Khi văn học hiện thực đã bão hòa, trong khi thế giới ảo, Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển thì việc thỏa mãn nhu cầu giải trí cũng như thưởng thức văn học bằng những thể loại giả tưởng, siêu thực, kỳ ảo, khoa học viễn tưởng, dã sử, phiêu lưu... là một tất yếu khách quan. Không ít tác phẩm của các tác giả trẻ đã bước đầu đạt được thành tựu nhất định.
Các tác giả trẻ tham gia Hội nghị viết văn trẻ tại Ninh Bình. |
Mặc dù văn trẻ đang chịu tiếng nghiệp dư, bình dân, mì ăn liền, chỉ “gặm nhấm” kỷ niệm... thì vẫn có những tác giả, tác phẩm “đích thực” với sự cách tân về giọng điệu, hình thức và nội dung. Có thể nhận thấy văn học trẻ đang hình thành hai dòng chính. Dòng “toàn bích” với các tác phẩm bài bản, kết cấu chặt chẽ, đầy đủ lớp lang thắt - mở nút với thông điệp, chủ đề rõ ràng, rành mạch. Bối cảnh truyện thường được khai thác yếu tố vùng miền mang bản sắc đặc trưng, như có thể thấy qua các tác phẩm của một số tác giả...
Các truyện về bi kịch cuộc sống gia đình hay cú sốc trước quá trình đô thị hóa cũng được Chu Thùy Anh, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Thị Việt Hà, Magie Phạm... khai thác cao độ. Song song với đó là dòng văn học mở mà nếu chịu khó “đãi cát” hẳn có thể tìm thấy “vàng” với những tác phẩm có tính đột phá. Ở đó, tác giả chủ động sáng tạo ra thế giới nghệ thuật riêng, theo góc nhìn của mình để tạo ra một thế giới tiểu thuyết và mặc sức tung hoành tưởng tượng để xây dựng nên thế giới đó.
So với dòng chảy chung vốn chủ yếu làm nhiệm vụ mô tả hiện thực, các tác giả phi hiện thực không chỉ dừng lại ở việc gọi đúng tên, bản chất của sự vật, hiện tượng mà đã bắt đầu có “sự nghiền ngẫm về hiện thực”. Họ muốn tự nhận thức, chiêm nghiệm về tư tưởng, tình cảm, cuộc sống và đưa ra nhận định, kiến giải mới lạ, thông minh, thú vị, trong khi đó cái tôi cá nhân thầm kín được thể hiện mạnh mẽ. Những tác giả này đang tung hoành với nhiều “thể nghiệm”, đem lại sinh khí, đổi mới của tiểu thuyết, thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển gần hơn với thế giới.
Đại diện cho thế hệ tác giả trẻ, có thể thấy Nhật Phi với Người ngủ thuê thể hiện chiêm nghiệm, nỗi trăn trở xung quanh những vấn đề về thời gian, giá trị cuộc sống; Bùi Cẩm Linh với hành trình đi xuyên không gian và thời gian trong Chuyện bên rìa thế giới; Phạm Bá Diệp với thế giới kỳ lạ của UREM - người đang mơ; Nguyễn Đinh Khoa kể câu chuyện lạ lẫm, bí ẩn đi xuyên thời gian trong Độc hành; Đặng Hằng đưa độc giả ngược về quá khứ của con dân Đại Việt thế kỷ XIII trong Nhân gian nằm nghiêng; Thái Cường mang đến lối viết tiểu thuyết - từ điển, kỹ thuật truyện lồng trong truyện với các tác phẩm Những mảnh mắt nhìn, Gam lam không thực...
Điều quan trọng là hầu như các tác phẩm đều thể hiện sức tưởng tượng vô cùng phong phú, đôi khi tôi tưởng tượng có tác dụng hoàn thiện, thêm vào những chỗ hiện thực chưa rõ, bảo đảm gắn kết giữa thực và ảo. Người ngủ thuê của Nhật Phi đã thành công khi tạo nên một thế giới tiểu thuyết riêng, nhưng lại không hoàn toàn thoát ly hiện thực mà lắp ghép, đan cài hiện thực cuộc sống khiến tác phẩm hết sức sinh động, chuyển tải được các vấn đề của cuộc sống đương đại. Giấc mộng lang thang trên cánh đồng cỏ úa của Hiền Trang có cốt truyện chặt chẽ, đưa ra nhiều ánh xạ, lật xới, trăn trở, phản biện lại những gì đã trở thành cố hữu, suy ngẫm về nhân sinh, cõi đời cũng như hàng loạt vấn đề của cõi ảo - thực với nghệ thuật tả dẫn dắt truyện hấp dẫn...
Nhìn vào những cây bút đầy triển vọng với dòng văn học ngoài hiện thực, có thể tin tưởng rằng nếu tiếp tục đào sâu mạch này, các tác giả rất có thể làm “nên chuyện”. Song, đối diện với một “biển” truyện ngoài hiện thực của thế giới vốn đã phát triển cực thịnh, thì để đi sâu, dài hơi hơn, các tác giả Việt vẫn nên gắn với yếu tố dân tộc. Nhà thơ Raxun Gamdatov từng ghi lại lời dạy của cha rằng: “Bút pháp của con, thủ pháp của con, tức là tính tình, tính cách của con phải đứng hàng thứ hai trong thơ ca. Vị trí thứ nhất phải dành cho tính tình, tính cách của nhân dân”, và chỉ bằng cuốn Daghestan của tôi, nhà thơ đã khiến thế giới biết đến xứ sở Daghestan của ông. Các tác giả trẻ hôm nay, dù viết về hiện thực hay phi hiện thực thì để hội nhập, thiết nghĩ cũng cần nói đến những cái thiết thân, gần gũi nhất của bản sắc dân tộc, tâm hồn người Việt Nam.