Nga vừa tuyên bố đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng với Mỹ, một động thái làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gia tăng chạy đua vũ trang. Cộng đồng quốc tế kêu gọi Moskva và Washington duy trì đối thoại, thể hiện trách nhiệm chung vì môi trường an ninh ổn định cho toàn thế giới.
Trong Thông điệp liên bang năm 2023 trước Quốc hội hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Moskva sẽ tạm dừng việc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Mỹ. New START được ký năm 2010 với mục tiêu nhằm hạn chế kho vũ khí của hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới ở mức cao nhất là 1.550 đầu đạn, giảm gần 30% so với mức đặt ra năm 2002. Tháng 1/2021, Tổng thống Putin đã nhất trí gia hạn hiệp ước này 5 năm, tới năm 2026. Theo đó, mỗi năm Moskva và Washington được thực hiện nhiều nhất 20 lần thanh sát lẫn nhau trong khuôn khổ New START.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác thanh sát trong khuôn khổ New START đã tạm dừng gần ba năm do đại dịch Covid-19, cũng như quan hệ Nga-Mỹ ngày một xấu đi. Tháng 8/2022, Nga thông báo với Mỹ quyết định đình chỉ các hoạt động thanh sát trên lãnh thổ Nga, nhằm đáp trả các lệnh cấm vận của phương Tây đối với máy bay Nga, khiến Moskva không thể đưa các thanh sát viên đến Mỹ. Moskva cũng cho rằng, Washington đã tiến hành các cuộc thanh sát không báo trước và cố tạo ra lợi thế đơn phương trước Nga.
Tổng thống Nga nêu rõ, Nga đình chỉ hiệp ước, nhưng không rút khỏi New START. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Moskva vẫn tiếp tục tuân thủ các hạn chế định lượng do Hiệp ước quy định trong suốt thời gian hiệu lực và quyết định đình chỉ có thể đảo ngược. Nhấn mạnh Nga sẽ không là bên đầu tiên nối lại hoạt động thử hạt nhân, tuy nhiên Tổng thống Putin cảnh báo một khi Mỹ thử vũ khí hạt nhân thì Bộ Quốc phòng Nga và các cơ quan liên quan cũng sẵn sàng hành động tương tự. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố, Nga sẽ không thảo luận về New START với Mỹ chừng nào Washington còn tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh quyết định của Nga là đáng tiếc; khẳng định Mỹ sẵn sàng thảo luận với Nga về hạn chế vũ khí chiến lược bất cứ lúc nào, dù hai bên vẫn bất đồng trong một số vấn đề song phương và quốc tế. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ theo dõi mọi hành động của Moskva nhằm bảo đảm trong bất kỳ tình huống nào Washington và các đồng minh đều ở thế an toàn. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng bày tỏ lấy làm tiếc và kêu gọi Moskva xem xét lại quyết định.
New START được ví như “mỏ neo” cuối cùng nhằm tạo ra một khuôn khổ có tính ràng buộc pháp lý để Nga và Mỹ kiểm soát năng lực hạt nhân của nhau. Năm 2002, dưới thời Tổng thống George W.Bush, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) sau 30 năm thực thi. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp ước Bầu trời mở và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Các chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế lo ngại, một khi New START bị đình chỉ, sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, song song cuộc xung đột tại Ukraine.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric nêu rõ: Một thế giới không có kiểm soát vũ khí hạt nhân là một thế giới nguy hiểm và bất ổn hơn nhiều, với những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra. Theo ông Dujarric, New START và sự thành công của các hiệp ước song phương về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Nga và Mỹ mang lại an ninh không chỉ cho hai nước, mà còn cho toàn bộ cộng đồng quốc tế. Vì vậy, Nga và Mỹ có trách nhiệm quay lại đối thoại ngay lập tức và tiếp tục thực hiện đầy đủ New START, vì an ninh quốc tế.