Mục tiêu đặt ra là thu hút tổng vốn đầu tư trung bình mỗi năm khoảng 2,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khu vực này sẽ được cấp thị thực 10 năm.
Ủy ban chính sách hành lang kinh tế phía Đông cho biết, mục tiêu của kế hoạch là nâng mức đầu tư thực tế vào khu vực hành lang kinh tế phía Đông trong giai đoạn 2023 - 2027 lên 14 tỷ USD, tăng khoảng 1,3 lần so với mục tiêu hiện nay.
Thái Lan cũng mong muốn tăng tổng vốn đầu tư vào các tỉnh nằm trong hành lang kinh tế phía Đông lên 6,3%, đồng thời cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương và thúc đẩy sự bền vững về môi trường.
Ngoài ra, Ủy ban chính sách hành lang kinh tế phía Đông đã thông qua việc cấp thị thực đặc biệt, cho phép các nhà đầu tư với công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường đầu tư vào những ngành mục tiêu được đưa lao động nước ngoài vào nước này theo chương trình thị thực hành lang kinh tế phía Đông.
Theo đó, các nhà đầu tư, nhà quản lý, chuyên gia và người thân sẽ được hưởng những lợi ích đáng kể, bao gồm thuế suất thuế thu nhập cá nhân cố định ở mức 17%, thời hạn thị thực tối đa 10 năm theo hợp đồng lao động, sử dụng làn ưu tiên tại sân bay quốc tế trong cả nước, bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2024.
Hành lang kinh tế phía Đông là kế hoạch đầu tư quan trọng nhất của Chính phủ Thái Lan với mục tiêu xây dựng khu vực phía Đông của nước này trở thành trung tâm công nghệ, chế tạo, dịch vụ và được kết nối với các nước láng giềng ASEAN. Các lĩnh vực trọng tâm thu hút đầu tư vào khu vực này gồm dịch vụ y tế, kỹ thuật số, xe điện, công nghệ sinh học, nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.