Tính cấp bách của một lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Gaza
Phát biểu trước các phóng viên, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh, có một giải pháp giúp giải quyết tất cả các vấn đề liên quan tới mức thương vong dân sự chưa từng có, điều kiện nhân đạo thảm khốc ở Gaza cũng như số phận của các con tin và căng thẳng đang lan rộng khắp khu vực. “Chúng ta cần một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức” – ông Guterres nói.
Người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ rõ, không chỉ bất ổn nghiêm trọng đang tiếp diễn ở Gaza, tình hình ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng đang sôi sục, đi cùng theo đó là một cuộc khủng hoảng đang đè nặng áp lực lên Chính quyền Palestine. Ngoài ra, căng thẳng đang dâng cao ở Biển Đỏ và ở phạm vi xa hơn nữa, có thể sớm vượt ngoài tầm kiểm soát.
“Tôi thực sự lo ngại khi các cuộc giao tranh bằng hỏa lực vẫn đang tiếp diễn hàng ngày trên Đường Xanh. Điều này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Israel và Li-băng, đồng thời ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định trong khu vực… Tôi vô cùng lo lắng trước những gì đang diễn ra. Nhiệm vụ của tôi là truyền tải thông điệp đơn giản và trực tiếp này tới tất cả các bên: ngừng đùa giỡn với lửa trên Đường Xanh, giảm leo thang và chấm dứt sự thù địch theo Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc” – ông Guterres nói.
Giữa lúc cuộc xung đột bước sang 100 ngày liên tiếp, tình hình nhân đạo ở Gaza không thể diễn tả bằng lời khi không nơi nào và không ai được an toàn. Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết những người bị tổn thương đang bị đẩy vào các khu vực ngày càng bị thu hẹp ở phía Nam - nơi đang trở nên chật chội đến mức không thể chịu đựng được và ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Việc tiếp cận nhân đạo đang bị cản trở nghiêm trọng
Theo ông Guterres, dù đã có một số bước nhằm tăng cường dòng hỗ trợ nhân đạo vào Gaza, song các hoạt động cứu trợ vẫn chưa tiếp cận tới được những người dân đã phải hứng chịu các cuộc giao tranh không ngừng nghỉ. “Bóng đen đói khát đang đeo bám người dân Gaza, cùng với bệnh tật, suy dinh dưỡng và các mối đe dọa sức khỏe khác”- người đứng đầu Liên hợp quốc trăn trở.
Theo quan điểm của người đứng đầu Liên hợp quốc, việc triển khai hoạt động viện trợ hiệu quả ở Gaza cũng giống như bất cứ nơi nào khác đều đòi hỏi những điều kiện cơ bản nhất định, đó là sự an toàn, việc bảo đảm yếu tố hậu cần cần thiết và nối lại hoạt động thương mại. Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy, những trở ngại đối với các hoạt động viện trợ ở Gaza đã quá rõ ràng.
Liên hợp quốc và các đối tác không thể cung cấp viện trợ nhân đạo một cách hiệu quả trong khi Gaza đang phải hứng chịu các cuộc bắn phá nặng nề, trên diện rộng và tiếp diễn không ngừng nghỉ. Kể từ khi xung đột bùng nổ vào ngày 7/10/2023, đã có 152 nhân viên Liên hợp quốc thiệt mạng ở Gaza – đây cũng là tổn thất nhân mạng lớn nhất trong lịch sử hoạt động của tổ chức đa phương này.
Cụ thể, ông Guterres chỉ ra rằng, các hoạt động viện trợ phải đối mặt với những trở ngại đáng kể ở biên giới Gaza, chưa kể tới việc thiếu hụt vật liệu quan trọng, bao gồm thiết bị y tế cứu sinh và các thiết bị quan trọng để sửa chữa cơ sở hạ tầng và nguồn nước… “Hoạt động viện trợ cũng phải đối mặt với những trở ngại lớn ở Gaza…. Chúng tôi đang tìm cách tăng cường phản ứng. Nhưng chúng tôi cần có sẵn các điều kiện cơ bản” - Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ.
Cụ thể, ông Guterres kêu gọi các bên tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, tôn trọng và bảo vệ dân thường, đồng thời đảm bảo đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của họ. Bên cạnh đó, cần có sự gia tăng ngay lập tức trong việc cung cấp thương mại các hàng hóa thiết yếu. Ông Guterres lưu ý, Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo không thể một mình cung cấp những nhu yếu phẩm cơ bản mà lẽ ra phải có trên thị trường cho toàn bộ người dân Gaza.
Theo lập luận của ông Guterres, không gì có thể biện minh cho hành vi bạo lực của Hamas. Trong khi đó, cuộc tấn công dữ dội vào Gaza của lực lượng Israel trong 100 ngày qua cũng đã gây ra sự tàn phá trên diện rộng và mức độ thương vong trong dân thường ở mức cao chưa từng có trong nhiệm kỳ ông làm tổng thư ký Liên hợp quốc, với phần lớn những người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em.
Trong lời phát biểu cùng ngày, ông Guterres đã lên án hành động "trừng phạt tập thể" nhằm vào người Palestine, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn nhân đạo tại vùng lãnh thổ này.
Theo Cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), kể từ khi chiến sự bùng phát hơn 3 tháng trước, khoảng 1,9 triệu người dân Gaza (chiếm 85% dân số) đã phải đi sơ tán, trên 23.700 người Palestine thiệt mạng và hơn 60.000 người khác bị thương.
Còn số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ghi nhận hơn 300 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế tại Dải Gaza đã xảy ra, khiến hầu hết các bệnh viện phải ngừng hoạt động và hiện nay chỉ còn 15 cơ sở cung cấp các dịch vụ y tế hạn chế.