Nhớ hương vị quê hương
8 năm xa quê Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Hiền (36 tuổi), một công nhân làm việc tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Thuận An, Bình Dương vẫn luôn canh cánh nỗi nhớ về hương vị quê nhà, nhớ cái rét đầu năm và những cơn mưa xuân.
Năm nay, ước nguyện đưa hai con về quê thăm ông bà của chị lại một lần nữa dang dở vì điều kiện kinh tế khó khăn. Cả gia đình chị lại lỡ hẹn với quê hương và người thân.
Với ánh mắt đượm buồn, chị Hiền nghẹn ngào chia sẻ, hai vợ chồng chia tay nhau nên một mình chị phải gồng gánh nuôi hai con nhỏ. Năm nay, chị rất muốn đưa các con về quê nhưng không đủ chi phí nên ước muốn đó đành phải gác lại.
Nhìn các con háo hức mong chờ Tết, chị xót xa lắm. Chị hứa với các con rằng, năm sau mình sẽ cố gắng hơn để cả nhà cùng về quê đón Tết.
“Cũng buồn cũng nhớ quê nhưng do hoàn cảnh nên đành chịu. Ba với anh chị cũng điện thoại hỏi sao không về quê chơi. Tết cũng điện thoại chúc Tết nên đỡ buồn hơn. Tôi mong muốn sang năm sau có thể về quê với ông bà vì khá lâu chưa về”, chị nói.
Trong căn phòng trọ nhỏ tại phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương, gia đình anh Nguyễn Văn Luyện (41 tuổi, quê Thái Bình) đang trải qua một cái Tết xa quê đầy xúc động.
Dù có việc làm và thu nhập ổn định, nhưng với gánh nặng gia đình, 3 năm nay, anh và vợ vẫn chưa thể thực hiện được mong ước đưa cả nhà về quê ăn Tết. Mỗi dịp Tết đến, nhìn người người nhà nhà sum vầy, anh lại càng thêm nhớ quê da diết.
Anh Luyện bộc bạch, cuộc sống cứ thế trôi qua, ước mong về một cái Tết sum vầy bên gia đình vẫn còn dang dở: “Tết mọi người quây quần bên gia đình, họ hàng mà mình xa quê cũng thèm cảm giác đó nhưng điều kiện không cho phép. Nhiều khi con đòi về ông bà ngoại nhưng ba mẹ nói quê ở xa và cứ nói vậy cho qua chuyện”.
Cùng nhau đón tết
Câu chuyện của chị Hiền và anh Luyện cũng là câu chuyện của biết bao công nhân đang làm việc xa quê. Họ đều mang trong mình nỗi nhớ nhà, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ phải tạm gác lại những khát khao đoàn tụ.
Theo thống kê, năm nay, Bình Dương có hơn 500.000 công nhân ở lại đón Tết. Hiểu được nỗi niềm của những người lao động xa quê, các cấp hội đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để mang đến một cái Tết ấm áp cho công nhân. Một trong những hoạt động được hưởng ứng nhiệt liệt là chương trình "Mâm cơm ngày Tết".
Có lẽ đêm 25/1 (tức 26 tết) là một ngày vui khó tả đối với công nhân ở trọ tại phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một khi tất cả mọi người được quây quần bên nhau trong chương trình “Mâm cơm ngày Tết” do Phường đoàn Phú Lợi tổ chức.
Những món ăn như: thịt kho tàu, bánh chưng, củ kiệu, cá nướng… mang đậm hương vị Tết cổ truyền lần lượt được dọn lên để tất cả cùng thưởng thức. Hòa trong tiếng cười, lời chúc Tết vui tươi, công nhân còn được tham gia trò chơi bốc thăm trúng thưởng. Không khí ấm cúng, thân thiện đã xua tan đi phần nào nỗi nhớ nhà của những người xa quê.
Ông Nguyễn Công Lý, Bí thư Thành đoàn Thủ Dầu Một cho biết, chương trình “Mâm cơm ngày Tết” được Thành đoàn phát động trên toàn địa bàn thành phố và tổ chức ở các chi hội thanh niên công nhân nhà trọ.
“Với ý nghĩa tổ chức bữa cơm để mời tất cả anh chị em công nhân, các em thiếu nhi để khích lệ tinh thần anh chị không đủ điều kiện về quê đón Tết. Bữa cơm để ngồi lại, ôn lại chia sẻ những kỷ niệm vui, chưa vui và chuẩn bị tinh thần tốt nhất, mới nhất để đón chào năm 2025 với nhiều niềm vui mới", ông Lý nói.
Với phương châm "Tất cả công nhân đều có Tết", bên cạnh những phần quà trao tay từ ngân sách tỉnh, các cấp công đoàn còn phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện các chương trình bán hàng bình ổn giá, phiên chợ công nhân… tạo điều kiện cho người lao động mua sắm Tết bảo đảm chất lượng, không lo về giá. Song song đó là các hoạt động văn hóa, văn nghệ đem lại sân chơi vui vẻ cho công nhân dịp Tết.
Ông Phạm Trọng Nhân, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh khẳng định, không chỉ chăm lo dịp Tết mà xuyên suốt các hoạt động cũng sẽ hướng về người lao động. Từ đó giúp họ có được cuộc sống, công việc ổn định và an tâm gắn bó với Bình Dương.
“Chúng tôi sẽ sát cánh cùng với lãnh đạo tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động để làm sao có những hoạt động thiết thực. Không chỉ bảo vệ, chăm lo mà còn tìm hiểu hoàn cảnh của người lao động để có những kiến nghị với các cấp lãnh đạo, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhằm có những cách chăm lo tốt hơn”, ông Nhân nói.
Không chỉ các cấp chính quyền và doanh nghiệp quan tâm, mà ngay tại các khu nhà trọ, công nhân cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Những ngày Tết, các chủ nhà trọ thường mang quà đến tận phòng trọ, thăm hỏi và chúc Tết những người công nhân xa quê.
Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa này đã mang đến niềm vui bất ngờ cho những người đang phải xa nhà. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm của chủ nhà trọ mà còn góp phần tạo nên một không khí cộng đồng đoàn kết, từ đó làm cho mùa xuân thêm ấm áp, nghĩa tình. Tết xa nhà tuy có nhiều thiệt thòi, nhưng với sự sẻ chia của cả hệ thống chính trị và cả cộng đồng, người lao động vẫn cảm nhận được sự ấm áp và có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với mảnh đất Bình Dương.