Trước những trò chơi như Momo hướng dẫn trẻ em tự sát, chuyên gia cho rằng, phụ huynh nên dành thời gian trò chuyện, phân tích những mối nguy hiểm...
Nhiều phụ huynh Việt Nam đang không khỏi hoang mang, lo lắng, khi phát hiện ra rằng Youtube có nhiều video chứa các nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát, trong đó có thử thách Momo.
Những ngày gần đây, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng khi YouTube xuất hiện clip hướng dẫn chơi game có nội dung ghê rợn có tên "Thử thách Momo". Cụ thể, nhân vật ghê rợn là một người phụ nữ đầu người mình gà với mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi hướng dẫn người chơi cách tự làm hại bản thân, xúi giục tự sát.
Momo xuất hiện trong một đoạn phim về chú heo Peppa Pig và xúi nhân vật này tự sát. |
Trong thực tế, game này đã được giới truyền thông cảnh báo từ năm 2018 nhưng gần đây lại xuất hiện trên YouTube dưới dạng clip đề xuất cho người dùng xem.
Nhìn nhận về thử thách tự sát kinh dị Momo, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững-cho rằng, trò chơi xúi giục hành hạ thân thể hay tự sát trên mạng không phải là mới. Trước đây, cộng đồng đã dậy sóng vì “Cá voi xanh”, nay là Momo. Đây là những trò chơi vô cùng nguy hiểm cho trẻ em.
Trẻ em vốn có tâm hồn non nớt và chưa có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, trò chơi này “đánh” vào tâm lý vừa thích khám phá của các em nhỏ. Vì vậy, trò chơi tự sát Momo dễ dàng xâm chiếm và điều khiển hành vi của trẻ em.
“Không chỉ là người làm xã hội, mà rất nhiều phụ huynh khác rất lo lắng và xen lẫn tức giận về trò chơi này. Những nhân vật tên Momo trong chuyện tranh Ehon Nhật Bản hay Peppa Pig vốn là nhân vật rất dễ thương, nhân văn. Tuy nhiên, nó đã bị lợi dụng làm hình ảnh cho một trò chơi nguy hiểm”, bà Linh trăn trở.
Trước những nguy hại của các trò chơi trên mạng, bà Nguyễn Phương Linh khuyên phụ huynh nên kiểm tra xem con mình có đang xem kênh Youtube nào: “Nếu con xem Youtube, hãy đảm bảo con xem kênh Youtube Kids – bởi kênh này có nhiều biện pháp kiểm soát an toàn hơn so với kênh Youtube dành cho người lớn. Bạn có thể cùng con đặt 1 Playlist các chương trình mà con thích xem và có thể bật chức năng kiểm soát của phụ huynh để có thể biết con đang xem gì và tìm kiếm gì, cũng có thể tắt chức năng tìm kiếm đối với trẻ nhỏ hơn. Hãy nói với trẻ bạn đang cố gắng bảo vệ con an toàn chứ không phải kiểm soát con, nếu có những chương trình nào con muốn xem và đưa thêm vào Playlists, con hãy chia sẻ cùng bố mẹ. Nếu con gặp phải chương trình nào đó khiến con cảm thấy bối rối, lo lắng, con hãy chia sẻ cùng bố mẹ ngay và bố mẹ hứa sẽ không tức giận mà cùng con phân tích xem đó có phải là chương trình nên xem hay không.”.
Chuyên gia này cũng cho rằng, phụ huynh dù lo lắng cũng không nên tịch thu các thiết bị công nghệ của trẻ hay là cấm trẻ sử dụng Internet. Sự cấm đón không giúp ích cho trẻ, cũng không phải giải pháp lâu dài, mà đôi khi còn mang lại những phản ứng ngược chiều không mong muốn.
“Phản ứng tốt nhất lúc này là “đối mặt với thách thức” - bố mẹ cần tỉnh táo tìm hiểu về “Thử thách Momo” chính bố mẹ có thể là người cung cấp thông tin đáng tin cậy cho các con chứ không phải là ai khác. Hãy nói chuyện với con và hỏi con: Con cảm thấy thế nào nếu chương trình con yêu thích bỗng nhiên có những hình ảnh đáng sợ (có thể cho con xem khuôn mặt Momo) hoặc khuyên con những lời khuyên xấu – để con cảm thấy sợ hãi hay làm đau bản thân? Có những bạn đã xem và lo lắng, sợ hãi, tự làm hại mình, con nghĩ thế nào? Cho con biết nếu con cảm thấy buồn, lo lắng hay sợ hãi thì đó là một phản ứng không tốt, cảnh báo cho con biết có điều gì đó không ổn. Cũng rất hữu ích khi không chỉ hỏi cảm xúc của con, bố mẹ cũng chia sẻ cảm xúc của mình để tạo nên sự đồng cảm. Hãy hỏi con là: Nếu con là bố mẹ, con sẽ cảm thấy thế nào nếu con mình xem các chương trình không tốt, trở nên lo lắng, sợ hãi hoặc tự làm hại mình? Hãy nói với con rằng bạn sẽ rất buồn. Và giải thích rõ ràng cho con rằng, khi con gặp những điều không ổn, những cảm xúc không rõ ràng nhưng khiến con phân vân, con nên ngừng xem và nói chuyện với bố mẹ để bố mẹ cùng con kiểm tra xem đó có phải là chương trình con nên xem hay không. Hãy hứa là bạn không tức giận hay “doạ nạt” trẻ và mà cho trẻ biết rằng bố mẹ đang ở đây để nói chuyện, để đồng hành và để cùng con tìm giải pháp”, bà Linh đưa ra lời khuyên.
Còn theo Chuyên gia tâm lý, PGS.TSTrần Thành Nam, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), trẻ dưới tuổi vị thành niên thường có suy nghĩ tiêu cực, bốc đồng, chưa thể cân nhắc kỹ. Các em cũng có tâm lý nghĩ rằng bản thân đã trường thành, muốn làm những điều khác biệt, muốn khẳng định bản thân, làm những điều người khác không dám làm. Cũng bởi vậy, các em có xu hướng khám phá, thậm chí có thể làm những thứ lệch chuẩn để thể hiện.
Theo ông Trần Thành Nam, cách tốt nhất để bảo vệ con là bố mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho con, tìm hiểu xem con có những hoạt động gì trên mạng, tương tác với ai. Từ đó giúp con nhận diện được những tình huống không an toàn với trẻ.
Chuyên gia này nhấn mạnh, bố mẹ nên tự tìm hiểu thông tin, từ đó dạy con cách ứng phó với những thông tin không phù hợp trên mạng. Dạy con kỹ năng để biết cách ứng phó với từng tình huống. Quan trọng nhất, cần tạo cho con thói quen chia sẻ, để con sẵn sàng nói ra những điều gặp phải, không giấu diếm. Muốn vậy bố mẹ phải nói chuyện với con hàng ngày. Những sai lầm của trẻ, bố mẹ cần xử lý một cách tế nhị để con thấy rằng đây là cơ hội để con học tập và phát triển chứ không phải trách móc.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, rất khó để biết rằng trẻ đang có những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng đây lại là điều quan trọng để bảo vệ con khỏi những nguy hiểm. Những thay đổi bất thường trong tâm lý trẻ thường chỉ biểu hiện thông qua hành vi hàng ngày, hoặc cảm xúc của con trước một vấn đề gì đó. Nếu trước đây trẻ có những mối quan tâm đến các vấn đề nhất định, nhưng giờ đây lại không có hứng thú nữa, thì rất có thể đã có sự thay đổi về cảm xúc, suy nghĩ. Hay đơn giản, phụ huynh có thể chú ý đến phản ứng của trẻ trước những sự việc xảy ra, các tình tiết của một bộ phim, hay chú ý xem trẻ có thường xuyên bình luận về một vấn đề gì đó tiêu cực, lệch lạc hay có quan điểm tiêu cực hơn... Các bậc phụ huynh cần quan tâm và chia sẻ với con thường xuyên để giúp con phát triển tốt, an toàn./.