Hành xử phản cảm của khách du lịch
Cuối tháng 4, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ngắn kèm tiêu đề “bán 3 quả dứa với giá 500 nghìn cho khách nước ngoài trên phố cổ Hà Nội” gây xôn xao dư luận. Hàng loạt lời chỉ trích của cộng đồng mạng nhằm vào người bán hàng - bà N.T.T với suy nghĩ người phụ nữ này đã “chặt chém” khách nước ngoài.
Ngay sau đó, bà N.T.T được “giải oan” khi cơ quan chức năng đã thông tin cụ thể về vụ việc, rằng, bà N.T.T. bán 1 quả dứa đã gọt sẵn với giá 50 nghìn đồng/túi và giơ 5 ngón tay để báo giá. Sau khi 2 nữ khách nước ngoài đưa tờ 500 nghìn đồng để trả tiền dứa và được trả lại 450 nghìn đồng, không hiểu vì lý do gì mà họ đòi thêm 2 quả dứa chưa gọt. Thấy vậy, bà T. không đồng ý dẫn đến lời qua tiếng lại. Một trong hai nữ du khách đã hất văng sạp hàng hoa quả của bà T. xuống đất.
Từ câu chuyện trên cho thấy, đứng trước một sự việc, đặc biệt là những mâu thuẫn, tranh cãi trong quá trình cung cấp dịch vụ, cộng đồng cần có cái nhìn khách quan và công tâm khi đánh giá về đối tượng nào đó. Với bất cứ trường hợp xung đột nào, việc có những hành động gây gổ, phá hoại đồ đạc trong lúc du lịch là lối ứng xử thiếu văn minh.
Nhiều năm qua, cùng với việc các hoạt động du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngày càng có thêm nhiều câu chuyện du khách hành xử “xấu xí” khi đến các cơ sở du lịch ở Việt Nam.
Tại các hang động của Vịnh Hạ Long - một trong những kỳ quan thiên nhiên thu hút khách du lịch bậc nhất ở Việt Nam, xuất hiện nhiều bút tích, ký tự cả mới lẫn cũ, tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài bị khắc vẽ, bôi bẩn. Có những chữ đã in sâu dấu vết vào đá, cũng có nét được viết bằng mực, sơn rất khó tẩy xóa.
Là đơn vị lữ hành thường xuyên tiếp đón khách quốc tế đến Việt Nam, xây dựng tour cho khách trong nước ra nước ngoài, Tamtravel cũng chứng kiến nhiều hình ảnh tiêu cực của khách du lịch. Đại diện đơn vị này cho biết, ở Việt Nam, không thiếu tình trạng du khách cư xử thiếu văn minh khi đặt chân đến các địa phương.
Trước khác biệt về văn hóa, bất đồng về ngôn ngữ, nhiều trường hợp mâu thuẫn trong khi cung cấp dịch vụ du lịch đã xảy ra. Một số du khách cố ý làm trái quy định của các điểm đến dù đã được nhắc nhở trước đó.
Theo bà Võ Thị Kim Ngân, Giám đốc bán hàng Công ty trách nhiệm hữu hạn Du lịch Vina Phú Quốc, tình trạng du lịch “xấu xí” xảy ra ở du khách nước ngoài lẫn du khách nội địa. “Nhiều người xả rác bừa bãi, hút thuốc lá nơi công cộng, ăn nói thô tục, thiếu chấp hành quy định của đoàn du lịch”, bà Ngân thông tin.
Có thể kể thêm một số thói xấu thường gặp của người Việt khi đi du lịch như: mặc trang phục tùy tiện, không phù hợp với địa điểm tham quan, đi vệ sinh sai quy định… Những thói quen này đã xảy ra không chỉ ở trong nước mà còn trên nước bạn, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín quốc gia, tác động không nhỏ đến cộng đồng du lịch Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc du khách hành xử phản cảm, thiếu tôn trọng gây ảnh hưởng tới điểm đến và cộng đồng địa phương là câu chuyện chung của ngành du lịch toàn cầu. “Một trong những giải pháp đã được áp dụng chính là đưa ra các bộ quy tắc ứng xử đối với du khách. Tuy nhiên, hiệu quả còn chưa được như mong đợi”, Phó Giáo sư Vân Hạnh nói.
Hậu quả mà những hành vi “xấu xí” này mang lại là sự tổn hại đối với các danh lam, thắng cảnh, điểm đến. Việc không kiểm soát chặt chẽ tại các điểm khai thác du lịch, bỏ qua cho sự vô ý thức của một số du khách đã tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và hủy hoại cảnh quan thiên nhiên. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn các những địa điểm lịch sử, không gian đẹp và việc khai thác du lịch.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, trước nhiều nỗ lực của các quốc gia để xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh sẽ không thể tránh khỏi các trường hợp du khách vô tình hay cố ý làm trái những quy định mà các điểm đến, địa phương đã đề ra. Lúc này, mỗi đất nước cần có cách xử lý riêng để tránh sự xung đột giữa du khách và những người làm dịch vụ.
Thúc đẩy xây dựng môi trường du lịch văn minh
Trước thực tế nhiều du khách “vô tư” vi phạm các quy định tại những điểm đến, địa phương, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các biện pháp để ngăn chặn, ứng phó với du lịch “xấu xí”.
Ở Indonesia, sau hàng loạt báo cáo về việc công dân nước ngoài vi phạm pháp luật tại hòn đảo Bali, từ tháng 3/2023, các nhà chức trách nước này đã quyết định thành lập đội đặc nhiệm chuyên giải quyết các vi phạm của người ngoại quốc trên đảo. Lực lượng này sẽ kiểm tra và nhắc nhở những du khách không tuân thủ chuẩn mực về trang phục khi đi lại trên đường phố, bao gồm cả việc không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.
Một tháng sau đó, vào tháng 4 năm ngoái, chính phủ Italy đã đưa ra dự luật cho khách du lịch. Theo đó, Italy sẽ áp dụng nhiều hình phạt khác nhau, kể cả bỏ tù với những người làm hư hại các tác phẩm nghệ thuật, làm hỏng các cảnh quan. Trước đó, người dân đã vô cùng phẫn nộ khi khách nước ngoài ngang nhiên bơi lội trong các dòng kênh được UNESCO bảo vệ. Một số khác đột nhập vào các di tích lịch sử, lái xe lao xuống những cầu thang nổi tiếng nhất thế giới, đập vỡ các tác phẩm điêu khắc.
Ở Việt Nam, kể từ năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, nhằm quy định rõ về hành vi, thái độ, thói quen và cách thức xử sự của các tổ chức, cá nhân kể cả khách trong nước và ngoại quốc khi tham gia hoạt động trong ngành này.
Xây dựng một môi trường du lịch văn minh cần có sự chung tay của tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch.
Đối với khách du lịch, Bộ Quy tắc yêu cầu du khách văn minh, tự trọng và trách nhiệm khi tham gia các hoạt động du lịch. Khi đặt chân đến các cơ sở du lịch, họ cần tuân thủ các nội quy, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa và cộng đồng địa phương. Đồng thời, ứng xử văn minh, thân thiện và vui chơi lành mạnh.
Xét về khía cạnh ngược lại, cá nhân kinh doanh lĩnh vực này cũng cần bảo đảm thực hiện các quy định của nhà nước như: tuân thủ pháp luật, thực hiện các yêu cầu của địa phương trong kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, niêm yết công khai và bán đúng giá dịch vụ, tư vấn trung thực về sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Giữa các doanh nghiệp cần cạnh tranh lành mạnh, không chèo kéo, đeo bám, nài ép khách và không có thái độ phân biệt đối xử với khách du lịch.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Hạnh chia sẻ: “Xây dựng một môi trường du lịch văn minh cần có sự chung tay của tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch”. Các quy định sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành liên quan, cùng sự chung tay từ các cơ sở kinh doanh, cung ứng dịch vụ du lịch, ẩm thực, vận tải, mua sắm và ý thức của du khách lẫn cộng đồng dân cư địa phương.
Cùng quan điểm ấy, Thạc sĩ Vũ Thanh Ngọc, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: “Văn hóa du lịch là làm hài hòa tất cả các bên: du khách, người dân, người kinh doanh, điểm đến và thực hiện đúng quy định của nhà nước. Hiện nay, đa số khách du lịch sẽ có thói quen tìm hiểu, tham khảo các quốc gia mình sẽ đến. Họ cần cẩn trọng trước các bẫy thông tin chưa xác đáng, dẫn tới việc cư xử cực đoan và cảnh giác với người dân địa phương”.
Nhìn từ phía trách nhiệm của những đơn vị làm dịch vụ, theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, du lịch là dịch vụ đòi hỏi sự tinh tế, giúp cho người thụ hưởng sở hữu tâm thế thoải mái, vui vẻ và hài lòng. Kể cả với những du khách cư xử không đúng mực, những người làm dịch vụ vẫn cần khéo léo để giữ được sự hài hòa giữa quyền lợi của các bên, tránh xô xát, xung đột làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh địa phương.
“Trước tình trạng du lịch "xấu xí", tùy vào bối cảnh, câu chuyện, mâu thuẫn mà mỗi quốc gia sẽ có các cách làm phù hợp, hướng xử lý riêng. Đối với Việt Nam, để xây dựng môi trường du lịch thực sự văn minh cần xây dựng, bổ sung các nguyên tắc, quy định cụ thể hơn đối với nhóm đối tượng này”, ông Phùng Quang Thắng cho biết thêm.