Người dân chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 31/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Trong cuộc họp tối 4/1 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã trình bày một kế hoạch gồm bốn hướng nhằm xử lý vấn đề Dải Gaza sau khi cuộc chiến đang diễn ra với nhóm Hamas kết thúc, trong đó IDF giữ toàn quyền kiểm soát quân sự và chính quyền địa phương của người Palestine đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề dân sự.
Tuy nhiên, kế hoạch này không tính đến vai trò của Chính quyền Palestine (PA) cũng như không khuyến nghị người Palestine tái định cư ở Gaza.
Đề xuất của ông Gallant đánh dấu lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Israel vạch ra kế hoạch chi tiết cho Dải Gaza sau chiến tranh, nhưng nó vẫn chưa thể hiện chính sách chính thức vì đang có sự khác biệt quan điểm trong liên minh cầm quyền.
Ông Gallant nói với các nhà báo trước cuộc họp rằng các động thái ngoại giao chỉ được thực hiện với giả định rằng Hamas không còn kiểm soát Gaza và không gây ra mối đe dọa an ninh cho Israel, đồng thời Israel vẫn duy trì quyền kiểm soát quân sự, cả ở biên giới và trên thực địa khi cần thiết và sẽ không bị hạn chế trong việc sử dụng lực lượng quân sự. Nói cách khác, cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được mục tiêu.
Mặc dù những quan điểm này được Thủ tướng Benjamin Netanyahu chia sẻ, việc nhấn mạnh vào quyền kiểm soát dân sự của người Palestine đối với Gaza và việc thiếu sự hiện diện dân sự Israel ở đó đã khiến các đối tác liên minh theo đường lối cứng rắn tức giận. Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich lên tiếng phản đối kế hoạch trong khi một thành viên nội các chiến tranh cho rằng ông bộ trưởng quốc phòng chỉ đang nói cho chính mình.
Thi thể các nạn nhân trong xung đột tại một ngôi mộ tập thể ở Rafah, phía Bắc Dải Gaza ngày 26/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Kế hoạch của Bộ trưởng Quốc phòng Gallant, đã được chuyển cho chính quyền Mỹ và thảo luận với các đồng minh khác, bao gồm bốn “trụ cột”.
Đầu tiên, Israel sẽ cung cấp thông tin cho các nhà điều hành dân sự ở Gaza và chịu trách nhiệm kiểm tra hàng hóa đến.
Thứ hai, một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia, do Mỹ dẫn đầu với sự hợp tác của các quốc gia châu Âu và Arab ôn hòa, sẽ chịu trách nhiệm điều hành các vấn đề dân sự và phục hồi kinh tế, tái thiết Dải Gaza.
Thứ ba, Ai Cập, được coi là “nhân vật chính” trong kế hoạch, sẽ chịu trách nhiệm về việc kiểm soát biên giới dân sự tới Dải Gaza, với sự phối hợp của Israel.
Thứ tư, các cơ chế hành chính hiện tại sẽ được duy trì với điều kiện các quan chức không liên kết với Hamas. Chính quyền địa phương hiện đang xử lý nước thải, điện, nước và phân phối viện trợ nhân đạo sẽ tiếp tục hoạt động với sự cộng tác của lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia.
Các quan chức an ninh hàng đầu nói với tờ The Times of Israel rằng việc chuyển giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương theo kế hoạch trên sẽ được thực hiện dần dần chứ không phải tất cả cùng một lúc, dựa trên cơ sở hạ tầng hiện có.
Các quan chức cũng lưu ý rằng việc phân chia các khu vực chính quyền địa phương trong kế hoạch dựa trên việc lập bản đồ các sắc tộc, các chính quyền địa phương, quan chức chính phủ và thậm chí cả các học giả sống ở các thành phố và trại tị nạn của Gaza.
Trong cuộc họp báo ngày 4/1, Bộ trưởng Gallant giải thích rằng sự tham gia của PA là không phù hợp trong giai đoạn này vì Palestine vẫn chưa trải qua những cải cách cần thiết.
Trước đó, Thủ tướng Netanyahu cũng đã nhấn mạnh rằng PA, với hình thức hiện tại dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mahmud Abbas, không thể được giao nhiệm vụ tiếp quản Gaza sau chiến tranh.
Tuy nhiên, các đồng minh dự kiến tham gia lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia đã nhiều lần nói rõ rằng sự hỗ trợ của họ đối với việc tái thiết Gaza phụ thuộc vào việc PA là cơ quan quản lý tái hợp Dải Gaza với Bờ Tây, và quá trình này là một phần của sáng kiến rộng lớn hơn nhằm đi đến giải pháp hai nhà nước.
Quân đội Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 25/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, các quan chức Mỹ và Israel nói với tờ The Times of Israel rằng các trợ lý của ông Netanyahu đã bày tỏ sự ủng hộ riêng của họ đối với một “RPA”, tức “PA cải cách”, cuối cùng sẽ quản lý Gaza, trong khi bản thân thủ tướng cũng chưa công khai phát biểu về ý tưởng này trong bối cảnh lo ngại mất thêm sự ủng hộ từ các bộ trưởng cánh hữu.
Điều không được ủng hộ nhiều nhất là kế hoạch nói tới cam kết của Israel hướng tới giải pháp hai nhà nước, và ông Gallant đã không chỉ rõ những kế hoạch nào của Israel nhằm thu hút đồng minh nước ngoài tái thiết Gaza mà không cần các bước đi hướng tới một nhà nước Palestine.
Một điểm gây tranh cãi khác là kế hoạch của ông Gallant cũng tuyên bố rằng cư dân phía Bắc Gaza sẽ không được phép trở về nhà của họ cho đến khi tất cả con tin ở Gaza được phóng thích, đồng thời lưu ý rằng Israel không có kế hoạch tái chiếm hoặc tái định cư Gaza sau khi các mục tiêu của cuộc chiến đã đạt được.
Bình luận của ông Gallant được đưa ra sau khi những lời kêu gọi gần đây của các bộ trưởng cánh hữu là Smotrich và Ben Gvir nhằm tái định cư người Gaza ở nước ngoài đã vấp phải sự lên án rộng rãi của quốc tế, bao gồm cả Mỹ.
Chiến tranh đã nổ ra ở dải đất ven biển của người Palestine kể từ vụ thảm sát ngày 7/10/2023 của Hamas, khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng và 240 con tin bị bắt giữ. Đáp lại, Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas và phát động một chiến dịch quân sự quy mô rộng ở Gaza nhằm tiêu diệt năng lực quản lý và quân sự của nhóm này cũng như đảm bảo thả con tin.
Hiên nay, người ta tin rằng 132 con tin bị Hamas bắt cóc vào ngày 7/10 vẫn ở Gaza – mặc dù có thể không phải tất cả đều còn sống. Trước đó, 105 con tin đã được phóng thích trong thời gian ngừng bắn và trao đổi con tin – tù nhân kéo dài 1 tuần vào cuối tháng 11. Thi thể của 8 con tin cũng đã được tìm thấy và 3 con tin đã bị quân đội Israel giết nhầm.