Tân Hóa ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là 1 trong 260 ngôi làng được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là "Làng du lịch tốt nhất thế giới" năm 2023 nhờ vào việc giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống.
Du lịch giữa vùng rốn lũ
Làng nằm trong thung lũng, được bao bọc bởi núi đá. Mùa lũ hằng năm, nước dòng sông Rào Nan ào ào đổ về như thác dữ. Nước dâng cao, biến Tân Hóa thành một cái túi đựng nước. Người dân chỉ kịp mang theo vài vật dụng rồi tháo chạy lên những lèn đá trú ẩn. Khi trở về, nhà cửa ngập ngụa trong bùn đất, cơ ngơi của họ dường như mất trắng. Trận lũ lịch sử năm 2010, mực nước dâng cao tới 12 m đã nhấn chìm toàn bộ làng và cũng từ đó, Tân Hóa được mệnh danh là "vùng rốn lũ".
Năm 2011, nghĩ cách sống chung với lũ, người dân đã kết khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng lại, cố định thông qua 4 cọc ở 4 góc thành nhà phao. Mùa lũ đến, nhà phao nổi lên theo nước, người dân vẫn sinh hoạt bình thường cùng mưa lũ.
Ngôi nhà phao của ông Trương Xuân Dương (60 tuổi, thôn 1 - Yên Thọ) và các hộ dân khác ở Tân Hóa hiện không chỉ là nhà chống lũ mà đã được cải hoán thành một phòng homestay cho khách du lịch thuê với đầy đủ tiện nghi, thích ứng với mọi hoàn cảnh thời tiết. Khách du lịch hòa mình vào cuộc sống của người dân trải nghiệm du lịch mùa mưa lũ. Từ đó, mỗi hộ dân có thêm từ 7-10 triệu đồng/tháng nhờ vào việc đón khách và cung ứng dịch vụ ăn nghỉ. Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, nói đến thời điểm này, toàn xã có gần 620 nhà phao, bảo đảm 100% các hộ dân có thể thích ứng, an toàn và sống chung với lũ. Người Tân Hóa tự hào có rừng, có hang động đẹp và nổi tiếng. Ở đây cũng có nét văn hóa bản địa của người Nguồn với những làn điệu dân ca hò thuốc cá: "Trông chi cho đến mùa bồi, có con ốc đực nó ngồi trên mâm", "Trời mưa nước chảy quanh hồi/Anh không lấy vớ (vợ) ai đâm bồi anh ăn".
Cảnh sắc tuyệt đẹp, ẩm thực độc đáo
Làng Tân Hóa có hơn 3.300 người, tập trung chủ yếu là người Nguồn với ngôn ngữ cùng các nét sinh hoạt văn hóa độc đáo.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Tân Hóa cảnh sắc có một không hai, gồm hệ thống hang động ẩn sâu trong cánh rừng. Nhiều hang động đẹp với khối thạch nhũ vô cùng tráng lệ như: Tú Làn, hang Tiên, hang Chuột, Hung Ton… đã xuất hiện trên các tạp chí du lịch thế giới Lonely Planet, CNN Travel. Khu rừng lim, cảnh làng mạc bình yên bên những con trâu cúi mình gặm cỏ, những cánh đồng ngô xanh thẳm hay dãy đá vôi trùng điệp đã trở thành địa điểm quay nhiều bộ phim, nổi bật là phim bom tấn Hollywood "Kong: Skull Island".
Những ngày cận Tết, người dân Tân Hóa hối hả chuẩn bị các món ngon truyền thống của địa phương để phục vụ khách du lịch. Trong đó, cơm bồi và mắm thính là món ăn đặc sản không thể thiếu trong dịp Tết, các lễ hội và những khi đãi khách quý.
Nguyên liệu dùng để chế biến cơm bồi là hạt bắp, lúa và có thêm cả sắn trộn lẫn với nhau. Người dân sau khi ngâm hạt vào nước sôi khoảng 2-3 giờ rồi vớt ra bỏ vào cối giã thành bột. Sau đó, họ bỏ bột vào bếp lửa để nấu khoảng 1 giờ. Khi cơm bồi chín, đưa xuống bỏ vào khuôn đóng thành từng miếng để ăn. Món bồi này được bà con dùng ăn với món ốc đực bắt ở suối và cá rừng cùng canh khoai lang.
Mắm thính của người Tân Hóa lấy từ nguồn nguyên liệu là các loài cá khe, sông suối như: cá chép, cá trắm, cá rô... Bà Trần Thị Hoa (52 tuổi) có thâm niên làm mắm thính từ 30 năm nay tiết lộ bà đã chuẩn bị nguyên liệu để làm hàng trăm miếng cơm bồi cùng nhiều hũ mắm thính phục vụ du khách. "Qua bao đời đúc kết, với những "bí quyết" được trao truyền của ông cha để lại, chúng tôi đã làm ra món mắm thính từ cá nước ngọt thơm ngon, đậm đà mà ai đã từng một lần được thưởng thức thì nhớ mãi không quên. Tết này, tôi dự định sẽ làm 100 hũ mắm thính để phục vụ du khách. Họ có thể mua làm quà biếu tặng, để ăn với cơm vào những ngày trời lạnh" - bà Hoa cho biết.
Trải qua bao thăng trầm, món cơm bồi và mắm thính của người Tân Hóa ngày nay vẫn vẹn nguyên hương vị truyền thống riêng có. Không chỉ những ngày mưa lũ, trong mâm cơm sum họp gia đình những ngày lễ, Tết, giỗ, chạp… của người Tân Hóa bao giờ cũng có món cơm bồi, mắm thính để tỏ lòng hiếu kính với ông bà, tổ tiên.
Công ty Chua Me Đất (Oxalis) là đơn vị đặt nền móng cho du lịch Tân Hóa vào năm 2010 và đang cùng tỉnh Quảng Bình xây dựng chiến lược phát triển từng bước vững chắc cho Tân Hóa. Theo ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis, các tour du lịch hấp dẫn này đã giúp Tân Hóa đón hơn 10.000 khách du lịch trong 10 tháng đầu năm 2023. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Tân Hóa sẽ lên kế hoạch phối hợp với Công ty Oxalis tổ chức các tour tham quan dịp Tết. Ngoài những địa điểm làng quê, hang động đẹp thì đẩy mạnh chế biến các món ẩm thực văn hóa địa phương phục vụ du khách khi về Tân Hóa "ăn" Tết. Ngoài 2 món chủ đạo như đã nêu trên, sẽ có nhiều món ăn khác mang hương vị núi rừng như: mật ong, cá khe, ốc khe, rau rừng, khoai mài… kỳ vọng sẽ hấp dẫn du khách dịp Tết.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho hay sẽ từng bước xây dựng làng du lịch Tân Hóa thành mô hình du lịch thích ứng thời tiết kiểu mẫu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc tạo lập các sản phẩm du lịch thích ứng với các điều kiện thời tiết thì đây cũng là mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Doanh nghiệp hỗ trợ tiếp thị, kinh doanh trong khi cộng đồng tạo thêm giá trị bền vững để cùng nhau phát triển, từng bước hoàn thiện và đa dạng hóa các dịch vụ tại Tân Hóa nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Ông Trương Xuân Đô (72 tuổi) được ví như "mãnh hổ" giữ rừng lim. Dù chẳng ai trả bất cứ đồng lương nào để giữ rừng lim nhưng ông tình nguyện bảo vệ rừng lim bằng mọi giá. Nhờ vậy, cánh rừng lim phía sau nhà ông vẫn nguyên vẹn gỗ quý và trở thành một tour du lịch mang tên "Khám phá rừng lim - Ngôi nhà của Kong" bằng xe địa hình 4 bánh. Đây là tour du lịch hấp dẫn nhiều du khách đến với Tân Hóa.