Thủ tướng đôn đốc Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 138/CĐ-TTg về việc thực hiện Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Công điện gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thủ tướng đôn đốc Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý ảnh 1
Thủ tướng đôn đốc Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý

Công điện nêu:

Thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về việc đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý (sau đây gọi là Đề án 213).

Công tác Tổng kiểm kê đối với tài sản công là nhiệm vụ chính trị lớn của cả nước để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, sử dụng, khai thác, huy động có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Thông qua công tác Tổng kiểm kê và tổng hợp số liệu kiểm kê cho phép tổng hợp, đánh giá thực trạng tài sản và công tác quản lý, sử dụng tài sản công; từ đó hoàn thiện chính sách, pháp luật và công tác tổ chức quản lý tài sản công, phục vụ xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và báo cáo về tài sản, báo cáo tài chính nhà nước của quốc gia cũng như từng Bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Căn cứ Đề án 213 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động tổ chức triển khai thực hiện; đến nay, cơ bản bảo đảm tiến độ theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch do Bộ Tài chính ban hành. Thông qua công tác triển khai, nhiều Bộ, ngành, địa phương, đơn vị và người đứng đầu đã nhận thức được vai trò của công tác Tổng kiểm kê tài sản công đợt này, coi đây là giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về phòng, chống lãng phí, thất thoát của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Cơ bản các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn tất công tác chuẩn bị Tổng kiểm kê (thành lập Ban Chỉ đạo Tổng kiểm kê, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Tổng kiểm kê, ban hành Kế hoạch, tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm kê, nghiệp vụ tổng hợp số liệu kiểm kê; ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc chuẩn bị kiểm kê, hạch toán tài sản…). Tại một số Bộ, ngành, địa phương, Lãnh đạo Bộ, cơ quan trung ương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp tham dự và chỉ đạo các Hội nghị tập huấn triển khai công tác Tổng kiểm kê. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã phân công cụ thể trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn công tác Tổng kiểm kê theo lĩnh vực, địa bàn, đơn vị cho các thành viên Ban Chỉ đạo, các Sở, ngành, cán bộ chuyên quản; gắn kết quả thực hiện công tác kiểm kê với việc đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức,…

Tuy nhiên, việc Tổng kiểm kê theo Đề án 213 là nhiệm vụ lớn, lần đầu thực hiện với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc với nhiều loại tài sản khác nhau, được hình thành qua nhiều thời kỳ, thời gian diễn ra Tổng kiểm kê trùng với thời gian tổ chức nhiều sự kiện lớn của đất nước. Trong khi đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đầy đủ, chưa chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.

Để đảm bảo hoàn thành công tác Tổng kiểm kê tài sản công theo nhiệm vụ được Quốc hội giao, cần có nhận thức đúng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kiểm kê của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác Tổng kiểm kê tài sản công theo Đề án 213; tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

1. Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa ban hành Kế hoạch Tổng kiểm kê, chưa tập huấn Tổng kiểm kê có trách nhiệm ban hành kế hoạch, tổ chức hướng dẫn, tập huấn đầy đủ các nội dung của Đề án, các chỉ tiêu kiểm kê, việc tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm kê đến toàn bộ đối tượng thực hiện kiểm kê thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Thời gian hoàn thành: Trước ngày 23/12/2024.

2. Bám sát Đề án 213, Kế hoạch triển khai Đề án Tổng kiểm kê tài sản công do Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương ban hành để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định, bảo đảm đạt và vượt tiến độ, không để xảy ra tình trạng chậm, muộn làm ảnh hưởng tới kết quả, tiến độ Tổng kiểm kê của cả nước. Lấy kết quả Tổng kiểm kê làm cơ sở đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện Tổng kiểm kê. Phê bình, nhắc nhở và xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không chấp hành, chấp hành không nghiêm kế hoạch và các quy định liên quan đến Tổng kiểm kê.

3. Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát, tăng cường công tác hạch toán, quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm kiểm kê đầy đủ tài sản hiện có, thông tin về tài sản được kiểm kê đầy đủ, chính xác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Gắn công tác kiểm kê tài sản công với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ngay trong quá trình kiểm kê, nếu phát hiện tài sản không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả thì phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, không chờ đến khi kết thúc Tổng kiểm kê, bảo đảm tài sản công được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

Đối với các Bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị khác do sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính vẫn phải thực hiện nhiệm vụ Tổng kiểm kê đến khi chính thức sáp nhập, hợp nhất, chia tách, kết thúc hoạt động, đồng thời có trách nhiệm bàn giao các công việc đã và đang triển khai cho Bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị mới; Bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất, chia tách, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai tiếp các công việc còn lại, bảo đảm việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện Đề án 213, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

4. Giao Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện Tổng kiểm kê của các Bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra việc thực hiện tổng kiểm kê, báo cáo kết quả Tổng kiểm kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, tập trung vào các đối tượng có quy mô tài sản và số lượng đơn vị kiểm kê lớn, tài sản phức tạp, tiến độ triển khai chậm. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo Đề án 213 có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình hướng dẫn thực hiện Tổng kiểm kê và tổng hợp số liệu Tổng kiểm kê.

5. Giao Bộ Tài chính cập nhật thường xuyên tiến độ thực hiện Tổng kiểm kê của cả nước, của từng Bộ, ngành, địa phương, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời tổng hợp số liệu Tổng kiểm kê và đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu và tổ chức quản lý nhằm phát huy kết quả Tổng kiểm kê, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, báo cáo cấp có thẩm quyền.

6. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo kiểm kê của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng báo cáo kết quả Tổng kiểm kê theo Đề án 213, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền/.

baochinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Niềm vui ở thôn người Dao

Niềm vui ở thôn người Dao

Cách đây khoảng 10 năm, thôn Vĩ Kẽm, xã Trịnh Tường (trước đây là xã Cốc Mỳ) từng được nhiều người biết đến là điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng với cây chuối, thảo quả. Tuy nhiên, do hai loại cây này giờ đây không còn phù hợp, đồng bào Dao tuyển đã mạnh dạn chuyển đổi sang cấy lúa Séng cù, trồng quế, khoai môn, góp phần nâng cao thu nhập.

Sân chơi khơi dậy khát vọng khởi nghiệp thanh niên nông thôn

Sân chơi khơi dậy khát vọng khởi nghiệp thanh niên nông thôn

Cuộc thi ‘Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn’ năm 2025 là sân chơi đặc biệt do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức nhằm khuyến khích thanh niên nông thôn phát huy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc yêu cầu giải quyết dứt điểm các vướng mắc của Dự án 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc yêu cầu giải quyết dứt điểm các vướng mắc của Dự án 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên

Ngày 16/7/2025, Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực địa và có buổi làm việc với các xã Khánh Hòa, Mường Lai, Lục Yên, Lâm Thượng, Tân Lĩnh nhằm đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.

Về miền gạo đặc sản

Về miền gạo đặc sản

Tri thức canh tác lúa nước truyền thống của đồng bào các dân tộc cùng địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước tưới đặc biệt đã giúp tỉnh Lào Cai sở hữu những vùng chuyên canh lúa đặc sản nổi tiếng.

Giải bài toán “được mùa, rớt giá”

Giải bài toán “được mùa, rớt giá”

Xã Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đang bước vào chính vụ thu hoạch lê VH6 - giống lê ôn đới được coi là đặc sản vùng cao. Năm nay, sản lượng tăng mạnh nhưng giá bán giảm, đặt ra thách thức lớn trong việc tìm đầu ra ổn định cho người trồng và chính quyền địa phương.

VinFast VF 3 dễ mua hơn xe máy?

VinFast VF 3 dễ mua hơn xe máy?

Hội tụ đủ ba tiêu chí thiết thực: Mua dễ nhờ ưu đãi chồng ưu đãi, lái dễ vì xe nhỏ gọn, và chi phí sử dụng cực thấp, VinFast VF 3 đang trở thành lựa chọn hàng đầu để người trẻ “lên đời” 4 bánh.

fb yt zl tw