Những sản phẩm nông sản an toàn theo chuỗi được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Ông Trần Quang Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần nông sản an toàn Lào Cai cho rằng, mặc dù đã hoạt động nhiều năm nay nhưng việc quản lý cũng như cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn đối với công ty vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là chứng nhận an toàn trong các khâu từ sản xuất cho tới đưa ra thị trường, bởi việc hoàn thiện các chứng nhận cũng như phân tích xét nghiệm các mẫu mất rất nhiều chi phí, doanh nghiệp nhỏ sẽ không đủ kinh phí để có thể vận hành. Mặt khác, nếu không có chứng nhận về sản phẩm an toàn thì sẽ khó lấy được lòng tin của khách hàng và sản phẩm cũng khó tiêu thụ hơn.
Hiện nay, việc xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn áp dụng đối với sản phẩm nông - lâm - thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, việc xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn được cấp cho cơ sở kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản bán cho cá nhân, tổ chức tiêu dùng trực tiếp. Đặc biệt, việc xác nhận được thực hiện theo yêu cầu tự nguyện của chủ cơ sở kinh doanh. Các tiêu chí xác nhận cơ bản gồm có sản phẩm bán tại cơ sở kinh doanh có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ; sản phẩm được sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh tại các cơ sở đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận GAP hoặc tương đương, hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đối với cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, sản phẩm tại cơ sở kinh doanh bán cho cá nhân, tổ chức tiêu dùng trực tiếp được lấy mẫu giám sát và có kết quả kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định. Vì vậy, cơ sở được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn phải đảm bảo thực phẩm an toàn được cung cấp đến tận tay người tiêu dùng.
Ông Hà Ngọc Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Lào Cai cho biết: Việc thực hiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn sản phẩm nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như số cơ sở có chuỗi được xác nhận và quản lý giám sát còn thấp so với tổng số cơ sở cung ứng thực phẩm cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể; quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ, chưa có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại điển hình, quy mô lớn tham gia chuỗi cung ứng.
Ở Lào Cai, do đặc thù về điều kiện tự nhiên là miền núi nên sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán; một số người dân chưa tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn; nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã về lợi ích lâu dài của việc tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát; việc phân biệt sản phẩm an toàn và được kiểm soát theo chuỗi với sản phẩm không rõ nguồn gốc gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, việc quản lý theo chuỗi đối với thực phẩm có đối tượng sản xuất ban đầu là các hộ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản nhỏ lẻ còn hạn chế trong quá trình ghi chép, truy xuất nguồn gốc. Một số nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bếp ăn tập thể… còn coi nhẹ việc quản lý, giám sát các cơ sở cung ứng trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu minh chứng về việc duy trì đảm bảo an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến trước khi cung ứng của cơ sở. Ngoài ra, chi phí cho việc phân tích các chỉ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm của sản phẩm xác nhận theo chuỗi cao, trong khi đa số các cơ sở kinh doanh của tỉnh là nhỏ lẻ, doanh thu thấp. Mặt khác, xác nhận chuỗi nông sản an toàn không phải là tiêu chí bắt buộc đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp nên nhiều cơ sở không mặn mà tham gia chuỗi…
Thực tế ghi nhận của ngành nông nghiệp, hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai, sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo các quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản còn ít. Số lượng sản phẩm nông nghiệp được cấp nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi và chỉ dẫn địa lý còn ít so với tiềm năng và điều kiện tự nhiên của tỉnh. Toàn tỉnh mới có 160 chuỗi sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn được cấp giấy xác nhận an toàn thực phẩm, chủ yếu là cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn với sản lượng khoảng 16.000 tấn rau, củ, quả, gạo, chè, tương ớt… hơn 900 tấn thịt, thủy sản và sản phẩm từ thịt, thủy sản; hơn 1,5 triệu quả trứng gia cầm mỗi năm.
Ông Hà Ngọc Đạt cho biết thêm, để phát triển đồng bộ các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo hướng nâng cao chất lượng, trước mắt cần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn, như tiếp tục quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... nhằm tạo các sản phẩm đầu ra có chất lượng cao, được kiểm soát về an toàn thực phẩm cung cấp cho chuỗi.
Cũng theo ông Đạt, cần tăng cường tuyên truyền các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh. Hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ cấp xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và phải coi giấy xác nhận là tiêu chí cần thiết khi ký kết các đơn hàng của các cơ sở tiêu thụ lớn (nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học...), vì đây là minh chứng cho việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm trong cả chuỗi cung ứng, từ đó khuyến khích các cơ sở tích cực tham gia các chuỗi cung ứng...