Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những xu hướng nhằm phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Hiện nay, sản xuất theo hướng này đã và đang được nhiều địa phương thực hiện. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ có mặt ở vùng đồng bằng còn xuất hiện ở những địa bàn miền núi, nơi đồng bào dân tộc sinh sống. Việc sản xuất theo hướng này giúp nâng cao chất lượng, bảo đảm sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, gia tăng giá trị sản xuất.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng diện tích đất trồng trọt bị thu hẹp dần do bùng nổ dân số, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và chất lượng đất đang bị suy thoái. Vì vậy, việc thay đổi nhận thức của bà con nông dân từ sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhiều sang sản xuất theo hướng hữu cơ là cần thiết.
Diện tích sản xuất hữu cơ ngày càng tăng
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, nếu như năm 2018 trên địa bàn cả nước có 46 địa phương tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ thì đến năm 2023 đã có 63 địa phương thực hiện.
Theo báo cáo của 38 địa phương, đến năm 2023 tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ là 75.020ha (trong đó 82% là đất trồng trọt). Đồng thời đã có 38.780ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận tiêu chuẩn Việt Nam hoặc theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật. Đến nay, các địa phương đang chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với 260.725ha đất trồng trọt.
Điều đáng nói, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hiện nay không chỉ phát triển ở những địa phương có nền nông nghiệp phát triển. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng đã được triển khai thực hiện ở những vùng có điều kiện sản xuất khó khăn như trung du và miền núi phía bắc, trong đó có những mô hình được thực hiện ở vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc.
Theo báo cáo của 38 địa phương, đến năm 2023 tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ là 75.020ha (trong đó 82% là đất trồng trọt). Đồng thời đã có 38.780ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận tiêu chuẩn Việt Nam hoặc theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trung du và miền núi phía bắc được xem là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nông nghiệp hữu cơ bởi sự phong phú về tài nguyên đất, nước, khí hậu. Người dân ngày càng có nhiều kinh nghiệm, nhận thức và nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, các địa phương có những chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị và thân thiện môi trường nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển nông nghiệp bền vững.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết: “Bước đầu trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết giá trị. Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng sáu mô hình điểm, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ như: Mô hình sản xuất rau hữu cơ, quy mô một ha tại huyện Việt Yên; mô hình bưởi hữu cơ, quy mô một ha tại huyện Lục Ngạn; mô hình sản xuất chè hữu cơ, quy mô một ha tại huyện Yên Thế; mô hình lợn hữu cơ, quy mô 300 con tại hai huyện Lục Nam và Việt Yên; mô hình gà hữu cơ, quy mô 3.000 con tại huyện Yên Thế”.
Tăng giá trị sản xuất
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững và an toàn hơn đối với sức khỏe con người mà còn thân thiện với môi trường.
Mặt khác, sản xuất hữu cơ cũng góp phần tạo ra những sản phẩm nông sản có chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu và gia tăng giá trị sản xuất.
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ xây dựng sáu mô hình điểm, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ như: mô hình sản xuất rau hữu cơ, quy mô một ha tại huyện Việt Yên; mô hình bưởi hữu cơ, quy mô một ha tại huyện Lục Ngạn; mô hình sản xuất chè hữu cơ, quy mô một ha tại huyện Yên Thế...
Trên thực tế, trên địa bàn các địa phương vùng trung du và miền núi phía bắc hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả cao.
Theo Cục Trồng trọt, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ với mô hình sản xuất bưởi hữu cơ tại xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng và xã Vân Phú, thành phố Việt Trì với diện tích 3ha. Mô hình áp dụng các biện pháp chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ giúp cân bằng hệ sinh thái vườn bưởi, cây trồng sinh trưởng phát triển khỏe, bền vững, an toàn với người sản xuất và môi trường chung quanh. Sản lượng đạt 32 tấn/năm, doanh thu trung bình đạt 460 triệu đồng/năm.
Hay tại tỉnh Lạng Sơn với mô hình sản xuất theo quy trình chứng nhận hữu cơ đối với sản phẩm hồi ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Chi Lăng, hiệu quả kinh tế đạt từ 100 đến 150 triệu đồng/ha; các mô hình sản xuất quýt ở các huyện Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn theo quy trình chứng nhận VietGAP, hữu cơ, hiệu quả đạt từ 100 đến 150 triệu đồng/ha.
Mô hình sản xuất chè theo quy trình canh tác hữu cơ ở các xã Xuân Lao, Ảng Tở, huyện Mường Ảng (Điện Biên) tại cơ sở sản xuất chè Phan Thanh Ngọt quy mô 17 ha, trong đó 5 ha chứng nhận hữu cơ. Mô hình tạo việc làm từ 25 đến 30 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/người/tháng.
Hiện nay, Hợp tác xã đang trồng khoảng 50ha với các sản phẩm từ măng Lục trúc như: Măng tươi, khô, ngâm ớt… Ngoài ra, Hợp tác xã cũng liên kết hơn 300 thành viên trong và ngoài tỉnh vừa cung cấp cây giống vừa trực tiếp hỗ trợ sản xuất vào bao tiêu sản phẩm.
Hay mô hình sản xuất, tiêu thụ rau hữu cơ tại xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) quy mô 10 ha. Mỗi năm cho thu hoạch từ các sản phẩm nông sản như bưởi, rau các loại với sản lượng từ 100 đến 150 tấn; doanh thu một năm đạt khoảng 2 đến 3 tỷ đồng.
Tại huyện Tân Yên (Bắc Giang) thời gian gần đây đã và đang dần mở rộng xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên một số đối tượng cây trồng như: ổi, vải, vú sữa, măng… mang lại những tín hiệu tích cực.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Măng Lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu, huyện Tân Yên Dương Thị Luyện chia sẻ: “Hợp tác xã được thành lập từ khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cũng như mong muốn tạo việc làm, giúp bà con nông dân thoát nghèo bằng chính sản phẩm đặc trưng của địa phương là măng Lục trúc. Do đặc thù cây măng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sinh trưởng nên được người dân địa phương gìn giữ và phát triển theo quy trình sản xuất sạch, an toàn”.
Hiện nay, Hợp tác xã đang trồng khoảng 50ha với các sản phẩm từ măng Lục trúc như: măng tươi, khô, ngâm ớt… Ngoài ra, Hợp tác xã cũng liên kết hơn 300 thành viên trong và ngoài tỉnh vừa cung cấp cây giống vừa trực tiếp hỗ trợ sản xuất vào bao tiêu sản phẩm. Năm 2023, Hợp tác xã sản xuất được 150 tấn măng tươi, 1.500 hộp măng ngâm ớt, 30 nghìn cây giống; doanh thu khoảng 20 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức lương bình quân 8.000.000 đồng/tháng…
Nhiều khó khăn khi mở rộng diện tích
Theo các cơ quan chức năng, mặc dù sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã và đang có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để mở rộng sản xuất hữu cơ cũng còn nhiều thách thức. Trong đó, thói quen của người dân về sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học vẫn phổ biến; sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn manh mún, diện tích còn khiêm tốn và không tập trung; các khu vực sản xuất hữu cơ phần lớn đang ở dạng mô hình cho nên diện tích nhỏ khiến chi phí đầu tư cao.
Đặc biệt, đối với vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ trung du và miền núi nhưng điều kiện địa hình nhiều khó khăn, chia cắt, đất có độ dốc lớn. Hơn nữa giao thông đến các vùng sản xuất còn hạn chế gây khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm sản xuất theo hướng truyền thống không có sự khác biệt nhiều, nhất là về giá bán. Trong khi đó, quy mô các mô hình còn nhỏ, khó cạnh tranh; nguyên liệu, vật tư đầu vào để sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ chưa đa dạng.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn ít cả về số lượng và quy mô, mức độ đầu tư. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp có khả năng liên kết sản xuất, tiêu thụ còn hạn chế; chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về chuỗi khép kín trong sản xuất, chế biến hữu cơ…
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, năng suất cây trồng, vật nuôi theo phương thức hữu cơ thấp hơn so với sản xuất an toàn, do không dùng phân bón hóa học, hormone tăng trưởng, công nghệ gien...; sản xuất hữu cơ tốn nhiều công lao động hơn; chi phí sản xuất lớn dẫn tới giá thành sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cao nên ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích.
Bên cạnh đó, hiện nay chính sách cho sản xuất hữu cơ đã có nhưng mới chỉ tập trung cho sản xuất, chưa có chính sách cho các đối tượng khác tham gia trong chuỗi giá trị như: Chính sách khuyến khích sản xuất các loại vật tư phục vụ sản xuất hữu cơ, chính sách khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm xanh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tại Bắc Giang còn gặp những khó khăn như: thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm sản xuất theo hướng truyền thống không có sự khác biệt nhiều, nhất là về giá bán. Trong khi đó, quy mô các mô hình còn nhỏ, khó cạnh tranh; nguyên liệu, vật tư đầu vào để sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ chưa đa dạng.
Quy hoạch vùng sản xuất tập trung
Theo Cục Trồng trọt, để phát triển và mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần có các chính sách hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xác định vùng canh tác hữu cơ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính như: vay vốn ưu đãi, hỗ trợ thuế, và phí giảm giá cho các nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp tuần hoàn và hữu cơ; tiếp tục tư vấn cho người nông dân về các phương pháp và kỹ thuật sản xuất tuần hoàn và hữu cơ, nhất là bà con nông dân vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc.
Còn theo GS, TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: “Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: lúa, chè, cà-phê, hồ tiêu, rau, quả…. phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Đặc biệt, các địa phương có thể xây dựng đề án về nông nghiệp hữu cơ để xác định đúng sản phẩm có lợi thế có thể phát triển thành sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, quy hoạch và xây dựng vùng thâm canh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đủ lớn để có khối lượng hàng hóa có thương hiệu”.
Cùng với đó, cần hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ mới để cải thiện hiệu suất sản xuất và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đầu tư vào cơ sở hạ tầng vận chuyển và lưu trữ để hỗ trợ việc phân phối sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ nông trại đến thị trường…
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: lúa, chè, cà-phê, hồ tiêu, rau, quả…. phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
GS, TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam
Đẩy nhanh việc hỗ trợ địa phương xác định các vùng bảo đảm điều kiện sản xuất hữu cơ, ưu tiên theo hướng phát triển tập trung, quy mô hàng hóa gắn với các sản phẩm lợi thế; tăng cường các hoạt động kết nối sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…