Phát huy thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ

LCĐT - Lào Cai có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ như lợi thế về địa hình, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng; tập quán sản xuất và canh tác của đồng bào các dân tộc…

Nhằm phát huy lợi thế so sánh của địa phương trong phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu đến năm 2025 diện tích đạt từ 1,5% đến 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp của tỉnh. Lào Cai phấn đấu có diện tích trồng trọt hữu cơ quy mô 4.273 ha.

Phát huy thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ ảnh 1
Nông dân xã Bản Cái (Bắc Hà) thu hoạch quế.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và khoảng 2.500 hộ tham gia sản xuất hữu cơ, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực như chè, rau, quả, quế… Sản xuất hữu cơ, nhiều hộ đã có thu nhập ổn định, tạo ra những nông sản uy tín trên thị trường.

Chè hữu cơ của Hợp tác xã chè Bản Liền (Bắc Hà) có thể coi là mô hình đầu tiên đánh dấu mốc cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, với hơn 400 ha được công nhận của 310 hộ nông dân tham gia liên kết, sản xuất. Sản phẩm chè Bản Liền đã có tên trên “bản đồ” chè quốc tế, được cấp 3 chứng nhận thẩm định chất lượng từ Hoa Kỳ và EU. Trung bình mỗi năm, người dân Bản Liền xuất bán cho doanh nghiệp và thị trường nội tiêu trong nước gần 1.000 tấn chè búp tươi, mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Trung bình mỗi ha chè của hợp tác xã có thể đem lại nguồn thu từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.

Sau mô hình chè hữu cơ tại Bản Liền, sản phẩm tiếp theo được chứng nhận hữu cơ là quế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 ha quế được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc tế, góp phần đưa Lào Cai trở thành một trong những tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất cả nước. Gia đình chị Hoàng Thị Mấy, thôn Cô Tông, xã Bản Cái (Bắc Hà) có kinh nghiệm trồng quế từ nhiều năm nay. Trước đây, trong quá trình trồng, nếu muốn cây tốt hơn thì bón thêm phân đạm, phân lân, nếu thấy bị sâu sẽ phun thuốc hóa học. Sản phẩm thu về bán cho thương lái, có năm giá cao, năm giá thấp, không ổn định. Chị Mấy chia sẻ: Từ khi tham gia dự án về sản xuất hữu cơ, chúng tôi đã thay đổi cách làm, các hộ trong thôn được Tổ chức SNV, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, Công ty Sơn Hà thành lập tổ nhóm sản xuất, kinh doanh quế. Sau đó, được các cán bộ hướng dẫn cách sản xuất quế mới, không dùng phân hoá học, không dùng hóa chất. Từ lúc ươm cây con cho đến chăm sóc cây quế, rồi thu hoạch, sơ chế... đều được làm cẩn thận và bài bản hơn, sản phẩm quế của gia đình đạt tiêu chuẩn hữu cơ. “Sản phẩm của nhóm tôi đã được Công ty Sơn Hà mua và được thưởng vì làm quế sạch. Nhóm tôi thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, an tâm sản xuất, thu nhập của mỗi hộ đều tốt hơn trước”- chị Mấy cho biết thêm.

Phát huy thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ ảnh 2
Sơ chế các sản phẩm từ quế hữu cơ.

Thời gian tới, Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới; tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là 2 hiệp định thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) với các ưu đãi về thuế. Đây là điều kiện thuận lợi để các sản phẩm hữu cơ chè và quế của Lào Cai có cơ hội xâm nhập các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản… Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu cao đối với việc lựa chọn các sản phẩm sạch, hữu cơ, an toàn nên những sản phẩm này có tính cạnh tranh trên thị trường. Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ được ban hành đầy đủ và thường xuyên được rà soát, bổ sung, tạo nguồn lực, “cú hích” trong phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn phải đối mặt với khó khăn, thách thức. Các sản phẩm hữu cơ của Lào Cai đa số còn thô sơ, chưa được chế biến sâu, đầu tư về bao bì, nhãn mác và chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ tiên tiến, do vậy, khi tham gia thị trường chưa tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, sản phẩm thường bị ép giá. Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, phần lớn hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún nên khó khăn trong việc tập trung diện tích để cùng sản xuất hữu cơ; nhận thức của người sản xuất về nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế. Mặt khác, do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ thường cao gấp 4 đến 5 lần sản phẩm thường, trong khi mức sống của người tiêu dùng trong tỉnh còn thấp và nhận thức về nông nghiệp hữu cơ chưa cao...

Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh nhận định: Phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Lào Cai đang có định hướng tập trung nhóm sản phẩm chủ lực thế mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng, quản lý, giám sát mã vùng nuôi, trồng. Bên cạnh đó, đánh giá sự phù hợp của quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ và các tiêu chuẩn tương đương.

Để làm được điều này, các cơ quan chuyên môn cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ đầu vào của sản xuất hữu cơ như đất, nguồn nước, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư; xác định những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh phù hợp với điều kiện sinh thái, có thị trường tiêu thụ và có chính sách hỗ trợ của tỉnh để tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp, xây dựng các hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ (kết hợp với du lịch, nông nghiệp sinh thái) phù hợp với từng địa phương. Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, đặc biệt là những nội dung mới như quy hoạch vùng sản xuất, đào tạo, tập huấn, chứng nhận sản phẩm, ghi nhãn, mã số, mã vạch, sản phẩm hữu cơ, chỉ dẫn địa lý, sở hữu tập thể, xúc tiến thương mại, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, ưu đãi cho thuê đất...

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch lạc đỏ và quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Lạc đỏ Si Ma Cai”

Tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch lạc đỏ và quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Lạc đỏ Si Ma Cai”

Ngày 26/3, tại xã Lùng Thẩn, Hội Nông dân huyện Si Ma Cai phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch lạc đỏ và quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Lạc đỏ Si Ma Cai” cho hơn 50 hội viên nông dân xã Lùng Thẩn.

Nông dân Sơn Hải chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Nông dân Sơn Hải chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới được Hội Nông dân xã Sơn Hải (Bảo Thắng) triển khai tích cực. Từ đó, phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương.

Cấp vật tư cho các hộ tham gia mô hình trồng thâm canh dứa trái vụ/rải vụ tại xã Bản Lầu (Mường Khương)

Cấp vật tư cho các hộ tham gia mô hình trồng thâm canh dứa trái vụ/rải vụ tại xã Bản Lầu (Mường Khương)

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông và Nước sạch nông thôn đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Khương, UBND xã Bản Lầu thực hiện cấp phát vật tư mô hình trồng thâm canh dứa trái vụ/rải vụ thích ứng biến đổi khí hậu (năm thứ 2) tại xã Bản Lầu.

Xu hướng sử dụng phân bón hữu cơ

Xu hướng sử dụng phân bón hữu cơ

Nhiều nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang dùng các loại phân bón hữu cơ thay cho phân bón hóa học. Nhờ đó, vừa nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm trồng trọt, vừa giúp cải tạo, làm tăng độ phì nhiêu của đất, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Mường Khương: Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế

Mường Khương: Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế

Với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Mường Khương tập trung chăm lo, ổn định đời sống cho Nhân dân. Theo đó huyện đã thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước; triển khai hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… giúp bà con phát triển sản xuất, thoát nghèo, ổn định và nâng cao cuộc sống.

fb yt zl tw