Giao cấp tỉnh thực hiện 7 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực giáo dục, trong đó giao 7 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cấp tỉnh.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ được phân cấp thực hiện 7 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ tịch uỷ ban nhân dân xã cũng được giao hai nhiệm vụ mới.

Đây là điểm đáng chú ý trong dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở giáo dục và đào tạo thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự thảo vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trên cổng thông tin điện tử của đơn vị này để lấy ý kiến góp ý.

So với văn bản hiện hành, dự thảo lần này có nhiều nội dung điều chỉnh đáng chú ý.

Cụ thể, dự thảo mở rộng thẩm quyền và phạm vi quản lý của sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, sở giáo dục và đào tạo được giao tham mưu cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện 7 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nay phân cấp cho chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị định 143/2025/NĐ-CP.

Các nhiệm vụ bao gồm:

- Công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 1 và mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 1 đối với tỉnh

- Cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ.

- Chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị thành lập sang cơ sở hoạt động không vì lợi nhuận.

- Phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.

- Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định cho phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

- Cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

- Đánh giá việc đảm bảo các điều kiện tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số.

Sở giáo dục và đào tạo được giao nhiệm vụ thực hiện toàn bộ việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, tiếp nhận, điều động, biệt phái, thuyên chuyển, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động trong tất cả các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP. Trước đây, đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, các nhiệm vụ này do ủy ban nhân dân cấp huyện và phòng giáo dục và đào tạo thực hiện.

Với cấp xã, dự thảo thông tư cũng quy định cụ thể vai trò tham mưu của bộ phận chuyên môn về giáo dục – đào tạo thuộc phòng văn hóa - xã hội cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Trong đó, dự thảo đã bổ sung hai nhiệm vụ mới, trước đây không được giao cho chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã.

Cụ thể, chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỷ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý.

Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập hội đồng trường; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường; bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục công lập; quyết định công nhận hoặc không công nhận hội đồng trường, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục tư thục theo đúng tiêu chuẩn chức danh và thủ tục pháp luật quy định.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xác định rõ phạm vi tham mưu và giới hạn thẩm quyền của cấp xã là bước đi cần thiết nhằm hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý giáo dục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách tại cơ sở.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay dự thảo được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nghị định số 143/2025/NĐ-CP quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

vietnamplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bước tiến chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục

Bước tiến chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục

Hai Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi và miễn, hỗ trợ học phí cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đã đánh dấu một bước tiến có ý nghĩa chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục nước ta.

Chấm thi khẩn trương nhưng không được 'sót bài', 'sót ý' để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Chấm thi khẩn trương nhưng không được 'sót bài', 'sót ý' để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về công tác chấm thi trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, việc bảo đảm quyền lợi cho thí sinh trong khâu chấm thi, độ khó của đề thi Toán, Tiếng Anh,...

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Với 11 tỉnh/thành phố không có sự biến động, mã vùng điện thoại cố định vẫn giữ nguyên. Với 23 tỉnh/thành phố mới được sắp xếp từ 2 tỉnh/thành phố trở lên sẽ áp dụng song song các mã vùng điện thoại cố định, sau đó dự kiến sẽ áp dụng theo mã vùng của tỉnh mới.

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và đưa vào vận hành mô hình chính quyền hai cấp, đến nay, bộ máy hành chính của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn gần dân, sát cơ sở, giải quyết công việc nhanh gọn, minh bạch, tăng sự hài lòng của người dân.

Đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm

Đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 338/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 15 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

fb yt zl tw