Thời gian gần đây đang rộ lên xu hướng quay clip các bé gái nhảy trước mặt bố mẹ mình với những động tác phản cảm bắt chước người lớn trên nền nhạc không phù hợp.
Điều đáng nói ở đây là việc này dường như đang trở nên phổ biến trên nền tảng TikTok và nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, hàng chục nghìn lượt thích và chia sẻ...
Một trong những nguyên nhân khiến hình ảnh trẻ em xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội với nội dung không phù hợp là từ chính gia đình các em. Nhiều bậc cha mẹ không ý thức đầy đủ về quyền riêng tư của con mình, họ đăng tải hình ảnh, video về con từ lúc mới sinh, mọi hành vi thường nhật như tắm, ăn, khóc… đều được quay, chụp lại và chia sẻ công khai.
Dần dà, việc “khoe con” trở thành trào lưu, thậm chí là công cụ để tạo dựng hình ảnh cá nhân hoặc kinh doanh.
Trong một số trường hợp, trẻ em bị đưa lên mạng như một diễn viên. Các em được dạy để làm theo yêu cầu của người lớn, quay các video tình huống do người lớn sắp đặt; đằng sau những video tưởng chừng vui vẻ, giải trí ấy là sự ảnh hưởng âm thầm về tinh thần, danh dự và quyền cá nhân của trẻ.
Nhiều chuyên gia tâm lý, giáo dục đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc sớm với không gian mạng có thể để lại nhiều hậu quả lâu dài đối với sự phát triển của trẻ.
Đầu tiên sẽ khiến trẻ lệch chuẩn hành vi, trẻ dễ bắt chước các hành vi, lời nói không phù hợp với lứa tuổi, từ đó hình thành các phản ứng thái quá, cách thể hiện cảm xúc tiêu cực, ngôn từ tục tĩu hoặc bạo lực; những điều này gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển tâm lý của trẻ, khiến cho trẻ có thể sớm mang trong mình áp lực phải nổi tiếng, phải được quan tâm, dẫn đến lệ thuộc vào mạng xã hội.
Bên cạnh đó, những hình ảnh, clip phản cảm dễ bị kẻ xấu thu thập, chỉnh sửa, phát tán hoặc sử dụng với mục đích thiếu lành mạnh.
Một hệ quả nữa cũng rất nghiêm trọng đó là mất quyền kiểm soát hình ảnh cá nhân, khi nội dung đăng tải lên mạng xã hội thì cho dù bằng cách này hay cách khác, rất khó để xóa bỏ hoàn toàn.
Và hệ lụy là trẻ em có thể bị ảnh hưởng trong học tập, công việc hoặc quan hệ xã hội.
Tại Việt Nam, Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định rõ về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
Bộ luật Dân sự, Luật An ninh mạng, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… đều có những điều khoản liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, tuy nhiên việc thực thi vẫn còn nhiều bất cập.
Một số vụ việc đăng tải hình ảnh phản cảm của trẻ em trên mạng xã hội chỉ bị xử lý hành chính hoặc dừng lại ở mức độ nhắc nhở.
Việc nhận diện và xử lý nội dung độc hại trên không gian mạng còn phụ thuộc vào nền tảng kỹ thuật của các trang mạng xã hội nước ngoài.
Điều quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không nằm ở việc cấm đoán tuyệt đối, mà ở sự đồng hành và hướng dẫn từ phía người lớn.
Cần trang bị cho trẻ kiến thức cơ bản về an toàn khi tham gia môi trường mạng, cách nhận diện nội dung xấu, cách xử lý khi bị làm phiền hay quấy rối trực tuyến.
Bên cạnh đó cũng cần khuyến khích các em tham gia các hoạt động ngoại khóa, đọc sách, thể thao, nghệ thuật… để giảm thời gian truy cập trên các nền tảng mạng xã hội.
Các bậc cha mẹ nên tôn trọng quyền riêng tư của con, không đăng tải các hình ảnh, video của trẻ. Đồng thời, chính cha mẹ cũng phải là tấm gương về hành vi ứng xử văn minh khi sử dụng mạng xã hội.
Trẻ em có quyền được lớn lên trong sự an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần. Các nền tảng mạng xã hội không xấu, nhưng sẽ trở thành mối nguy hại nếu người lớn buông lỏng vai trò quản lý và định hướng.
Đừng để những video câu view, câu like vô thưởng vô phạt gây ra những hệ lụy cho các em ở thời điểm hiện tại và cả mai sau.