Lào Cai đang hướng tới trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các loại nông sản chủ lực được chứng nhận đạt chuẩn, phục vụ thị trường xuất khẩu. Để làm được điều đó, bên cạnh các yếu tố kỹ thuật thì vật tư đầu vào, trong đó có phân bón cũng bắt buộc là các sản phẩm hữu cơ. Bởi vậy, người dân tại các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh đang dần thay đổi thói quen canh tác, thay việc sử dụng phân bón vô cơ (hóa học) sang các loại phân hữu cơ.
Vùng sản xuất chè hàng hóa tại Bảo Yên là một ví dụ điển hình. Đây là một trong những nội dung được thực hiện lồng ghép với mô hình sử dụng chế phẩm sinh học cho cây chè tại các xã trọng điểm trồng chè như: Việt Tiến, Lương Sơn, Xuân Hòa... Thực hiện mô hình này, 80 hộ trồng chè đã sử dụng phân chuồng ủ hoai thay cho phân bón hóa học để bón cho cây chè; sử dụng đạm cá (một loại phân bón hữu cơ sinh học) bón lá thay cho các loại phân đạm. Để phòng, trừ sâu bệnh hại, các chế phẩm sinh học cũng được sử dụng để thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Diện tích đang áp dụng mô hình này là 18,5 ha. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên, mô hình sử dụng chế phẩm sinh học, đạm cá làm tăng năng suất, búp chè đẹp hơn. Trên các giống chè lai, năng suất tăng hơn 20%, chè chất lượng cao tăng 10 - 15%.
Tương tự như vùng chè tại Bảo Yên, các vùng chè hữu cơ như Tả Thàng (Mường Khương), Bản Liền (Bắc Hà), người dân cũng sử dụng các loại phân bón hữu cơ cho cây trồng. Chị Sùng Sung, thôn Sú Dí Phìn, xã Tả Thàng cho biết: Ở đây gia đình nào cũng nuôi trâu, bò. Chúng tôi thường ủ phân thật kỹ rồi đem bón cho cây chứ không dùng phân bón hóa học, vì nếu dùng phân hóa học thì chè không đạt chuẩn hữu cơ, giá thấp hơn rất nhiều. Dù mất công hơn nhưng dùng phân chuồng thì đất tơi xốp hơn, cây cũng ít sâu bệnh, chè trồng theo cách này giá bán cao.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm 2023, ước tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh là 103.122 ha, trong đó diện tích một số cây trồng chính gồm: Lúa 33.318 ha, ngô 32.494 ha, chè 8.400 ha, rau các loại 15.000 ha, cây ăn quả ôn đới 4.190 ha, dứa 2.200 ha, chuối 3.380 ha, hoa 340 ha, cây dược liệu 3.800 ha. Tổng lượng phân bón cho nhu cầu sử dụng hằng năm là gần 280.000 tấn, trong đó phân vô cơ gần 150.000 tấn, phân hữu cơ sinh học hơn 8.000 tấn, phân hữu cơ các loại khoảng 137.000 tấn. Các loại phân bón hữu cơ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, được người dân ưu tiên chọn lựa, sử dụng.
Về sản xuất và cung ứng, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp sản xuất phân bón, trong đó có 2 doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ là Công ty Cổ phần Đô thị Lào Cai và Công ty Cổ phần Thương mại - Vận tải và tư vấn kỹ thuật. Mỗi năm, 2 doanh nghiệp sản xuất 1.800 tấn phân bón hữu cơ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các loại phân bón hữu cơ trong nước và nhập khẩu với 8 loại phân hữu cơ thông dụng (phân bón vô cơ có 27 loại). Hiện nay, lượng phân bón hữu cơ được sản xuất và cung ứng đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. So với phân bón vô cơ, người dân có ít sự lựa chọn hơn khi sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng, tuy nhiên nhiều người dân, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ với mục đích cải tạo đất, sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái cũng như hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nông sản hữu cơ.
Theo bà Cao Thị Hòa Bình, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ cũng góp phần cải tạo, cân bằng hệ sinh thái đất trồng, giúp cây trồng khỏe mạnh hơn, tăng khả năng chống chịu với các loại sâu, bệnh hại.
Việc sử dụng phân bón hữu cơ là một trong những phương pháp quản lý “sức khỏe” cây trồng tổng hợp, giảm thiểu được những tác động bất lợi cho cây trồng, phát huy các yếu tố nội tại để việc canh tác bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường.