Trong 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 18 dự án với tổng số vốn 142 triệu USD - gấp 2,7 lần so với cùng kỳ; có 9 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 403 triệu USD - gấp 25,5 lần. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) trong 4 tháng đạt 545 triệu USD - gấp gần 8 lần so với cùng kỳ.
Một trong những cái tên đáng lưu ý là doanh nghiệp lớn của Việt Nam có 3 dự án đầu tư sang Pháp, Hà Lan, Canada với vốn đầu tư mỗi dự án 32 triệu USD và 1 dự án trị giá 20,5 triệu USD đầu tư ở Singapore với mục tiêu kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị viễn thông, điện tử, đồ gia dụng, ô tô. Trong 9 lượt dự án điều chỉnh vốn, doanh nghiêp Việt cũng góp mặt với dự án tại Mỹ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án tại Đức tăng 32 triệu USD…
Mặc dù tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt “viễn chinh” (lũy kế đến ngày 20-4 là gần 21,8 tỷ USD, với hơn 1.400 dự án còn hiệu lực) tuy chưa phải thật ấn tượng so với nhiều nền kinh tế khác, nhưng xu hướng gia tăng đã diễn ra trong vài năm trở lại đây. Năm 2020, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài tính cả cấp mới và điều chỉnh đạt trên 590 triệu USD, tăng hơn 16% so với năm 2019. Các nhà đầu tư Việt Nam đã chú trọng hơn đến các lĩnh vực khoa học - công nghệ, thương mại... thay vì tập trung vào nông, lâm nghiệp, thủy sản, khai khoáng như trước đây.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp Việt khi mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài mới tham gia sâu được vào chuỗi giá trị toàn cầu; nghiên cứu, tìm kiếm và tiếp thu công nghệ hiện đại để thực sự cạnh tranh với các đối thủ..., và qua đó mới to lớn hơn được.
Tuy nhiên, từ một góc độ khác, không phải hoàn toàn không có rủi ro chờ chực. Cuối năm 2020, một báo cáo về vấn đề này được Bộ Tài chính gửi tới Quốc hội cho biết, nhìn chung, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước chưa được như kỳ vọng, trong đó có những tên tuổi lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)... Ngoài những nguyên nhân khách quan như chính trị, chính sách đầu tư nước sở tại..., thì nguyên nhân chủ quan là vấn đề về năng lực quản lý, quản trị rủi ro, năng lực dự báo thị trường và kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, những khoản đầu tư từ khối doanh nghiệp ngoài nhà nước hầu hết còn khá mới, tỷ lệ thu hồi vốn còn thấp.
Có những lo ngại cho rằng, doanh nghiệp lợi dụng hoạt động đầu tư ra nước ngoài (nhất là khi đầu tư vào những lĩnh vực như bất động sản, hoặc tài sản tài chính) để “rửa tiền” thu được từ các hoạt động bất hợp pháp như tham nhũng, ma túy, mại dâm... Để phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật này, các cơ quan nhà nước cần có những giải pháp kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với chính quyền nước sở tại.
Tựu trung, việc doanh nghiệp Việt Nam rót thêm vốn cho các dự án nước ngoài trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài toàn cầu sụt giảm mạnh, vẫn có thể đem lại những mùa quả ngọt, nếu các nhà đầu tư của Việt Nam hiểu rõ và tuân thủ luật lệ, quy định của quốc gia sở tại; đồng thời nghiên cứu kỹ môi trường kinh doanh để lựa chọn được dự án tốt, giảm thiểu rủi ro.