Những “cánh chim đầu đàn” nơi đại ngàn Tây Bắc

Bài 1: “Hạt cát vàng” bên suối Làng Kim

LCĐT - Mỗi người có một xuất phát điểm, có khát vọng sống không giống nhau, thành phần dân tộc khác nhau... song, tựu chung ở họ là ý chí và nghị lực vươn lên, vượt khó làm giàu và tâm huyết với công việc được Đảng giao phó và nhân dân tín nhiệm bầu.

Nhất là sau khi thực hiện đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người có cách học Bác khác nhau, từ những việc làm cụ thể, giản dị trong cuộc sống hằng ngày, nhưng tất cả đều “nhen” lên tinh thần học tập và làm theo Bác với sự tôn kính, thể hiện tấm lòng của người con đất Việt với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam… Họ còn được ví như những “cánh chim đầu đàn” của núi rừng Tây Bắc trong xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đất - “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Từ số báo ra ngày hôm nay (15/12) Báo Lào Cai đăng tải các bài viết về những tấm gương đó.

Bài 1: “Hạt cát vàng” bên suối Làng Kim

Vào dịp cuối thu, đầu đông, người Giáy thôn Làng Kim ở xã Quang Kim (Bát Xát) vừa đi qua mùa cốm thơm hương lại hối hả xén nốt những gốc rạ để làm đất trồng rau vụ đông. Không cho đất nghỉ, những giọt mồ hôi của vụ hè thu còn chưa khô áo, thì chàng thanh niên Vùi A Lùi lại tất bật bước vào sản xuất rau vụ đông.

Anh Vùi A Lùi bên ruộng rau sắp cho thu hoạch.
Anh Vùi A Lùi bên ruộng rau sắp cho thu hoạch.

Vùi A Lùi cũng đã đi qua những thăng trầm của cuộc đời. Chàng thanh niên dân tộc Giáy như thấu hiểu những vất vả của bố mẹ. Hơn ai hết, anh biết khép lại những ước mơ riêng của mình để bước sang một lối đi khác dù vất vả, chông gai. Vùi A Lùi pha trà mời khách, vừa trò chuyện nhưng cứ như “ngồi trên đống lửa”, bởi những luống rau bắp cải đang cuộn, chờ tay anh nhổ cỏ, tưới nước. Người chăm rau cũng như nuôi “con mọn”… không lúc nào được nghỉ. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao hôm đầu gọi điện, Lùi từ chối cuộc hẹn: “Tôi bận lắm, đang trồng rau không có thời gian đâu”. Vậy là, tôi cứ đánh liều vào tận nhà, “mai phục” mãi tôi cũng gặp được Vùi A Lùi khi anh vừa đi nhận Bằng khen tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai về. Câu chuyện dang dở, có điện thoại của vợ, Vùi A Lùi lại tất bật ra đồng. Vợ chồng anh, mở mắt đã ra ruộng rau, có hôm tối mịt vẫn ở ngoài ruộng rau. Là con thứ 3, nhưng là trai lớn trong gia đình, Lùi hiểu được trọng trách của mình khi bố mẹ anh có tới 7 người con. Bởi vậy, thời gian đóng quân ở Đồn Biên phòng Pha Long, muốn gắn bó cuộc đời lâu dài với binh nghiệp, nhưng cũng vì chữ “hiếu” Lùi đành tháo chiếc quân hàm xanh, cất vào ngăn tủ, trở về phụng dưỡng bố mẹ già.

Có lẽ với Lùi, lớn lên ở vùng quê nghèo khó, thì việc bỏ học giữa chừng vì nhà đông anh em không mấy làm lạ khi dưới Lùi còn 4 đứa em đang theo học phổ thông… Chật vật với nghề bốc vác thuê, đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự, Lùi lên đường nhập ngũ. Ngỡ cuộc đời sẽ rẽ sang trang mới, người lính mang quân hàm xanh cũng có biết bao nhiêu mơ ước và khát vọng. Huấn luyện tốt, công tác tốt và rất muốn gắn bó lâu dài trong màu áo lính, nên Vùi A Lùi đã phấn đấu được cấp trên bồi dưỡng kết nạp Đảng. Nhưng mỗi lần về nhà, nhìn bố mẹ “dầm sương dãi nắng” cũng không đủ nuôi các em ăn học... trở lại đơn vị, Vùi A Lùi nhiều đêm không ngủ. Thế rồi, nhà đông người mà không có ai lao động, anh quyết tâm “gói lại ước mơ”. Năm 2009 xuất ngũ về địa phương, anh cưới vợ với hai bàn tay trắng… anh tâm sự: Thương bố lắm, bố mình mồ côi từ nhỏ. Nhiều lúc thấy bố mẹ to tiếng với nhau cũng chỉ vì gia đình khó khăn về kinh tế, khiến mình phải suy nghĩ…Đó cũng là động lực chính để mình vươn lên làm kinh tế. Nhớ lại năm đầu gian nan vất vả ấy, anh mới thấy câu nói của Bác Hồ “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền…Quyết chí ắt làm nên” thật đúng với mình. Thời gian ấy, Lùi ngày ngày đi xe máy xuống tận Bảo Yên mua sắn về chăn nuôi. Vốn chẳng có, đành “lấy công làm lãi” nên cứ sáng đi, tối về, ngày nào cũng đi 160 km, mỗi chuyến chở 1 tạ sắn về để nuôi lợn. Năm ấy, gia đình nuôi 6 con lợn sinh sản…mong gây chút vốn để làm ăn. Ông trời dường như thử thách lòng kiên nhẫn của con người. Năm đó, đàn lợn bị dịch bệnh lăn ra chết. Thất bại, bao nhiêu công sức thành… công cốc. Nhưng “thua keo này, bày keo khác”, Vùi A Lùi bắt tay vào trồng rau xanh. Cả cánh đồng thôn Làng Kim dường như được bồi đắp màu mỡ bởi con suối chảy qua. Mùa màng tươi tốt cũng như dòng suối ấy, nguồn nước ấy. Thế nên, sinh ra ở làng, lớn lên cũng ở làng, Vùi A Lùi hiểu được đất ở đây màu mỡ lắm. Nghĩ là làm, vợ chồng Lùi quyết chí trồng rau. Cánh cửa “làm giàu” mở ra với vợ chồng Lùi khi vụ rau năm 2010, trồng hơn 1 vạn cây rau giống và đã tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng. Biết mình đang đi đúng hướng, Vùi A Lùi tiếp tục trồng rau, nuôi lợn, nấu rượu… Cứ thế công việc cuốn hút vợ chồng Lùi không lúc nào được ngơi tay.

Năm 2012, khi đã có chút vốn kha khá, anh tiếp tục đào ao để nuôi cá. Nhiều người thấy anh thuê máy xúc đào đất chở đi thì bảo “thằng này dở hơi… nuôi cá biết bao giờ mới thu lại được vốn”. Bởi vừa thuê đào đất, thuê nhân công xây kè bờ ao, cũng ngốn 140 triệu đồng. Nhưng anh nghĩ, mình làm nông nghiệp, mở rộng sản xuất để tăng thêm thu nhập chính đáng là điều nên làm. Nếu không dám làm thì sao phát triển được. Vụ đầu tiên, anh nuôi thả 5.000 con giống rô phi, chép. Vì chưa có kinh nghiệm nuôi, nên anh thả mật độ hơi dày, nhưng trời không phụ công anh, vụ thu hoạch cá bỏ túi được 40 triệu đồng. Cùng với mấy năm tích cóp từ trồng rau, Vùi A Lùi đã xây được căn nhà 2 tầng khang trang, trị giá hơn 500 triệu đồng. Chưa kịp vui nhà mới, vụ trồng đậu tương đông năm ấy, do thời tiết quá lạnh, nên hơn 3 ha mất trắng. Vừa làm nhà xong, không có tiền trả nợ, lại cộng thêm bao nhiêu vốn liếng đã đổ hết vào ngôi nhà mới xây… Vậy là, năm đó anh vay vốn ngân hàng và anh em, bạn bè hơn 200 triệu đồng để quay vòng và trang trải nợ nần. Ngôi nhà khang trang mọc lên giữa làng còn chưa kịp quét vôi, nhưng cũng đủ cho vợ chồng anh, bố mẹ và các em “mở mày mở mặt”, đó còn là thể hiện tinh thần chịu khó, ý chí vươn lên của người nông dân “một nắng hai sương”. Không muốn “khoe” hết những gì mình đã làm, nhưng đến thăm gia đình, chúng tôi thấy, gia đình anh có một cơ ngơi dù không phải quá đồ sộ, nhưng đó cũng là niềm mơ ước và sự ngưỡng mộ của nhiều người cùng với tuổi vợ chồng anh ở thôn Làng Kim này. Vì thế, tin Vùi A Lùi được giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn dành cho nhà nông trẻ xuất sắc không mấy bất ngờ đối với người Giáy ở thôn Làng Kim, bởi đó là sự ghi nhận công sức rất xứng đáng.

Năm nay, vợ chồng anh Lùi đang trồng 1,2 vạn giống cây bắp cải, bán ở chợ đêm Lào Cai. Giờ đang là đầu vụ, nên rất vất vả, ngày nào cũng phải có người túc trực làm cỏ, bắt sâu, tối thì thắp đèn bẫy sâu. Thức khuya, dậy sớm với vợ chồng Vùi A Lùi đã thành giấc quen. Thế nên, cứ 2h sáng là vợ chồng anh đã phải chở rau bằng xe máy mang ra chợ đêm Lào Cai bán. Bán xong rau cũng là lúc trời rạng sáng, về vườn rau là vừa. Cứ cách vài ngày, lại trồng 1.000 cây rau giống, lứa rau nọ nối tiếp lứa rau kia, nên thu hoạch gối nhau liên tiếp.

Giờ đây, không chỉ người dân thôn Làng Kim trồng rau mà cả cánh đồng xã Quang Kim đã xanh bạt ngàn rau. Khi tôi hỏi: Thế họ cũng trồng rau xanh như anh, anh không sợ họ canh tranh với gia đình à? Vùi A Lùi không ngần ngại đáp: Không sợ, vì rau xanh cung cấp cho cả thành phố Lào Cai không bao giờ là đủ, cả cánh đồng Quang Kim này thì ăn thua gì. Quan trọng là phải cung cấp nguồn rau an toàn, có uy tín mới mong phát triển bền được…Thế nên, anh đã động viên bạn bè, những ai có đất thì đầu tư trồng rau an toàn để bán. Không những thế, anh còn vận động những đoàn viên, thanh niên trong thôn, gia đình nào có ao thì đầu tư nuôi cá. Nhiều gia đình thấy anh Lùi trồng rau hiệu quả, cũng tham gia trồng rau vụ đông, như các hộ: Hù A Kiên, Hù Văn Chiến, Vàng Văn Lùi và Lý Văn Hương… Vùi A Lùi mơ ước sẽ phát triển thành Hợp tác xã sản xuất rau an toàn, bởi rau Làng Kim được trồng ven suối, đất đai màu mỡ, rau ngon “có tiếng” trong thị hiếu của người tiêu dùng ở thành phố Lào Cai và các vùng lân cận. Rau nhà anh Lùi trồng không sử dụng thuốc trừ sâu bởi anh nghĩ, người ta ăn rau cũng như mình ăn… Kiếm được nhiều tiền ai cũng muốn, nhưng để khi tiêu đồng tiền “mồ hôi công sức” đó phải thật sự có cảm giác thoải mái, không day dứt lương tâm mình, lúc ấy mới cảm nhận hết giá trị của đồng tiền.

Trên tuyến đường nông thôn mới của xã Quang Kim có biết bao nhiêu đổi thay, có biết bao nhiêu điển hình và trong những danh sách ấy không thể thiếu vắng cái tên Vùi A Lùi, người trồng rau nhiều nhất xã (tính đến thời điểm hiện tại). Anh bảo: Chính những phong trào xây dựng nông thôn mới, thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác đã “tiếp sức” cho những người dân tộc thiểu số trẻ tuổi ở vùng cao Lào Cai như mình được dịp thử thách lòng kiên nhẫn và sức trẻ. Mình tin, cứ đi rồi sẽ đến, cứ làm bằng chính sức lực rồi cũng thành công. Để có được thành công phải từ cố gắng, nỗ lực của chính mình.

Con suối vẫn ngày ngày chảy qua Làng Kim, bồi thêm màu mỡ cho cả cánh đồng ven suối tốt tươi. Và trong dòng chảy của cuộc sống hôm nay, cũng có muôn vàn hạt cát nhỏ vẫn đang lặng lẽ âm thầm dựng xây cho đời. Trong đó, Vùi A Lùi được mọi người yêu mến, nể phục ví anh như “hạt cát vàng” đang sáng lấp lánh bên suối Làng Kim. 

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ Hà Nhì vượt qua hủ tục

Phụ nữ Hà Nhì vượt qua hủ tục

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tự nỗ lực vươn lên, phụ nữ Hà Nhì ở vùng cao Y Tý (Bát Xát) đã vượt qua hủ tục, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, trở thành các tấm gương sáng trong cộng đồng.

Tôn vinh 17 cá nhân, 12 mô hình khu vực phía Nam trong học tập và làm theo Bác

Tôn vinh 17 cá nhân, 12 mô hình khu vực phía Nam trong học tập và làm theo Bác

Tối 11/10, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024” giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Nam năm 2024.

“Biệt đội” cứu nạn, cứu hộ vì Nhân dân quên mình

“Biệt đội” cứu nạn, cứu hộ vì Nhân dân quên mình

Mưa lũ, ngập úng và sạt lở đất đá do hoàn lưu bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và Nhân dân tại nhiều địa phương trong tỉnh. Trong thời khắc hiểm nguy đó, cùng với các lực lượng khác, cán bộ và chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh đã không màng khó khăn, chạy đua với thời gian để cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ Nhân dân.

Tuyên dương 38 thanh niên khuyết tật tiêu biểu

Tuyên dương 38 thanh niên khuyết tật tiêu biểu

Tối 7/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Công ty TNHH TCP Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024, tuyên dương 38 thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong toàn quốc.

Người “thủ lĩnh” quyết đoán

Người “thủ lĩnh” quyết đoán

Với kinh nghiệm, kiến thức bản địa quý báu trong ứng phó với thảm họa lũ quét, sạt lở đất ở vùng cao, anh Ma A Chính, Bí thư Chi bộ thôn Cô Tông Bản Vàng, xã Bản Cái, huyện Bắc Hà đã quyết đoán đưa toàn bộ 54 hộ dân trong thôn ra đến khu vực an toàn, dựng lán tránh trú.

Tự soi để sửa mình theo từng nội dung Quy định 144-QĐ/TW

Tự soi để sửa mình theo từng nội dung Quy định 144-QĐ/TW

Quy định 144-QĐ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 9/5/2024 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới đã hội tụ đầy đủ những cốt cách về đạo đức mà người cán bộ, đảng viên cần phải có, với những điều khoản được viết khái quát, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Càng gian khó, càng đoàn kết như anh em ruột thịt

Càng gian khó, càng đoàn kết như anh em ruột thịt

Cách đây 66 năm, ngày 23/9/1958, tại sân Tỉnh ủy, khi trò chuyện với cán bộ, công nhân, chiến sĩ, Nhân dân, kiều bào ta đang sinh sống tại Hà Khẩu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngày nay, dưới chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta, các dân tộc bất kỳ to hay nhỏ đều là bình đẳng, đều là người chủ nước nhà. Tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như anh em ruột thịt”.

fbytzltw