LCĐT - Do tập quán thả rông gia súc, nhốt gia súc, gia cầm gần nhà, không làm nhà vệ sinh, xả rác thải sinh hoạt tùy tiện… tại một số xã vùng cao của Mường Khương không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan mà đang trở thành vấn đề đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Nhiều hộ chăn nuôi ở Mường Khương chưa có chuồng trại hợp vệ sinh.
Từ chuyện vệ sinh môi trường ở Lùng Khấu Nhin...
Thôn Ma Ngán B nằm cách trung tâm xã Lùng Khấu Nhin chưa đầy 3km, đường giao thông khá thuận lợi vì có Quốc lộ 4D rải nhựa phẳng phiu đi qua. Trưởng thôn Tráng Sín Hòa cho biết: Thôn có hơn 30 hộ dân tộc Mông, nhưng chỉ 5 hộ có nhà vệ sinh do Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ, còn tất cả đều không có nhà vệ sinh, nhà tắm. Các công trình vệ sinh công cộng do Nhà nước đầu tư cho thôn bị hỏng, bỏ không đã 5 - 6 năm nay. Hầu hết các hộ trong thôn đều chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng chỉ 12 hộ có chuồng trại tạm, chủ yếu theo kiểu "Chuồng trâu gần nhà, chuồng gà gần bếp"; chất thải của gia súc ít được thu dọn, xử lý nên rất mất vệ sinh...
Dạo quanh thôn Ma Ngán B một vòng, tôi thấy quả thật vấn đề vệ sinh môi trường ở đây rất đáng lo ngại. Muốn vào thăm một số hộ trong thôn chỉ có cách đi bộ, mà phải đi ủng vì bùn đất lầy lội, phân gia súc ngập đường, bốc mùi khó chịu. Khi được hỏi nhà vệ sinh ở đâu, chủ nhà nào cũng cười vô tư: "Không có, cứ "đi" ra góc chuồng trâu hay lên đồi cho mát!"... Trở về trụ sở UBND xã, Chủ tịch UBND xã Sùng Chính Pao tâm sự: Đó là tình trạng chung của cả xã nhiều năm qua. Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí môi trường là khó thực hiện nhất. Nhà nước có chủ trương hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng để làm nhà vệ sinh, nhưng vì phải bỏ tiền trước để làm, nghiệm thu xong mới được nhận tiền hỗ trợ, mà dân bản lại nghèo, nên từ năm 2011 đến nay số hộ đăng ký rất ít. Xã đã quy hoạch khu nghĩa trang riêng, tuyên truyền chôn người chết đúng nơi quy định, nhưng đa số vẫn theo tập quán cũ, chôn người chết ngay trong vườn nhà. Vấn đề vệ sinh chuồng trại, nhà cửa cũng ít được quan tâm nên môi trường có nguy cơ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người dân… Tháng 3/2012, trên địa bàn xã Lùng Khấu Nhin đã có 113 trường hợp trẻ em, người lớn bị mắc chứng sốt phát ban. Nguyên nhân một phần cũng do ý thức giữ gìn vệ sinh chưa tốt…
... Và vệ sinh môi trường toàn huyện
So với các xã khác trên địa bàn huyện Mường Khương, thì Lùng Khấu Nhin vẫn chưa phải là tâm điểm của vấn đề không đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Theo thống kê gần đây, toàn huyện Mường Khương có trên 11.380 hộ dân thì mới hơn 4.230 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (chiếm gần 37,2%), còn trên 60% số hộ có nhà tiêu không đảm bảo vệ sinh hoặc không có nhà vệ sinh. Trong tổng số hơn 10.650 hộ chăn nuôi gia súc, chỉ có 32,7% số hộ có chuồng trại hợp vệ sinh. Ước tính đến hết năm 2012, tỷ lệ trên cũng chỉ đạt 36%. Tuy hiện nay ở Mường Khương có 86% số hộ được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng chủ yếu là ở các xã vùng thấp, còn đối với địa bàn vùng cao, như Dìn Chin, Tả Gia Khâu thì nhân dân vẫn sống chung với cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhất là vào mùa khô. Theo điều tra trong 6 tháng năm 2012 của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mường Khương, ở các xã được coi là điển hình về xây dựng nông thôn mới, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khá phát triển, thì tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh cũng còn thấp. Cụ thể, Bản Xen (34,5%), Thanh Bình (40,4%), Bản Lầu (42,8%), Lùng Vai (47,5%), Tung Chung Phố (62,9%)… Đồng chí Đỗ Văn Phóng, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho biết: Mường Khương không có các khu công nghiệp, chế biến lớn nên không có tình trạng ô nhiễm môi trường do công nghiệp gây ra. Tuy nhiên, ở các xã vùng cao của huyện, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức về vấn đề vệ sinh môi trường còn hạn chế. Tình trạng thả rông gia súc, nuôi nhốt gia súc, gia cầm gần nhà, không làm nhà vệ sinh, xả rác thải sinh hoạt tùy tiện, chôn người chết không đúng nơi quy định… đã ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và cảnh quan làng bản. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về vệ sinh môi trường nông thôn không phải là chuyện một sớm, một chiều mà cần tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài và cần có sự chung tay của các cấp, các ngành liên quan…
Hiện nay, Mường Khương đã đưa ra kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2013 và giai đoạn 2013 - 2015 với nhiều mục tiêu cụ thể. Tin rằng, trong thời gian tới, bằng việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn huyện sẽ được cải thiện hơn.