
Mỗi thí sinh một đề thi riêng, biết điểm ngay sau khi nộp bài
Theo hình dung ban đầu, hình thức thi này có nhiều điểm tương đồng với kỳ thi đánh giá năng lực hiện nay của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thí sinh làm bài trực tiếp trên máy tính, mỗi người một đề thi riêng. Khi hoàn thành bài thi, thí sinh có thể biết kết quả ngay lập tức.
Về bảo mật, toàn bộ quá trình làm bài và dữ liệu sẽ được hệ thống máy tính lưu lại. Nếu có hành vi gian lận như đánh cắp đề hoặc can thiệp vào kết quả, hệ thống có thể truy xuất và phát hiện kịp thời.
Tiết kiệm nhân lực, chi phí
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận định: "Thi trên máy tính sẽ không cần quá nhiều nhân lực tham gia phục vụ kỳ thi như hiện nay, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tổ chức".
Tuy nhiên, để đảm bảo triển khai thành công, Bộ đang xây dựng lộ trình chuẩn bị, bao gồm: Chuẩn hóa đề thi theo định dạng phù hợp với thi máy tính; Đầu tư trang thiết bị cho phòng máy tại các trường; Tăng cường an ninh mạng và dữ liệu; Xây dựng và ban hành quy chế thi mới; Lộ trình áp dụng trên toàn quốc sau năm 2030
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: "Trước mắt, thi tốt nghiệp trên máy tính chỉ thí điểm tại một số nơi đủ điều kiện. Mục tiêu là sau năm 2030 có thể mở rộng trên phạm vi toàn quốc".
Việc triển khai thi tốt nghiệp trên máy tính được kỳ vọng sẽ giúp kỳ thi trở nên công bằng hơn, minh bạch hơn, đồng thời tiết kiệm nguồn lực và hiện đại hóa giáo dục trong thời kỳ chuyển đổi số.