Ngày 23/9, Bình Dương đã tổ chức khánh thành công trình xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng). Đây được đánh giá là tuyến đường sẽ tạo điều kiện tăng cường kết nối giao thông giữa xã với các đô thị lân cận, trong đó có Đồng Nai, bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị.
Về Bạch Đằng hôm nay có thể cảm nhận sự đổi thay từng ngày. Rõ nhất là hệ thống giao thông, ngoài hệ thống cầu được đầu tư để kết nối cù lao này với các địa phương, hệ thống giao thông cấp xã cũng được đầu tư bài bản.
Dự kiến đến năm 2025, khoảng 80% tuyến đường trong xã sẽ được trang bị hệ thống đèn led chiếu sáng. Nhằm tạo tiện ích cho người dân, du khách, địa phương cũng đã lắp đặt 52 camera tại 38 điểm và trang bị wifi công cộng tại 4 địa điểm giúp tăng cường an ninh và tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân trong việc kết nối mạng.
Hiện Bạch Đằng là địa phương dẫn đầu cấp xã về Bộ chỉ số 766 và thực hiện tốt nhiều mô hình, cách làm hay trong chuyển đổi số. Tỷ lệ cán bộ, công chức của xã Bạch Đằng thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc là 100%. Các cán bộ, công chức tăng cường trao đổi, gửi nhận qua thư điện tử các loại văn bản dự thảo, báo cáo, góp ý dự thảo... góp phần tiết kiệm giấy tờ, trao đổi thông tin được nhanh chóng, kịp thời, giúp giải quyết công việc tốt hơn.
Không chỉ dẫn đầu cấp xã về Bộ chỉ số 766, xã Bạch Đằng còn thực hiện tốt nhiều mô hình, cách làm hay trong ứng dụng công nghệ số, cụ thể như mô hình “Vườn bưởi công nghệ số”. Các tổ công nghệ số ở xã Bạch Đằng tích cực đưa kiến thức chuyển đổi số đến gần hơn với người dân, tuyên truyền nhiều tin, bài về cải cách hành chính đến với người dân thông qua các nhóm Zalo, Facebook của UBND xã, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, Công an xã và trang fanpage của Xã đoàn… Xã Bạch Đằng phấn đấu giai đoạn 2025-2030 đạt 100% các chỉ tiêu về chính quyền số, hạ tầng số, dịch vụ nông thôn số và tiếp tục nâng cao kỹ năng số cho cán bộ và người dân.