Đó là một trong những nội dung của Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 6/11/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình giao thông nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025.
Chỉ thị nêu rõ: Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự đồng hành của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của UBND tỉnh cùng với nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương đã đạt được những thành tựu nhất định, đặc biệt là chương trình xây dựng hoàn thiện và nâng cao hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã, đường giao thông nông thôn kết nối liên xã, liên huyện.
Tính riêng trong 9 tháng năm 2023, Nhân dân các địa phương trong tỉnh đã làm được 750,38 km đường giao thông nông thôn, trong đó đổ bê tông xi măng được 407,58 km, cấp phối 137,86 km, mở mới 186,8 km; người dân tự thực hiện cứng hóa đường trục thôn, ngõ xóm và liên gia được 18,14 km. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn còn một số tồn tại, hạn chế, như tiến độ giải ngân chậm, một số công trình có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, chất lượng chưa đảm bảo.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các nội dung:
Sở Giao thông vận tải - Xây dựng:
Rà soát, bổ sung hướng dẫn (nếu cần) công tác quản lý chất lượng, giám sát thi công xây dựng công trình theo nội dung Nghị định 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quản lý, giám sát thực hiện công tác tổ chức quản lý chất lượng, giám sát thi công xây dựng công trình của các chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Đôn đốc, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện công tác xây dựng và quản lý bảo trì công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh và thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tham gia ý kiến về phương án xử lý đối với các hạng mục, công trình không đảm bảo chất lượng sau khi thực hiện công tác kiểm định chất lượng theo đề nghị, yêu cầu của UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm cung cầu, kiểm soát giá vật liệu, nhân công xây dựng.
Chủ trì, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo định kỳ công tác quản lý chất lượng, tiến độ, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo gửi UBND tỉnh trước ngày 20 hằng tháng.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng thi công xây dựng công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn quản lý và tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Chỉ đạo phòng kinh tế - hạ tầng, quản lý đô thị theo dõi, hướng dẫn (nếu cần), đôn đốc UBND xã quyết liệt, chủ động tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm định xây dựng đối với các công trình đường giao thông nông thôn đã hoàn thành nhưng chưa thực hiện thí nghiệm vật liệu, cấu kiện xây dựng trước và trong quá trình thi công; tổ chức thực hiện công tác thí nghiệm, kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt trước và trong khi thi công xây dựng công trình làm cơ sở nghiệm thu, thanh toán theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải - Xây dựng.
Chỉ đạo phòng kinh tế - hạ tầng, quản lý đô thị tăng cường thực hiện hướng dẫn các công tác: Thiết kế, quản lý chất lượng trong quá trình thi công, giám sát thi công xây dựng, nghiệm thu, hoàn công công trình cho chủ đầu tư, ban quản lý xã, ban giám sát cộng đồng xã và nhà thầu thi công; triển khai thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và hoàn thành công trình của cơ quan chuyên môn xây dựng theo phân cấp. Trực tiếp tham mưu cho UBND cấp huyện hướng dẫn các chủ đầu tư có phương án xử lý đối với các hạng mục, công trình không đảm bảo chất lượng theo thiết kế sau khi thực hiện công tác kiểm định chất lượng.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, giám sát thi công xây dựng công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn và các quy định khác.
Có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cố tình né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám triển khai thực hiện, gây khó khăn, cản trở, làm ảnh hưởng đến chất lượng, làm chậm tiến độ xây dựng công trình. Kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý chất lượng đầu tư xây dựng công trình.
Thực hiện báo cáo định kỳ công tác quản lý chất lượng, tiến độ, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo gửi về Sở Giao thông vận tải - Xây dựng và UBND tỉnh trước ngày 15 hằng tháng.
Đối với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan:
Theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện thi công xây dựng công trình đường giao thông nông thôn. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác giám sát, đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả thực hiện xây dựng công trình đường giao thông nông thôn. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt; đồng thời, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện.