Hồi sinh cổ phục
Trải qua bao biến đổi thời gian, những cổ phục Việt dù mang các giá trị văn hóa, thẩm mỹ cũng chỉ xuất hiện trong các sự kiện đặc biệt, hay trưng bày tại các triển lãm, bảo tàng. Trong khi đó, những trang phục truyền thống như Hanbok của Hàn Quốc, Kimono của Nhật Bản lại đang lấn át thị hiếu của công chúng bởi những ảnh hưởng từ phim ảnh, MV âm nhạc nước ngoài.
Nhưng gần bằng sự nỗ lực của nhiều tổ chức cá nhân, đặc biệt là những người trẻ yêu văn hóa truyền thống, những bộ cổ phục đang dần hiện diện trong đời sống. Những ngày cuối tuần, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) thường có nhiều nhóm bạn trẻ đến tham quan kết hợp chụp ảnh, làm clip với cổ phục. Nhiều du khách quốc tế ngạc nhiên, thích thú khi biết Việt Nam không chỉ có áo dài mà còn nhiều những bộ cổ phục rất đẹp và tinh tế như áo Tấc, áo Ngũ thân, áo Giao lĩnh… Đi cùng các bộ cổ phục là phong tục tập quán, văn hóa vùng miền với những nét riêng biệt từng thời đại.
Không dừng lại ở đó, cổ phục Việt còn hội nhập với nhịp sống của giới trẻ hôm nay bằng cách xuất hiện nhiều hơn trong sản phẩm điện ảnh hay ca nhạc. Phim điện ảnh “Người vợ cuối cùng” (đạo diễn Victor Vũ) gây ấn tượng với người xem bằng những bộ cổ phục khắc họa đời sống nhà quan thế kỷ 19 ở miền Bắc, tạo hình nhân vật tóc búi bánh lái hoặc tóc vấn, áo ngũ thân tay chẽn hoặc tay thụng...
Cùng với điện ảnh, các MV ca nhạc như “Không thể cùng nhau suốt kiếp” (ca sĩ Hòa Minzy) hay “Hết thương cạn nhớ” (Đức Phúc)... không chỉ được đầu tư về bối cảnh, nội dung mà ấn tượng với người xem chính là các bộ cổ phục “đẹp hút hồn” - điểm cộng lớn cho MV theo đánh giá của nhiều bạn trẻ.
Cổ phục cũng đang trở thành những bộ trang phục không thể thiếu của các người đẹp Việt Nam khi tham gia các đấu trường nhan sắc quốc tế, giúp nhiều “nàng Hậu” tỏa sáng, để lại dấu ấn với bạn bè quốc tế. Có thể kể đến, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên với bộ quốc phục “Thiên thần áo xanh” tại Miss Grand International 2021; Hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc trong bộ trang phục dân tộc “Cô em Dao đỏ” tại Miss Intercontinental 2022...
Tuy nhiên, theo nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc, nghề thiết kế phục trang điện ảnh nói chung và cổ phục nói riêng hiện nay ở nước ta chưa thực sự phát triển và đang gặp rất nhiều khó khăn. Để phục dựng đúng những bộ Việt phục đòi hỏi phải có vốn hiểu biết về văn hóa, lịch sử bởi lẽ Việt phục không chỉ là thời trang mà nó còn là câu chuyện về văn hóa và lịch sử.
Còn theo ông Nguyễn Đức Bình - chủ nhiệm câu lạc bộ Đình Làng Việt - các bạn trẻ ngày nay luôn cố gắng bảo vệ di sản văn hóa của cha ông. Mong rằng sẽ có sự tiếp sức từ các cơ quan chức năng, để nhiều người trẻ tiếp cận với văn hóa truyền thống của dân tộc.
Từ lạ thành quen
Hiện có rất nhiều fanpage, group yêu thích cổ phục Việt Nam được lập ra với lượt tương tác đông đảo lên tới hàng nghìn thành viên tham gia. Như “Việt Phục hội” với 182,4 nghìn thành viên; “Đại Việt Cổ Phong” với 207 nghìn thành viên... Thông qua các nhóm này, những cổ phục Việt Nam từ xa lạ đã trở nên thân quen với cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ.
Khi thực hiện sáng tạo các nội dung liên quan đến cổ phục trên nền tảng Tiktok, bạn Nguyễn Phương Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, trước đây, em rất hiếm khi mặc trang phục truyền thống của Việt Nam bởi chất liệu khá nóng và khó mặc. Nhưng khi được xem các bộ phim điện ảnh, MV ca nhạc mang đậm nét truyền thống, em thấy nét đẹp của Việt phục không chỉ nền nã, tự nhiên, mà còn toát lên được sự tinh tế và quý phái.
“Tuy nhiên, hiện nay còn khá nhiều người chưa được tiếp cận với cổ phục, chưa hiểu hết được nét đẹp văn hóa truyền thống nên em đã tìm tòi, nghiên cứu về mảng này và lên ý tưởng kết hợp “review” Việt phục tại Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long... Sự kết hợp này đã lan tỏa, kết nối được nhiều bạn trẻ tìm đến văn hóa cổ phục Việt” - Phương Anh chia sẻ.
Có thể nói, người trẻ chính là những “gương mặt đại diện” cho quá trình đưa cổ phục đến gần hơn với đời sống hôm nay. Hiệu ứng tạo trend của các bạn trẻ đang chiếm vị thế nhất định trong thời đại truyền thông hóa. Thông qua các video, clip ngắn hay các khoảnh khắc đẹp tại các di tích lịch sử, các bạn đã lan tỏa được tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc.
TS Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, thật mừng khi thấy các bạn trẻ thực hiện nhiều hoạt động góp phần khẳng định giá trị của Việt phục và bảo tồn, phát triển chiếc áo truyền thống dân tộc. UNESCO từng khẳng định, di sản chỉ có giá trị khi nó mang lại lợi ích cho cộng đồng, cuộc sống đương đại. Vì vậy, các giá trị truyền thống cũng phải tương thích, phù hợp và phát huy được giá trị để mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Cổ phục Việt là thuật ngữ chung về trang phục truyền thống Việt Nam như áo Giao lĩnh, áo Nhật bình, áo Ngũ thân… Trước đây các trang phục này ít nhận được sự quan tâm của người trẻ, nó chỉ xuất hiện trên sân khấu, lễ hội hay các bảo tàng. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, cổ phục được nhiều bạn trẻ ưa thích và lan tỏa. Trên các fanpage ở Facebook, nhiều bạn trẻ lập ra nhóm về cổ phục như “Việt Phục Hội”, “Đại Việt Cổ Phong”... để thể hiện tình yêu với cổ phục.