Nghệ nhân Trần Nam Tước tên thật là Trần Xuân Triều, sinh năm 1974, tại Thái Bình. Ông là người duy nhất được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú Bát Tràng nhưng không sinh ra ở làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Thời mới về Bát Tràng, năm 1996, Trần Nam Tước chỉ là một thợ giúp việc trong các lò gốm.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.
Trong quá trình làm ở đây, ông đã không ngừng nghiên cứu, thể nghiệm và nhận thấy những giá trị của men gốm Bát Tràng. Với tư duy làm gốm riêng có của mình, ông đã nhìn thấy những dòng men tưởng như rất đơn giản mà lại vô cùng xuất sắc. Ông sử dụng chất liệu sản xuất đầu vào không cầu kỳ, chú trọng men với quan điểm làm gốm "đơn giản đầu vào, thận trọng đầu ra, tránh xa sao chép".
Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước chia sẻ: "Tôi đến với nghệ thuật gốm bằng sự thấm dần theo thời gian. Hơn 30 năm điền dã, tích lũy, nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là các hình tượng linh thú, hôm nay tôi đã mạnh dạn ra mắt bộ sưu tập các tác phẩm linh thú thời nay của mình để công chúng thưởng lãm. Với cá nhân tôi quan niệm rằng "nghệ sĩ là người làm sáng tạo bằng cái đầu". Tôi không làm vì cái đẹp, tôi không làm vì đúng-sai. Bởi cái đẹp thuộc về các bạn, đúng-sai thuộc về các nhà nghiên cứu, còn cái tôi làm để công chúng nhìn thấy là văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trên tinh thần văn hóa là sự tiếp biến, nghệ thuật là sự giao thoa, trụ vững trên văn hóa của dân tộc là điều mà tôi hằng mong mỏi".
Không gian triển lãm.
Bên cạnh đó, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết, làng nghề Bát Tràng hiện nay đã trở thành một điểm đến yêu thích của du khách trong nước cũng như quốc tế. Hàng năm, có hơn 200 nghìn du khách đến tham quan làng gốm Bát Tràng. Để Bát Tràng có di sản như ngày hôm nay, có công lao rất lớn của các thế hệ nghệ nhân của làng. Mỗi một nghệ nhân của làng Bát Tràng đều có những sản phẩm thể hiện được đặc trưng, phong cách của mình. Trong đó nghệ nhân Trần Nam Tước là một nghệ nhân rất tiêu biểu. Thông qua những linh thú, nghệ nhân đã phát huy được những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam với mong muốn gửi đến những thế hệ đương đại để họ hiểu rõ hơn về những nét đẹp truyền thống của làng nghề nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.
Tác phẩm "Lân sư".
Mặc dù không sinh ra tại Bát Tràng nhưng nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước đã có cơ duyên và thời gian gắn bó lâu dài với nơi đây để theo đuổi và phát triển với nghề gốm. Bát Tràng cũng như Gia Lâm thật sự coi nghệ nhân là người con của mảnh đất này. Những đóng góp của ông đã góp phần hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng về triển khai công nghiệp – văn hóa. Thời gian tới, huyện Gia Lâm cũng đã xác định du lịch và văn hóa làng nghề sẽ trở thành động lực mà có tỉ trọng lớn trong phát triển kinh tế của huyện.
Tác phẩm "Qua sông Hằng nhớ công cha".
Triển lãm thể hiện sự kết hợp các yếu tố tạo hình của hội họa, ngôn ngữ của điêu khắc trong sáng tạo kiểu dáng, sự kế thừa tinh hoa của gốm Bát Tràng truyền thống với những tìm tòi, sáng tạo mới trong màu men, hình khối của tác giả, qua đó chuyển tải thông điệp ý nghĩa về truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Thông qua đó, các tác phẩm chuyển tải thông điệp ý nghĩa về truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam qua hình tượng các linh thú. Tiêu biểu có các tác phẩm: "Ngựa chầu", "Cá rồng", "Ngược dòng", "Lân sư - đồng bản", "Long ngư - đồng bản"…
Tác phẩm trứng nở “Biết đâu nguồn cội”.
Mặc dù là người đi sau kế thừa học hỏi tinh hoa, song những sản phẩm của nghệ nhân để lại dấu ấn cá nhân, tái hiện lại sự tinh hoa làng nghề. Chính vì vậy, mỗi tác phẩm của Trần Nam Tước luôn được các chuyên gia đầu ngành đánh giá cao.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 20/8/2023 tại tầng 1, nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội./.