

Khai thác thị trường xuất khẩu gạo mới

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 5 tỷ USD. Ngoài nhiệm vụ giữ vững diện tích gieo trồng lúa là 7,1 triệu ha, sản lượng lúa 43 triệu tấn, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thì việc tập trung khai thác các thị trường mới cho xuất khẩu gạo là yêu cầu cần thiết, nhất là trong điều kiện cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu ngày càng gay gắt hơn.

Xem xét, xử lý trách nhiệm các chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Xem xét, xử lý trách nhiệm các chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Đó là một trong những nội dung tại Thông báo 108/TB-VPUBND ngày 2/5/2024 kết luận của Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 20/4/2024 về tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản (kể cả chương trình mục tiêu quốc gia), công tác chuẩn bị đầu tư năm 2024 và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

[Infographic] 10 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai năm 2024

[Infographic] 10 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai năm 2024

Ngày 17/4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 220-KH/UBND về phát triển kinh tế - xã hội đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai năm 2024, với mục tiêu thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã nghèo; giúp người nghèo cải thiện sinh kế, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo; góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các xã trên địa bàn tỉnh.

Những nghị quyết mang hơi thở cuộc sống

Những nghị quyết mang hơi thở cuộc sống

Nghị quyết đúng, trúng, phù hợp với thực tế, được người dân đồng thuận sẽ là tiền đề quan trọng để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp triển khai hiệu quả vào thực tế cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Thành quả nổi bật từ những nghị quyết chuyên về hiến đất làm đường giao thông nông thôn tại các địa phương là minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Vị thế nền kinh tế lớn thứ 35 thế giới

Vị thế nền kinh tế lớn thứ 35 thế giới

Nhìn vào một số chỉ dấu quan trọng, phản ánh rõ sự lớn mạnh của nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân, có thể khẳng định, sau 49 năm kể từ ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2024), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội.

fb yt zl tw