LCĐT - Giá phân bón vô cơ, vật tư tăng mạnh đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Hơn 1 năm qua, giá vật tư nông nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó, giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng khiến nông dân khó càng thêm khó.
Tháng 7, sau khi kết thúc vụ xuân, nông dân huyện Bảo Thắng gấp rút chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Thế nhưng, giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn ở mức cao khiến nông dân lo lắng. Nhiều người nhận định, nếu trừ các chi phí, với giá cả vật tư nông nghiệp như hiện giờ, cuối vụ sẽ không có lãi.
Bà Đinh Thị Hòa, thôn Hùng Xuân, xã Xuân Giao (Bảo Thắng) mỗi vụ cấy 5 sào lúa. Sau khi kết thúc vụ xuân, bà miễn cưỡng xuống giống sản xuất vụ mùa dù trong lòng rất nhiều nỗi lo. Bà Hòa bộc bạch: Nhiều gia đình không có nhân lực, làm đất, cấy, gặt đều phải đi thuê nên không muốn cấy lúa nữa vì không có lãi. Nếu bỏ ruộng đi làm việc khác, mỗi tháng chúng tôi còn đong được 2 tạ thóc, nhưng bỏ ruộng không cấy thì cũng không được.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá các loại vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao và tiếp tục có xu hướng tăng. Giá lúa giống năm trước chỉ dao động ở mức 40.000 đồng/kg thì nay ở mức 55.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá phân bón NPK rơi vào khoảng 1 triệu đồng/bao, còn Urê và Kali có giá hơn 950 nghìn đồng/bao (loại 50 kg), tăng từ 2 đến 2,5 lần so với đầu năm 2021. Không chỉ phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 50 đến 80% so với mùa trước.
Việc giá vật tư nông nghiệp tăng, trong đó phân bón có mức tăng mạnh khiến nông dân giảm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp tại huyện Bảo Thắng, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bán ra thị trường 3 vụ gần đây giảm, chỉ bằng 1/2 so với đầu năm 2021.
Không chỉ giảm mức đầu tư, có những hộ thậm chí đã tạm dừng sản xuất hoặc giảm diện tích gieo trồng. Mặc dù đang bước vào vụ cấy, nhưng ruộng của gia đình anh Vàng A Lai, thôn Van Hồ, xã Phìn Ngan (Bát Xát) vẫn để không. Nguyên nhân bởi giá phân bón tăng quá cao so với các vụ trước, nếu cố trồng cấy sẽ không có lãi, thậm chí phải bù lỗ. Anh Vàng A Lai cho biết: Năm ngoái tôi cũng làm 2 vụ nhưng giá phân lân cao thế này nên năm nay không cấy nữa, đi tìm việc làm thuê để kiếm thêm thu nhập.
Tương tự, không chỉ trên cây lúa, các loại cây trồng khác cũng chịu chung số phận khi giá vật tư quá cao khiến chi phí đầu tư “đội” lên nhiều lần, đặc biệt là đối với các vùng sản xuất hàng hóa, do lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần sử dụng mỗi mùa vụ là rất lớn.
Một ví dụ dễ thấy là vùng sản xuất dứa hàng hóa, vào mùa xuân, người dân vùng trồng dứa sẽ bắt tay vào sản xuất vụ mới. Thời điểm này, cây dứa cần bón phân bổ sung để phát triển bộ rễ, bộ lá, cũng là thời điểm cần mua lượng phân bón rất lớn. Theo anh Nông Văn Vinh, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu (Mường Khương), bón đủ phân thì cây dứa to, quả cũng sẽ to, năng suất cao hơn. Trước đây chúng tôi thường bón 2 lần phân lân, 1 lần phân đạm, nhưng giờ chỉ bón 1 lần phân lân và 1 lần phân đạm, có nhà chỉ bón lân, không bón đạm. Giảm bón thì quả dứa cũng nhỏ hơn. Biết vậy nhưng giá phân bón cao, trong khi giá dứa vụ vừa rồi giảm nên không thể mạo hiểm đầu tư như trước. Nương dứa nhà tôi trước đây đều đạt 1 đến 1,2 kg/quả, vụ vừa rồi bón ít nên chỉ đạt 7 đến 8 lạng/quả. Chúng tôi cũng lựa chọn những loại phân bón có giá thấp hơn, tận dụng phân bón hữu cơ sẵn có để giảm chi phí.
Ở vùng nông thôn, nhất là các xã vùng cao, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Giá vật tư nông nghiệp cao đặt sức ép lên người dân do chi phí đầu vào trong sản xuất tăng theo. Trong khi đó, giá các loại nông sản vẫn giữ, thậm chí có những mặt hàng giảm mạnh do thị trường chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến hiệu quả sản xuất không cao hoặc bị lỗ. Do đó, trong khi chờ giá phân bón hạ nhiệt, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tận dụng những nguồn phân hữu sẵn có để sản xuất, vừa bảo vệ môi trường, vừa giảm chi phí đầu tư.
Để xây dựng mô hình sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ nên ngay từ khi thành lập, Hợp tác xã (HTX) rau, quả Thắng Lợi (Sa Pa) đã sử dụng phân bón hữu cơ, kết hợp với phân bón vô cơ cho cây trồng. Hiện HTX đang sử dụng 60% phân bón hữu cơ, 40% phân bón vô cơ cho việc trồng dâu tây và rau các loại. HTX còn sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường làm giá thể trồng cây, sử dụng chế phẩm sinh học, enzim hữu cơ để bổ sung dưỡng chất, diệt sâu bệnh cho cây trồng. Mỗi năm, HTX rau, quả Thắng Lợi Sa Pa cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn quả dâu tây và khoảng 15 - 20 tấn quả cà chua.
Theo tính toán của anh Trần Tuấn Nghĩa, đại diện HTX rau, quả Thắng Lợi, việc sử dụng kết hợp phân bón hữu cơ và vô cơ giúp HTX giảm gần một nửa chi phí sử dụng phân bón. Với hơn 2,5 ha dâu tây và 2.500 m2 trồng cà chua, nếu dùng phân bón vô cơ, mỗi năm HTX tiêu tốn khoảng 400 triệu đồng. Tuy nhiên, khi dùng kết hợp với tỷ lệ 60/40 phân bón hữu cơ và vô cơ, HTX chỉ phải chi phí khoảng 250 triệu đồng.
Là đơn vị chuyên sản xuất rau thành lập năm 2019, hướng sản xuất hữu cơ cũng được HTX rau Y Tý lựa chọn từ khi xây dựng mô hình. HTX đã liên kết với 15 hộ, cung cấp phân bón, giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm rau cho người dân. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, sản phẩm rau của HTX rau Y Tý luôn được thị trường ưa chuộng, việc sản xuất cũng không bị ảnh hưởng nhiều khi giá phân bón vô cơ tăng. Từ đầu năm đến nay, HTX đã sản xuất và tiêu thụ hơn 200 tấn rau, cung cấp cho thị trường thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Anh Nguyễn Mạnh Quảng, Giám đốc HTX rau Y Tý cho rằng, chi phí phân bón chiếm khoảng 30 đến 35% trong cơ cấu giá thành rau thương phẩm, vì vậy, nếu sử dụng phân bón vô cơ thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi giá phân vô cơ tăng thời gian qua. Nhờ sử dụng phân bón hữu cơ, hoạt động sản xuất của HTX vẫn ổn định. Bên cạnh đó, sản phẩm rau sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn cũng dễ tiêu thụ nhờ người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Cũng sản xuất theo hướng hữu cơ, mô hình sản xuất rau của Công ty TNHH Thương mại Hoa Lợi được chứng nhận theo tiêu chuẩn PGS (chứng nhận bảo đảm sản phẩm được sản xuất theo đúng quy định của sản xuất hữu cơ Việt Nam), với 5 ha, hằng năm cung cấp 150 tấn rau an toàn cho thị trường. Mô hình sản xuất rau hữu cơ có sử dụng phân bón hữu cơ bằng cách ủ phân xanh, phân chuồng, tận dụng cây cỏ sau khi làm vệ sinh vườn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ các sản phẩm tự nhiên như ớt, tỏi, gừng… để vừa giữ được độ màu mỡ, độ bền của đất, vừa bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, năng suất cao.
Thực tế cho thấy, những đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ như HTX rau Y Tý, HTX rau, quả Thắng Lợi, Công ty TNHH Thương mại Hoa Lợi đều không bị ảnh hưởng nhiều khi giá vật tư nông nghiệp và phân bón vô cơ tăng. Sản phẩm sản xuất ra luôn được thị trường ưa chuộng, dễ tiêu thụ. Ngoài các HTX nói trên, những cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ như HTX chè Bản Liền, Công ty Cổ phần chè Cao Sơn, vùng sản xuất quế hữu cơ Nậm Đét… cũng xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường bất chấp những thách thức trong thời gian qua.
Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh cho rằng, đa số cơ sở sản xuất hữu cơ hoạt động có hiệu quả. Trong khi giá phân bón vô cơ tăng, nhiều địa phương đã khuyến khích người dân ủ phân xanh, phân chuồng phục vụ sản xuất. Dần dần, người dân sẽ thấy lợi ích và hiệu quả của sản xuất theo hướng hữu cơ. Đó là cơ hội thúc đẩy nông nghiệp xanh phát triển, tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ với số lượng lớn phục vụ nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu.