LCĐT - Theo thông tin được phản ánh trên báo chí, một nhóm tình nguyện khi sơ chế thịt lợn để nấu ăn cho học sinh trên địa bàn xã Thanh Kim (Sa Pa) phát hiện và nghi ngờ thịt lợn bị nhiễm sán gạo. Tuy nhiên, khi các cơ quan chuyên môn của huyện Sa Pa tiến hành kiểm tra thì khẳng định thịt lợn không bị nhiễm sán gạo mà chỉ có dấu hiệu tàn dư của thuốc thú y.
Trường Tiểu học Thanh Kim - nơi tổ chức Chương trình “Bữa ăn có thịt”. |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đắc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Thanh Kim (Sa Pa) cho biết: Sau khi có phản ánh của đoàn tình nguyện về nghi ngờ 300 kg thịt lợn bị nhiễm sán gạo trong Chương trình “Bữa cơm có thịt” cho học sinh trên địa bàn xã, chính quyền xã đã báo cáo lên các cơ quan chức năng và mời các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra.
Theo đó, sau khi cắt một số miếng thịt ở vai, nách phát hiện có bọc, hạt hình tròn màu trắng ở vị trí vách mỡ, xen kẽ các thớ thịt nạc. Khi cắt các hạt hình tròn ra thì bên trong có chất dịch màu trắng lỏng, qua đó kết luận số thịt lợn nêu trên không có dấu hiệu bị nhiễm ấu trùng sán (lợn gạo), có thể trong quá trình nuôi dưỡng, lợn được người chăn nuôi sử dụng một số vắc xin hoặc kháng sinh để tiêm, nhưng do hấp thụ không tốt nên còn nằm lại trên thịt lợn. Do còn tàn dư thuốc trong thịt, các cơ quan chuyên môn cho rằng số thịt lợn trên không đảm bảo vệ sinh để chế biến thành thức ăn nên đã quyết định tiêu hủy toàn bộ số thịt lợn trên tại bãi rác của xã.
Biên bản kiểm tra của các cơ quan chuyên môn huyện Sa Pa. |
Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Kim, trước đó, nguyện vọng của Trường Tiểu học Thanh Kim là mong muốn kết nối với các nhà hảo tâm để hỗ trợ một số nhu yếu phẩm như gia vị, mì tôm, cá khô… giúp học sinh cải thiện bữa ăn trong mùa giáp hạt. Quá trình kết nối đã được nhóm tình nguyện (25 thành viên) do chị Trần Thị Kim Huế (Hà Nội) làm trưởng nhóm đồng ý hỗ trợ số nhu yếu phẩm trên và đề nghị thực hiện thêm Chương trình “Bữa cơm có thịt” với số lượng 1.076 suất ăn cho 600 học sinh trên địa bàn xã và người dân thôn Lếch Mông.
Toàn bộ số thịt lợn đã được tiêu hủy. |
Để chuẩn bị thực phẩm cho chương trình, nhóm tình nguyện đã nhờ Trường Tiểu học Thanh Kim đặt hộ 300 kg thịt lợn từ cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Ngọc Hoàng, tổ 25, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) với số lượng 4 con được giết mổ và có dấu kiểm định thú y. Đến sáng 4/5, nhóm từ thiện đến Trường Tiểu học Thanh Kim nhận số thịt trên, trong quá trình sơ chế chuẩn bị nấu ăn cho học sinh, một số thành viên trong nhóm phát hiện thịt lợn có dấu hiệu nghi bị nhiễm sán gạo nên đã phản ánh lên chính quyền xã.
Để đảm bảo Chương trình “Bữa cơm có thịt” được diễn ra, nhóm tình nguyện đã mua thịt lợn tại một cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xã để thay thế số thịt lợn bị nghi nhiễm sán gạo trên.