Tôi gặp Vàng A Giang trong Ngày thơ năm 2024 tại Hoàng thành Thăng Long (Thủ đô Hà Nội) và ấn tượng ngay với một chàng trai người Mông khá kiệm lời, thậm chí có phần nhút nhát. Hôm đó, anh chăm chú đọc 2 câu thơ của mình được in trang trọng trên mầm lá của “cây thơ”: “Muốn đôi bàn tay em/ nhào nặn bột ngô thành mèn mén/ ngon thơm cả bản thèm...”. Được biết, 2 câu này trích trong bài “Cốc Rế” - bài thơ anh viết khi đang yêu đơn phương một cô gái. Vào một ngày, anh nhớ đến cô gái ấy và cứ thế nỗi nhớ, khát khao dẫn đường cho những câu thơ được bay lên.
Theo lý giải của anh thì, từ thuở xa xưa, người Mông vốn định cư trên vùng núi cao, nên mèn mén là lương thực chủ yếu. Để làm được mèn mén cần nhiều công đoạn nên cần sự khéo léo của đôi tay người nấu. Khi sự khéo léo kết hợp với những hạt ngô đầy đặn, chất lượng thì sẽ cho ra thứ mèn mén thơm ngon. Người đàn ông Mông thích phụ nữ khéo léo để đảm đương việc bếp núc và người phụ nữ Mông thích người đàn ông bản lĩnh để lo được cho họ. Câu thơ/bài thơ là khát vọng của những người đang yêu về một mái ấm hạnh phúc.
Thời điểm đó, anh đang làm việc cho một nhà hàng ở Hà Nội. Thế rồi, bẵng một thời gian sau đó, anh cho biết, mình đã về quê làm nông nghiệp vì phố thị không phù hợp với anh. Nếu đọc những vần thơ của anh thì thấy đó là một chàng trai khát khao được yêu, khát khao được làm gì đó cho dân tộc mình, quê hương mình. Cái “tạng” của anh mộc mạc, chân tình đến độ người đọc nghĩ anh sẽ không thể rời xa núi rừng.
“Việc bén duyên với văn chương của tôi không hề có chủ đích. Văn chương đến với tôi tự lúc nào tôi cũng không rõ. Chỉ biết là những năm cấp 2, tôi đã tự làm được những “bài thơ” ngô nghê, trong trẻo của lứa tuổi học sinh. Theo thời gian, tình yêu văn chương lớn dần và việc tôi quyết định đi học khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa là minh chứng cho tình yêu ấy” - nhà thơ Vàng A Giang bộc bạch.
Nhà thơ Vàng A Giang viết khá nhiều thơ và những bài thơ của anh đã được đăng trên nhiều báo Trung ương, địa phương, nhưng do điều kiện chưa cho phép nên anh chưa thể sở hữu một tập thơ riêng. Có thể kể đến một số bài thơ nổi bật của anh, như: “Nhớ”, “Trập trùng tình Khâu Vai”, “Say Tây Bắc”, “Chum rượu”, “Nỗi lòng mẹ”, “Tết quê em”, “Ngôi nhà cũ”, “Say ở Nàn Sín”... Với anh, sáng tác là một quá trình, chứ không phải một điểm đến. Người viết như một người nhặt cuội, khác cái là mình chủ động (khách quan và chủ quan), tạo ra được viên cuội như ý mình. Trong những sáng tác của anh đã lấp lánh những viên cuội.
Niềm vinh dự lớn nhất trong sự nghiệp văn chương của Vàng A Giang là anh được vinh dự là đại diện duy nhất của tỉnh Lào Cai được mời tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, năm 2022. Tại đó, anh được lắng nghe những chia sẻ hay về kỹ năng, kinh nghiệm viết lách của những người cùng trang lứa, của các thế hệ trước; được giao lưu, giãi bày để gắn kết, để yêu cuộc đời, yêu văn chương hơn.
Anh được “cầm tay chỉ việc” để biết cách như nào là một tác phẩm hay, biết được không khí văn chương đương đại. Đó là những hành trang quý báu để tin hơn, yêu hơn với công việc viết lách của mình. Bản thân anh thấy đó là vinh dự lớn, niềm vui lớn, song song đó là trách nhiệm của người cầm bút, viết làm sao hay, phản ánh được nhịp sống thời đại, đi đến cùng những mảnh đời, những tiếng lòng riêng chung.
Là người dân tộc Mông, Vàng A Giang rất ngưỡng mộ cha con nhà văn Mã A Lềnh - Mã Anh Lâm, đặc biệt là Mã A Lềnh. Thế hệ thời cơm không đủ no, áo không đủ mặc, nhưng ông không những giữ được mà còn ngùn ngụt cháy với những tác phẩm làm nên tên tuổi của mình. Anh ngưỡng mộ nhà văn Mã A Lềnh, bởi ông lúc nào cũng đau đáu hướng về văn hóa, cội nguồn dân tộc và anh nghĩ đó là những điều cơ bản mình phải có để có thể vững vàng hơn trong việc viết lách. “Từ tấm gương lớn Mã A Lềnh, tôi đã rất chú trọng đến bản sắc tộc người trong thơ ca. Đó là “căn cước” văn hóa để độc giả nhận ra tôi/dân tộc tôi. Tôi thường dùng những hình ảnh, ví von gần gũi gắn với dân tộc tôi, nhưng cũng ý thức đi tìm cái mới, cái đẹp. Tôi mong muốn đem đến cho bạn đọc cái nhìn chân thực, chính xác nhất về cảnh sắc thiên nhiên miền núi cùng cuộc sống, con người ở đó” - anh chia sẻ.
Dù đang đi đúng hướng nhưng nhà thơ Vàng A Giang cho rằng, tầng sâu bản sắc văn hóa là vô hạn và vì vậy, anh vẫn đang cố gắng từng ngày để có thể sáng tác được tác phẩm mang hơi thở thời đại nhưng vẫn vẹn nguyên cái gốc của văn hóa dân tộc Mông. Con đường phía trước của nhà thơ 9X còn rất gian nan, ngoài việc tìm cho mình một chỗ đứng trong văn đàn, anh còn đang phải đối mặt với công cuộc mưu sinh đầy gian truân. Còn với những người sáng tác thơ ca trên vùng đất “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” như nhà thơ Pờ Sảo Mìn thì vẫn đầy lạc quan, tin tưởng vào thế hệ “măng non” như Vàng A Giang.
Cuộc sống nhiều thay đổi cũng đã tác động rất nhiều đến các nhà thơ và tâm thế làm thơ của họ. Vậy nhưng, với sự trao truyền của những nhà thơ dân tộc thiểu số đi trước, với sự tự hào của một người con dân tộc Mông, nhiều người tin tưởng vào khả năng văn chương của Vàng A Giang sẽ đi xa hơn nữa, nhất là khi anh chia sẻ đầy tự tin: “Thời gian tới, tôi sẽ xuất bản một tập thơ cho riêng mình. Đó là một cách để tôi đến với công chúng cũng như một quá trình sáng tạo để tôi tự xây lên ngôi nhà nghệ thuật của riêng mình”.