Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược, trong đó có mục tiêu tổng quát là thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư FDI.
Việt Nam mong muốn tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế.
Các lợi thế trong thu hút FDI
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/8, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính lũy kế đến ngày 20/8/2023, cả nước có 38.084 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 287,1 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo đánh giá Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, hiện nay, quy mô và xu hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục có sự thay đổi mạnh mẽ do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị trên thế giới cũng như những biến động nền kinh tế của các quốc gia lớn và nhiều yếu tố khách quan khác.
Bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực mặc dù có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo, với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với các lợi thế như Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Kể từ đầu năm đến nay, vốn FDI đăng ký và lượng vốn được giải ngân liên tục tăng, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn. Cùng với đó, các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, một trong những giải pháp quan trọng để thu hút vốn FDI là xây dựng thể chế, chính sách cho khu công nghiệp và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác. Cần nghiên cứu xu hướng đầu tư vào các khu công nghiệp; các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của các khu công nghiệp trong nước trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Việt Nam nhảy vọt lên vị trí thứ 23 trên thế giới về thu hút FDI
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), năm 1986, Việt Nam thu hút khoảng 0,04 triệu USD vốn FDI, xếp thứ 121 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đến năm 2022, Việt Nam nhảy vọt gần 100 bậc, lên vị trí thứ 23 khi thu hút được khoảng 17,9 tỷ USD vốn FDI.
(Đồ họa: TTXVN)
Trong 8 tháng đầu năm 2023, cả vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện đều tiếp tục tăng trở lại. Điều đó cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang từng bước khởi sắc hơn, sau một thời gian khá dài suy giảm do đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị trên thế giới.
Dù chưa đủ để khẳng định khó khăn đã qua đi, song những con số tích cực trên cho thấy, khẳng định của các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài về tiềm năng và cơ hội của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài là có thật.