Tiếng thở dài của đêm

LCĐT - Nhu trằn trọc mãi mà không sao ngủ được. Đã gần một giờ đêm mà vẫn chưa thấy chồng về. Nhu vẫn nhủ với lòng mình rằng, ngóng để làm gì, sợi dây tình cảm đã đứt từ lâu thì có còn gì nữa đâu. Nhưng các cụ có câu “một ngày nên nghĩa”, huống hồ là vợ chồng đã sống với nhau mấy năm trời. Có lần, do cả ngày làm lụng vất vả, đêm về mệt, Nhu thiếp đi một lúc rồi lại choàng tỉnh, quờ tay sang bên cạnh vẫn là khoảng trống lạnh lẽo, Nhu biết là chồng vẫn chưa về. Quay sang ôm con, đứa bé đang ngủ say, hơi thở nhẹ nhàng đều đều của nó làm Nhu thấy ấm áp phần nào.

Ở cái làng này, đàn ông không uống rượu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, có người không uống được nhiều, do cơ địa hay mắc bệnh phải kiêng, thì ngay lập tức bị cho là đồ đàn bà, rồi “về nhà mà mặc váy đi”... Họ dùng đủ lời cay nghiệt và cả những câu đùa ác ý, cốt để làm cho người kia thấy nhục nhã mà cố uống thêm một chén, hai chén và rồi nhiều chén nữa.

Minh họa của Trung Hiếu.
Minh họa của Trung Hiếu.

Chồng Nhu trước kia uống rượu vào loại kém, chỉ dăm ba chén là mặt đỏ tía tai, về nhà là lăn ra ngủ cả ngày. Thế mà giờ gã uống rượu hay như ai. Uống hay là ngôn ngữ của bạn rượu tán tụng nhau, chứ thực tình Nhu thấy đó là một điều tệ hại. Sau mỗi bận chè chén về là gã lại nôn ói mật xanh mật vàng… Nếu như trước kia uống rượu xong là gã lên giường đánh một giấc say sưa như một con chó cún, thì nay gã khề khà, lải nhải, đôi lúc hằn học. Đã nhiều lần Nhu khuyên can chồng, nhưng gã phẩy tay “Nam vô tửu như kỳ vô phong. Em phải để anh thể hiện mình là thằng đàn ông, thể hiện sự mạnh mẽ của mình chứ”. Rồi thấy lời khuyên can không có tác dụng, Nhu mặc kệ, muốn ra sao thì ra.

Có tiếng mở cửa. Tiếng bản lề kêu ken két cắt ngang dòng suy nghĩ của Nhu.

- Anh về rồi đấy à?

Không thấy câu trả lời, Nhu bật dậy đi ra phía nhà ngoài. Chồng Nhu đang ngửa cổ lên mà tu ừng ực chai nước lạnh. Mặt gã nhợt nhạt, môi không còn tươi tắn mà chuyển sang màu tím đen. Đôi mắt gã đỏ ngầu, nhìn Nhu gườm gườm. Cái đầu thì dường như không còn giữ được ngay ngắn nữa, nó nghẹo sang một bên, vẻ yếu ớt.

- Em ngủ đi. Anh ngồi đây lúc đã.

Gã chồng khua tay như để giải thích rằng mình không say. Đầu gã ngật ngưỡng, lắc lư như đầu một chú hề. Nhu thấy cảm giác tức nặng trong ngực, lồng ngực như bị đóng băng, đau tức và buốt nhói. Nhu ngồi vật xuống nền nhà để thở. Sau đó là cảm giác chống chếnh ở trong lòng, lan ra mãi, mênh mông. Nhu không nói gì, đi vào nhà ôm con và khóc, tiếng khóc không thành tiếng, đầy tủi hờn và cam chịu.

Đêm, mọi vật xung quanh im ắng, chỉ có tiếng dế kêu và tiếng gió thổi qua vườn chuối sau nhà nghe buồn như những tiếng thở dài. Đã bao đêm Nhu nằm ôm con đợi chồng. Cũng đã bao đêm Nhu khóc, nước mắt chảy ào ra gối, bẽ bàng, mặn đắng. Rồi nước mắt hình như không còn đủ để kịp chảy ra những đêm tiếp đó, hay lòng Nhu đã khô cạn cảm xúc mà nước mắt không có cớ để chảy nữa. Không! Nhu vẫn khóc, tiếng khóc âm thầm chẳng thể phát ra thành lời, chẳng thể chảy thành nước mắt. Đó là lưỡi dao bào mòn dần lòng Nhu, bào mòn niềm vui, bào mòn sự mong mỏi về hạnh phúc.

Hằng đêm, Nhu nằm ôm con đợi chồng, đợi một gã say về và làm đủ trò tai quái. Có hôm gã gào lên, rồi khóc tu tu, làm cho đứa con đang say giấc choàng tỉnh, hốt hoảng khóc ré lên. Rồi gã vào nhà, gã quờ quạng và vồ lấy Nhu, hơi men lúc ấy như một làn gió độc làm Nhu choáng váng. Gã lè nhè nói những câu vô nghĩa, gã vày vò Nhu như một thứ đồ chơi. Những lần đầu Nhu còn nhẹ nhàng dùng lời ngon ngọt bảo gã ngủ đi, đã quá say rồi. Nhưng gã không dừng lại, gã dùng cái thứ sức mạnh điên rồ của kẻ say cố đổ ập lên người Nhu. Thân hình nhớp nhúa, nồng nặc mùi rượu của gã vừa cứng rắn, lúc lại oặt ẹo cứ phì phò trên tấm thân mảnh, gầy guộc của Nhu, khiến Nhu thấy ghê tởm.

Có lần không chịu nổi, Nhu đẩy gã xuống, chạy ra bậc thềm nôn thốc nôn tháo. Thường sau những lần thỏa mãn cơn hoan lạc lẫn trong cơn say, gã nằm yên trên bụng Nhu mà ngủ ngon lành... Rồi Nhu ngồi dậy bó gối, gục mặt khóc, tiếng khóc tủi phận âm thầm lặng lẽ rơi vào đêm. Rồi cứ như thế, Nhu không còn đủ nhẫn nại khuyên can gì thêm nữa, không phản kháng lại.

Đêm nay chắc vẫn thế, Nhu mặc kệ gã ngồi một mình ngoài nhà lải nhải. Nhưng Nhu không tài nào chợp mắt nổi, hình ảnh, hơi thở của gã chồng những đêm trước làm Nhu rờn rợn. Nhu thấy đời mình rồi sẽ không khác gì đời mẹ. Đời mình rồi cũng thế thôi, sống trong sự đau khổ và cô đơn, có chồng mà phải tự mình làm lụng nuôi con. Có chồng như thế cũng như không!

Những năm tháng ấu thơ lại hiện về rõ mồn một như chỉ mới hôm qua. Hồi ấy bố Nhu cũng là tay uống rượu như nước lã. Ông rất hãnh diện vì cả làng này không ai uống rượu sánh được với mình. Và rồi ông lấn sâu vào những trận rượu đến quên cả công việc, quên cả vợ con. Mẹ Nhu một mình làm quần quật ngoài đồng để nuôi con và nuôi chồng uống rượu… Đã bao lần Nhu chứng kiến cảnh mẹ bị bố đánh chửi, mặc dù mẹ chẳng hề có lỗi gì. Cứ rượu về là bố gằm ghè, rồi ông lao vào đánh mẹ. Mấy chị em Nhu gào thét, khóc lóc thì ông gầm lên nói sẽ cho mấy mẹ con ra đường ở. Rồi ông xăm xăm vào bếp, mang ra mồi lửa nói sẽ đốt nhà. Hàng xóm kéo đến, vài người ôm lấy ông, vài người khác giật mồi lửa vứt vào chậu nước ngoài giếng. Bị người khác cản, bố vùng vẫy rồi kêu gào rống lên, tiếng gào như tiếng ú ớ nghe dài dại và ghê rợn như tiếng kêu của một kẻ điên. Âm thanh ấy như những vết cứa đau buốt trong tâm hồn bé thơ của Nhu.

Rồi bố Nhu cũng già, mẹ Nhu đã hứng đủ những đau đớn, đắng cay mà bố mang lại. Khuôn mặt mẹ già hơn so với tuổi, những vết nhăn như là nỗi đau được nén lại khiến lúc mẹ cười mà nhìn như khóc.

Bố không còn uống được nhiều rượu nữa, thân hình ông teo tóp theo cơn say thời trai trẻ. Ông bước đi xiêu vẹo như một kẻ dị dạng, bước thấp, bước cao như đang bước trên đường mấp mô lồi lõm. Ông giờ như kẻ trên mây, nhớ nhớ quên quên. Rượu đã phá hủy thần kinh của bố rồi, thế nên nhiều lúc lại ngây ngô như một đứa trẻ, cũng có lúc lẩn thẩn như người của cõi khác. Có lần mẹ nói: “Làm thân đàn bà khổ lắm con ạ. Không biết đời con có khá được không, hay cũng như mẹ đây?”. Lời nói ấy như sự thở than và cũng là nỗi lo lắng của một người mẹ. Thế mà giờ đây đời Nhu cũng như đời mẹ, phải sống với gã chồng suốt ngày say. Phải chăng phụ nữ sinh ra là để gánh lấy nỗi khổ thật sao?

Một cái bóng loạng choạng tiến sát chỗ Nhu nằm, rồi đổ ập lên Nhu. Có cái gì đó ấn mạnh vào bụng. Chợt nhận ra đó là đầu gối chồng, Nhu ưỡn người lên, tránh sang một bên và kêu lên, nhưng lại bị cái bóng kia ghì xuống. Nhu vùng vẫy thoát ra nhưng gã chồng đã nắm lấy tay lôi giật lại. Gã bị chới với suýt ngã và hình như vì thế mà gã tức tối gầm lên:

- Lại đây!

- Không, anh ra ngoài nhà ngủ đi - Nhu cương quyết.

- Mày có lại đây không?

Lần đầu tiên gã nói câu ấy. Tuy là kẻ nát rượu nhưng gã vốn cũng thuộc loại ăn nói nền nã và lịch sự nên chưa khi nào Nhu thấy gã nói những câu đại loại như thế.

Nhu lại vùng vẫy lần nữa, tay Nhu đã thoát ra được, đang thế giằng co nên cả hai bổ ngửa ra hai phía, đập xuống nền nhà đau điếng. Gã chồng sôi máu, lao về phía Nhu như con thú say mồi. Gã giật phăng quần áo Nhu vứt ra bên cạnh, rồi gã cào cấu người Nhu như một con thú điên. Nhu không muốn chống trả nữa, có ai đó đã nói rằng không thèm chống trả cũng là một sự phản kháng. Nhu nằm trơ ra như cái xác vô hồn. Không cảm xúc. Không động đậy. Gã chồng cứ một mình hành lạc mà không biết đến Nhu cảm giác ra sao. Nhu không khóc. Đôi mắt mở to không chớp, đờ đẫn nhìn lên trần nhà! Ngoài kia, tiếng gió thổi qua vườn chuối như hằng đêm vẫn thế, đó là tiếng thở dài của đêm hay nỗi buồn đau lặng lẽ của Nhu?

*   *   *

Nhu đi làm về tới nhà thì đã trưa. Nhà vắng teo. Mấy cái khay cho gà ăn nằm lỏng chỏng nơi góc sân. Đám lá khô bị gió cuốn vương vãi ra ngõ, cuốn lấy chân Nhu. Thằng con năm tuổi thấy mẹ về, mừng quýnh, nó chạy ra reo lên:

- A, mẹ về rồi. Mẹ đã về!

- Ừ, mẹ chào con. Thế bố đâu?

Thằng cu lúc này như sực nhớ ra bèn sụt sùi:

- Mẹ ơi, bố lại đi uống rượu rồi. Cả buổi sáng con ở nhà một mình, buồn ơi là buồn.

- Thế à. Thôi, mẹ về với con đây. Rồi mẹ con mình vào nấu cơm, con nhé.

An ủi con mà lòng Nhu quặn thắt. Nỗi kìm nén bấy nay lại có cớ trồi lên, đầu óc Nhu quay cuồng. Từ trước tới giờ Nhu đã cố gắng cam chịu cái số phận mình. Nhu hy sinh cuộc đời mình, những mong cho con có một gia đình. Cho dù cái gia đình ấy đối với Nhu chỉ là cái vỏ, bên trong đã nứt vỡ hết rồi. Một gia đình mà người chồng, người cha không làm ăn gì, không quan tâm gì đến vợ con, thì gia đình ấy có còn là một gia đình theo đúng nghĩa không?

Hai mẹ con đang ăn cơm thì gã chồng về. Nghe tiếng chiếc xe máy cà tàng nổ bành bành ngoài ngõ, Nhu đã biết nhưng không thèm trông lên. Bỗng xoạch một tiếng. Nhu nhìn ra sân, chiếc xe đổ uỳnh giữa sân chèn lên chủ nhân của nó. Gã đang loay hoay tìm cách thoát ra, nhưng chắc đã say nên cứ loay hoay mãi. Nhìn cảnh ấy, nỗi chán chường lại dâng lên trong lòng Nhu. Vừa thở vừa dựng chiếc xe máy lên, Nhu gay gắt:

- Bố này là bố gì? Đi uống cho lắm vào rồi bỏ con ở nhà một mình. Anh có biết bây giờ bọn bắt cóc trẻ em nó về tận quê rồi không? Anh có còn là con người không?

- Làm gì mà phải gắt. Uống có mấy chén thôi mà.

- Lần nào cũng mấy chén. Mấy chén mà từ sáng tới trưa, từ trưa tới khuya, rồi mềm người ra…

- Hu hu hu!...

Nhu không còn nói thêm được nữa. Những đêm chồng hành hạ lại hiện về làm cho nỗi uất ức trào lên. Mấy lần bị đánh. Những trận bê tha, bỏ con vất vưởng… khiến Nhu không thể chịu thêm được nữa.

Đứa con thấy mẹ khóc chạy ra ôm lấy chân Nhu, nức nở. Mấy lần gã đánh Nhu, thằng bé đều chứng kiến. Nó kêu gào thảm thiết cho đến khi có người hàng xóm chạy sang kéo gã ra mới thôi. Nhu có thể chịu đựng được hết những nỗi khổ mà gã mang lại. Nhu có thể hy sinh bản thân để đứa con có bố, nhưng Nhu không thể chịu đựng được khi con mình chứng kiến cảnh bố đánh mẹ nó. Nhu thương con mình vô hạn, bởi Nhu đã từng là một đứa bé từng phải trải qua điều tương tự. Trái tim đứa bé sẽ rất đau, như là bị cây kim đang chọc vào, lôi ra, rồi lại làm như thế nhiều lần. Đầu óc Nhu ngổn ngang bao điều, mà chưa biết phải làm sao.

- Đưa cho tao ít tiền!

- Làm gì?

- Chậc! Chiều làm bữa thịt chó. Bọn nó mời mãi rồi phải mời lại chúng nó một bữa chứ, không chúng nó lại bảo keo kiệt.

- Trời ơi! Anh uống chưa chán hay sao? Anh xem nhà mình lấy đâu ra tiền. Gà tôi nuôi anh bắt đi uống, trứng gà để cho con ăn anh cũng mang đi. Tôi không có tiền.

- Thế tiền bán lợn đâu?

- Tôi còn phải đi trả nợ tiền cám.

- Được lắm! - Gã tức tối, gầm gừ một lúc rồi lao vào nhà đổ vật xuống giường, nhắm nghiền mắt.

Đang ngủ trưa, chợt tỉnh giấc, thấy cánh tủ bị cậy banh ra, Nhu chột dạ. Vùng ra khỏi giường thì gặp gã chồng đang luống cuống bước xuống bậc thềm. Thấy Nhu, gã chạy nhanh ra chỗ để xe. Nhu lao tới nắm lấy tay gã, một vật gì tròn tròn màu vàng bị vung ra, rơi xuống sân. Nhu lao tới định nắm lấy chiếc nhẫn nhưng gã chồng nhanh hơn. Gã vồ lấy và trừng mắt nhìn Nhu. Hai người giằng co một hồi lâu. Bỗng gã chồng đẩy thật mạnh, Nhu ngã ngửa ra phía sau. Đau quá. Nhu nghe có đàn ong kêu o o trong tai mình. Mắt Nhu thấy cả một trời đom đóm, rồi xung quanh tối dần, tối dần. Nhu thiếp đi.

Đêm quê, vầng trăng đã lên cao tỏa ánh sáng mát mẻ tưới khắp các ngọn cây, tán lá. Đây đó vẳng lại tiếng chó sủa, rồi lại chìm vào không gian yên ắng. Nhu nằm ôm con trên giường. Thằng bé chưa ngủ, nó rúc đầu vào nách Nhu, thủ thỉ:

- Mẹ ơi! Con sợ lắm, con không muốn mẹ bị đánh.

Nhu ôm con vào lòng, ôm thật chặt. Biết nói với thằng bé thế nào đây để cho tâm hồn trẻ thơ ấy hiểu. Nhu đã từng ở trong hoàn cảnh của thằng bé nên Nhu hiểu cái cảm giác ấy thế nào. Nhu thấy lòng mình như có muối xát.

Nhu thấy mình cần làm một việc, thà đau một lần rồi thôi, còn hơn phải chịu cả đời phải khổ. Nỗi đau của Nhu giờ đây chẳng khác nào một khối u, làm Nhu nhức nhối. Ghé vào tai con, Nhu thì thầm:

- Con ơi, từ mai trở đi bố sẽ không bao giờ đánh mẹ nữa.

- Thật không mẹ? - Thằng bé reo lên vui sướng.

- Thật, con ạ. Mẹ đã quyết định rồi.

Phải, Nhu đã quyết định rồi, cái quyết định khó khăn nhất trong đời Nhu, nhưng Nhu tin đó là một quyết định đúng.

Thằng bé đã ngủ ngon lành trong vòng tay mẹ tự lúc nào, tiếng thở êm ái của nó làm Nhu nhẹ nhõm. Ngoài kia, gió vẫn thổi từng cơn như những tiếng thở dài của đêm…

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kiến trúc sư Việt Nam đoạt Giải thưởng Kiến trúc bền vững toàn cầu năm 2025

Kiến trúc sư Việt Nam đoạt Giải thưởng Kiến trúc bền vững toàn cầu năm 2025

Tại Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc bền vững toàn cầu (Global Award for Sustainable Architecture) 2025 vừa diễn ra tại thành phố Venice (Italia), kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào là người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng quốc tế danh giá này sau nhiều năm kiên trì sáng tạo với kiến trúc nhân văn và bền vững.

Triển lãm chuyên đề 'Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình'

Triển lãm chuyên đề 'Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình'

60 tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ nhân Việt Nam và nước ngoài về Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được trưng bày, giới thiệu đến người dân và du khách tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam qua triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”.

Bảo tồn nhà sàn truyền thống ở Nghĩa Đô

Bảo tồn nhà sàn truyền thống ở Nghĩa Đô

Nhắc đến xã Nghĩa Đô (Bảo Yên), không chỉ người dân địa phương mà nhiều du khách trong và ngoài nước đều nhớ đến hình ảnh những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở những bản làng bình yên, xanh mướt. Nhà sàn và văn hóa nhà sàn đã trở thành nét đặc trưng của vùng đất này.

Trò chơi dân gian người Tày thu hút du khách

Trò chơi dân gian người Tày thu hút du khách

Trong Ngày hội Văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông” năm 2025 được huyện Bảo Yên tổ chức tại điểm du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, các trò chơi dân gian gắn với văn hóa truyền thống như kéo co, bắn nỏ, đánh yến, đi cà kheo… đã thu hút rất đông người tham gia, đồng thời để lại ấn tượng với người dân và du khách.

Cuộc đua nhạc số: Được và mất

Cuộc đua nhạc số: Được và mất

Âm nhạc Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển sôi động, khi các nền tảng số như TikTok, YouTube... trở thành “sân khấu” chính cho nghệ sĩ lẫn khán giả. Mỗi tuần trôi qua lại xuất hiện một bản hit mới, một giai điệu phủ sóng mạng xã hội, hay một gương mặt nghệ sĩ trẻ bất ngờ vụt sáng. Thế nhưng, đằng sau bức tranh sôi động ấy là những trăn trở về giá trị nghệ thuật, về những tác phẩm có sức sống lâu bền với thời gian...

Áo dài Nhật Bình - Sứ giả văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ

Áo dài Nhật Bình - Sứ giả văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã đưa bộ trang phục áo dài Nhật Bình nằm trong bộ sưu tập đặc biệt của Nhà thiết kế Cao Minh Tiến tham gia trưng bày tại Gala và Triển lãm thời trang Ngoại giao đoàn tại thủ đô Washington D.C.

Triển lãm "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" - Khơi dậy cảm xúc bằng công nghệ hiện đại

Triển lãm "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" - Khơi dậy cảm xúc bằng công nghệ hiện đại

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cùng các địa phương tổ chức Triển lãm đặc biệt với chủ đề “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”. Lễ khai mạc diễn ra vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 16/5.

'Trang sử vàng' - tác phẩm của ánh sáng lịch sử và tâm hồn dân tộc

'Trang sử vàng' - tác phẩm của ánh sáng lịch sử và tâm hồn dân tộc

Tác phẩm điêu khắc ánh sáng "Trang sử vàng" của nghệ nhân Bùi Văn Tự được ra mắt đúng dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025). Tác phẩm vừa là biểu tượng nghệ thuật vừa thể hiện hành trình kể chuyện lịch sử bằng tâm hồn, khát vọng của người nghệ sĩ trẻ đầy thiết tha, sâu nặng.

Lão nông Hà Nhì 30 năm giữ nghề đan mâm

Lão nông Hà Nhì 30 năm giữ nghề đan mâm

Từ những thanh gỗ pơ mu cũ kỹ bị vùi trong lớp đất mục tưởng như bỏ đi hoặc chỉ dùng vào việc chẻ ra nhóm bếp, ông Chu Xe Gió, người Hà Nhì, xã Nậm Pung (Bát xát) có thể tách ra thành những chiếc nan mỏng như tấm bìa giấy để đan mâm theo kỹ thuật truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Điều đáng nói, ông Chu Xe Gió là truyền nhân duy nhất của xã Nậm Pung có thể đan mâm bằng nan gỗ pơ mu trong khi một số người khác chỉ đan được bằng nan tre quen thuộc.

fb yt zl tw