Nhìn nhận nhà giáo giữ vai trò chủ chốt trong tiến bộ về giáo dục và những đóng góp của họ có tầm quan trọng đối với sự phát triển con người, xã hội hiện đại, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã kiên trì, kiên định, kịp thời trong tham mưu, đề xuất, xây dựng chính sách cho nhà giáo.
Giải quyết nhiều trăn trở
Việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư cũ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập là tin vui với thầy, cô giáo và toàn ngành.
Trải qua thời gian dài (trên 2 năm) lấy ý kiến góp ý rộng rãi; trong đó có tổng hợp ý kiến của 63 sở GD&ĐT, nhiều phản biện của chuyên gia, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT được đánh giá đáp ứng yêu cầu mới, khắc phục bất cập hiện hành, theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, bớt các yêu cầu mang tính thủ tục cho giáo viên, nhân viên.
Một số điểm điều chỉnh nổi bật tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có thể nói đến, như bỏ các quy định: Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng chức danh nghề nghiệp và quy định chung cho giáo viên ở các hạng; quy định giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ; giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng; yêu cầu nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang mới; thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III là 9 năm thay bằng 3 năm.
Những vấn đề được Thông tư 08 bãi bỏ đều là băn khoăn, trăn trở, thậm chí bức xúc của đông đảo nhà giáo và để làm được không đơn giản, bởi nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Nội vụ. Nếu không quyết liệt, thực sự vì quyền lợi của nhà giáo, đồng cảm với đội ngũ, nền tảng tư duy khoa học, thực tiễn, không thể có chính sách hợp lòng người như Thông tư này.
Thông tư mới đã ban hành nhưng khi đi vào cuộc sống, triển khai ở cơ sở chưa trọn vẹn. Đơn cử sự việc tập thể giáo viên tại Hà Nội kiến nghị bỏ thi nâng hạng. Sau khi nhận kiến nghị, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức đã phản ứng tức khắc và đưa ra quan điểm đồng tình, coi đây là bức xúc chung của đội ngũ giáo viên cả nước, đồng thời hứa sẽ sớm kiến nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ sửa đổi quy định bất cập này.
Sau đó, Nghị định 85/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 của Chính phủ đã chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức; từ đó tiết kiệm được chi phí xã hội, giảm thủ tục hành chính và loại bỏ những tiêu cực trong thi cử nâng hạng. Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chia sẻ: “Tôi rất thích việc bỏ thi nâng hạng viên chức, tới đây sẽ bỏ một số môn thi khác. Việc bỏ thi này không ảnh hưởng đến công việc”.
Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ).
Ban hành mới quy định vị trí việc làm
Một trong những chính sách nổi bật liên quan đến nhà giáo ban hành năm 2023 phải nói tới 2 Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT).
Việc xây dựng Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm nhằm triển khai Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ, cũng như làm căn cứ để các địa phương triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm, từ đó làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Nội dung của 2 Thông tư được Bộ Nội vụ cho ý kiến và thống nhất theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP. Ngoài các nội dung kế thừa những quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT nhằm giữ ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hiện có. Hai Thông tư có nhiều điểm mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn các vùng miền và thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Danh mục khung vị trí việc làm được chia làm 4 nhóm theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP và theo Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ, bao gồm nhóm vị trí việc làm: Lãnh đạo, quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng); chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (giáo viên, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật…); chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung theo quy định tại Thông tư của Bộ Nội vụ (kế toán, văn thư, thủ quỹ…); hỗ trợ, phục vụ (bảo vệ, phục vụ, y tế học đường…).
Theo đó, giáo vụ, thư viện, thiết bị thí nghiệm, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật điều chỉnh từ nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ sang chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; y tế chuyển sang hỗ trợ, phục vụ; công nghệ thông tin thay bằng vị trí việc làm quản trị công sở.
Bổ sung 1 vị trí việc làm tư vấn học sinh. Do chuyển đổi về nhóm danh mục nên đối với vị trí “y tế học đường”, “công nghệ thông tin”, Bộ GD&ĐT có điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi cho nhân viên y tế trường học, công nghệ thông tin đã tuyển dụng cũng như đang thực hiện nhiệm vụ.
Bộ đồng thời có công văn gửi Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm. Trong đó, đề nghị điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục. Ngày 23/12/2023, Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 7583/BNV-TCBC về hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm.
Tại Điểm b Khoản 1.3 Nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung mục II của Công văn 7583/BNV-TCBC có nêu: Trước mắt, đề nghị các địa phương hướng dẫn cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định vị trí việc làm “Y tế học đường” thuộc nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung như hiện nay. Điều này đã làm thỏa lòng mong mỏi của đội ngũ nhân viên y tế học đường vốn bất an.
Việc bổ sung 1 vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công tác tư vấn tâm lý học đường trong bối cảnh những bất ổn tâm lý của học sinh là vấn đề nhức nhối thời gian qua… Bên cạnh đó, vị trí việc làm “giáo vụ” được xác định ở cấp học tiểu học, THCS, thay vì chỉ có ở cấp THPT và trường chuyên biệt nhằm giảm áp lực một số công việc quản lý hành chính đối với học sinh của giáo viên các cấp học này.
Thông tư cũng quy định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đang bố trí số lượng viên chức giáo viên thấp hơn định mức tối đa theo quy định (do biên chế giao không đủ theo định mức tối đa, hoặc chưa tuyển dụng được) thì căn cứ định mức tối đa quy định tại Thông tư này để xác định số lượng giáo viên ký kết hợp đồng lao động.
Quy định này đã tạo căn cứ để các cơ sở giáo dục xác định số lượng hợp đồng lao động thực hiện theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm đủ số lượng người làm việc để triển khai chương trình giáo dục.
Việc Bộ GD&ĐT ban hành 2 Thông tư thay thế cho các Thông tư về vị trí việc làm đã thực hiện nhiều năm qua, thể hiện sự quyết tâm hướng về cơ sở, vì cơ sở của Bộ chủ quản.
Cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học.
Nỗ lực xây dựng luật riêng cho nhà giáo
Những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành đã tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện nay. Bất cập từ thực tiễn công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo đặt ra yêu cầu cấp thiết phải luật hóa các quy định với nhà giáo, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác quản lý Nhà nước với đội ngũ nhà giáo. Do đó, những vấn đề về nhà giáo cần điều chỉnh bằng một luật riêng để bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện.
Đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo với quan điểm vì đội ngũ, tạo hành lang pháp lý và cơ chế tốt nhất cho nhà giáo phát triển, nâng cao vị thế là việc quan trọng Bộ GD&ĐT đã làm được trong năm 2023.
Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục; hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về nhà giáo; phát triển đội ngũ nhà giáo trên cơ sở tôn trọng đặc điểm nghề nghiệp, vì nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức các ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng Luật Nhà giáo cũng nhằm kiến tạo môi trường hoạt động nghề nghiệp mới cho nhà giáo trong bối cảnh phát triển của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế…
Bộ GD&ĐT đã đề xuất 5 chính sách trong Luật Nhà giáo và được Chính phủ thống nhất thông qua, bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Bộ GD&ĐT thời gian qua rất trăn trở về lương, coi đó là yếu tố quan trọng trong đời sống giáo viên, đóng vai trò quyết định đến mức độ xã hội đánh giá và công nhận họ. Do đó, tôi cho rằng, Luật Nhà giáo phải khẳng định rõ quan điểm về mức lương, giá trị lương nhà giáo.
Cụ thể: Lương cần cung cấp cho giáo viên nguồn thu nhập ổn định của bản thân và gia đình; là yếu tố quan trọng để động viên giáo viên làm việc chăm chỉ hơn; lương cao tạo ra môi trường làm việc tích cực, giúp thầy, cô giáo làm việc hiệu quả và đạt kết quả tốt hơn trong giảng dạy.
Khi nhận mức lương tương xứng và được đánh giá cao, giáo viên có thể cảm thấy hạnh phúc, tự hào về công việc của mình, có khả năng duy trì nghề nghiệp lâu dài. Hay nói khác đi, để giáo viên có động lực cống hiến lâu dài cho sự nghiệp “trồng người”.
Ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam và học sinh Trường Tiểu học và THCS Hùng An (Kim Động, Hưng Yên).
Kiên trì đề xuất nhiều chế độ, chính sách
Thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT, đặc biệt Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhiều lần đề xuất và thể hiện quyết tâm cao trong đề xuất chính sách cho nhà giáo, đội ngũ nhân viên trường học. Ngày 15/8/2023, Bộ trưởng có cuộc gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với giáo viên cả nước và trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều mong mỏi, ý kiến của giáo viên.
Hiện nay, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được hưởng các chính sách bao gồm: Lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, chức vụ lãnh đạo (nếu có), khu vực, ưu đãi, thâm niên và một số chính sách khác. Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng cao, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng một số ưu đãi.
Trong những năm gần đây, mặc dù Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập cho giáo viên như: Phụ cấp ưu đãi, thâm niên nghề, mở rộng tiêu chuẩn, tiêu chí nâng lương trước thời hạn cho giáo viên, nhân viên... Tuy nhiên, so với biến động giá cả hàng hóa và tình hình kinh tế - xã hội thì thu nhập của giáo viên đang ở mức thấp.
Với mong muốn nâng cao thu nhập cho đội ngũ, Bộ GD&ĐT đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học để phù hợp với: Đặc thù ngành cấp học; quy định về trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 và bảo đảm tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Trước mắt, Bộ GD&ĐT đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học mức tăng từ 5 - 10% và đã nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành liên quan. Bộ GD&ĐT cũng nhiều lần có ý kiến về việc bổ sung giáo viên mầm non vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; từ đó có căn cứ để đề xuất tuổi nghỉ hưu sớm đối với giáo viên mầm non. Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT có Công văn đề nghị Bộ Nội vụ về việc đề xuất chế độ chính sách cho nhân viên trường học khi thực hiện chính sách tiền lương mới.
Có thể nói, việc luôn quan tâm và kiên trì với những chính sách hướng về đội ngũ, vì đội ngũ nhà giáo chính là minh chứng sống động cho quan điểm mà Bộ GD&ĐT luôn kiên định: Xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất; nền tảng, bền vững, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp.
Theo nhà khoa học người Mỹ - James Anderson thì “Chính sách là một quá trình hành động có mục đích được theo đuổi bởi một hoặc nhiều chủ thể trong việc giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm”. Bộ GD&ĐT với chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục đã coi phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là vấn đề đặc biệt cần quan tâm trong xây dựng chính sách, cũng như quá trình hành động mang tính sứ mệnh của mình.