
Nhưng liệu đây có phải là con đường trải hoa hồng dẫn đến ước mơ khoác áo blouse trắng?
Ngã rẽ khi lỡ duyên
Nguyễn Minh Thi (sinh năm 2006, tại TPHCM), với niềm khao khát cháy bỏng trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người nhưng luôn trượt vì không đủ điểm vào các trường đại học. Không từ bỏ, Thi tìm hiểu về các trường cao đẳng y dược với suy nghĩ học y sĩ đa khoa hệ cao đẳng, sau đó đi làm vài năm rồi tìm cơ hội học liên thông làm bác sĩ.
“Gia đình em dù còn lo lắng về chất lượng đào tạo và tương lai của việc liên thông, nhưng thấy con quyết tâm nên đành ủng hộ. Em nghĩ đây là con đường vòng và có thể dài, vất vả hơn nhưng ít nhất em được học và làm trong ngành Y, vẫn có cơ hội để ngày nào đó trở thành bác sĩ thực thụ”, Minh Thi tâm sự.
Trái ngược với Minh Thi, Hoàng Tuấn Tú (sinh năm 2007, tại Đồng Nai) cho rằng, giấc mơ bác sĩ có lẽ quá xa vời và không muốn đánh cược tương lai vào con đường liên thông đầy bất định. Tú cho biết có đọc được quy định liên thông từ y sĩ lên bác sĩ ngày càng siết chặt nên không muốn mất 3 năm học cao đẳng rồi lại rơi vào vô định.
“Em quyết định chuyển hướng sang học ngành Dược hoặc Điều dưỡng hệ cao đẳng tại một cơ sở đào tạo uy tín. Học ngành này ra trường có thể làm việc tại các nhà thuốc, công ty dược hoặc điều dưỡng viên trong bệnh viện. Công việc rõ ràng, cơ hội việc làm rộng mở. Quan trọng là được đào tạo bài bản về kỹ năng nghề nghiệp để có thể đi làm ngay, tự chủ kinh tế sớm”, Tú nói.
Trước những phân vân của học sinh, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, đã chỉ ra những thách thức cốt lõi ngay trong quá trình đào tạo. Theo ông Tuấn, thách thức lớn nhất và mang tính hệ thống đối với việc đào tạo khối ngành sức khỏe ở bậc giáo dục nghề nghiệp là chất lượng đào tạo và điều kiện đảm bảo chất lượng.
Thứ nhất, về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Ngành Y là ngành khoa học đặc thù, đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết hàn lâm và thực hành lâm sàng. Việc đào tạo không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức trong sách vở mà phải “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn thực tế trên mô hình, và quan trọng nhất trên người bệnh.
Để đào tạo ra y sĩ, dược sĩ, hay điều dưỡng viên có tay nghề, nhà trường cần đội ngũ giảng viên là bác sĩ, dược sĩ giàu kinh nghiệm lâm sàng. Đồng thời, hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành, mô hình giải phẫu, và đặc biệt sự liên kết chặt chẽ với các bệnh viện, cơ sở y tế để sinh viên có nơi thực tập (đi lâm sàng) là yếu tố quan trọng.
Tuy nhiên, không phải cơ sở GDNN nào cũng đáp ứng được yêu cầu này. Nhiều trường, đặc biệt các trường tư thục, gặp khó khăn trong đầu tư trang thiết bị đắt đỏ và xây dựng mối quan hệ bền vững với các bệnh viện lớn, dẫn đến tình trạng sinh viên “học chay”, thiếu kỹ năng thực tế khi ra trường.
Thứ hai, chương trình đào tạo Y khoa (bác sĩ đa khoa) ở các trường đại học kéo dài 6 năm, tập trung vào kiến thức y học cơ sở, y học lâm sàng chuyên sâu và tư duy nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, chương trình Y sĩ ở bậc cao đẳng chỉ kéo dài 3 năm, chủ yếu tập trung vào kỹ năng thực hành, quy trình kỹ thuật điều trị cơ bản. Sự khác biệt về chiều sâu kiến thức này rất lớn.
Theo ông Tuấn, chúng ta phải xác định rõ, mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo ra người hành nghề, có kỹ năng thực hành tốt để thực hiện công việc theo quy trình, dưới sự giám sát của bác sĩ. Y sĩ là một phần quan trọng trong hệ thống y tế, hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. “Sinh viên và phụ huynh cần hiểu rõ điều này để tránh ảo tưởng học y sĩ ở trường nghề là con đường tắt để trở thành bác sĩ”, ông Tuấn nói.

Cạnh tranh khốc liệt
Phân tích sâu hơn về thách thức liên quan đến cơ hội việc làm và con đường phát triển sự nghiệp, TS Nguyễn Quang Tiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế, nhận định, sau khi tốt nghiệp, các y sĩ, dược sĩ trung cấp/cao đẳng phải đối mặt với hai thách thức lớn: Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động và lộ trình thăng tiến nghề nghiệp không rõ ràng.
Về cơ hội việc làm, TS Tiệp chỉ ra rằng, dù nhu cầu nhân lực y tế của xã hội lớn nhưng thị trường lao động ngày càng có sự phân hóa mạnh mẽ. Các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện lớn ở các thành phố luôn ưu tiên tuyển dụng bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng.
Vai trò của y sĩ rất quan trọng, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở. Họ là cánh tay nối dài của bác sĩ. Tuy nhiên, thực tế nhiều sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng không muốn về các vùng sâu, xa để công tác mà tập trung ở lại các thành phố lớn, dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt cho các vị trí tại phòng khám tư nhân, bệnh viện tư nhân nhỏ lẻ. Hơn nữa, họ phải cạnh tranh với đội ngũ cử nhân điều dưỡng tốt nghiệp đại học - những người được đánh giá cao hơn về kiến thức nền tảng và khả năng ngoại ngữ.
Về lộ trình thăng tiến, TS Tiệp cho rằng, trong nhiều năm, việc liên thông từ y sĩ lên bác sĩ được xem như “cánh cửa” hy vọng cho nhiều người. Tuy nhiên, theo xu hướng chung của thế giới và yêu cầu nâng cao chất lượng nhân lực y tế, Bộ Y tế đã siết chặt quy định này. Cụ thể, các quy định mới gần như đã đóng lại con đường liên thông trực tiếp. Muốn trở thành bác sĩ, người có bằng y sĩ phải quay lại từ đầu, ôn thi và xét tuyển vào trường đại học giống như các thí sinh THPT khác.
“Đây là sự thay đổi chính sách tất yếu để đảm bảo chất lượng đầu ra của bác sĩ, nhưng nó cũng đặt dấu chấm hết cho giấc mơ của nhiều sinh viên đang theo học y sĩ với hy vọng liên thông. Đây là rủi ro rất lớn mà nhiều cơ sở đào tạo và sinh viên không lường trước được”, TS Tiệp cảnh báo.
Thực tế, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò không thể thiếu trong việc cung cấp nguồn nhân lực y tế thực hành cho xã hội. Tuy nhiên, để con đường này thực sự là lựa chọn phù hợp, cần có sự thay đổi từ nhiều phía.
Theo các chuyên gia, Nhà nước cần có quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo, tăng cường công tác kiểm định chất lượng nghiêm ngặt, và xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng, công bằng cho đội ngũ y sĩ, điều dưỡng. Về phía nhà trường, phải đầu tư nghiêm túc vào cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu.
“Cuối cùng, về phía thí sinh và gia đình, cần tìm hiểu kỹ lưỡng, có tư duy thực tế, nhận thức rõ ràng về vai trò, vị trí công việc và những giới hạn của tấm bằng y sĩ, dược sĩ hệ cao đẳng để có những lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn và bền vững cho tương lai”, TS Tiệp nhấn mạnh.
Ông Trần Anh Tuấn nhận định: “Nhu cầu chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao, trong khi các bệnh viện chưa đáp ứng hết. Nhân lực ngành Y rất quan trọng trong nhu cầu các ngành nghề vì đang thiếu nhân sự chuyên môn giỏi.
Đào tạo khối ngành sức khỏe liên quan tới sức khỏe, tính mạng người dân, do đó cần có những quy định. Đồng thời, thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, kể cả đào tạo giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh đào tạo đạt chất lượng”.