Tính đến 6 giờ sáng 24/2, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng tại Hải Dương. Tin vui trong sáng 24/2 là đã có 43 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, cùng với việc số người được cách ly tiếp tục giảm mạnh và số bệnh nhân âm tính ít nhất một lần với virus SARS-CoV-2 tăng thêm.
Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, 2 ca mắc mới ghi nhận trong nước tại Hải Dương.
Ca bệnh 2402 - 2403 (BN2402 - BN 2403) là các trường hợp F1 liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH điện tử Poyun (thành phố Chí Linh), đều đã được cách ly tập trung trước đó.
Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế Thành phố Chí Linh).
Như vậy, tính đến 6 giờ ngày 24/2, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 2.403 ca mắc COVID-19; trong đó có 1.504 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước.
Số lượng ca mắc mới do lây nhiễm trong nước tính từ ngày 27/1 đến nay là 811 ca tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (627), Quảng Ninh (61), Hồ Chí Minh (36), Hà Nội (34), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hưng Yên (3), Hòa Bình (2), Bắc Giang (2), Hà Giang (1).
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 88.583 người (giảm gần 20.000 người so với ngày 23/2), trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 596 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.112 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 75.879 người.
Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) cho biết, đã có 43 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN1680, BN2029, BN2022, BN2020, BN2019, BN2033, BN2027, BN2028, BN1985, BN2015, BN2016, BN2035, BN2046, BN2034, BN2036, BN2080, BN1742, BN2025, BN2032, BN2023, BN2021, BN2026, BN2037, BN2031, BN2018, BN2017, BN2024, BN1904, BN1819, BN1724, BN1826, BN2067, BN1786, BN1809, BN1571, BN1602, BN1564, BN1658, BN2093, BN1805, BN2007, BN1852, BN1740.
Cùng với đó, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 ít nhất một lần là 186 ca (tăng 23 ca so với ngày 23/2).
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm yêu cầu "5K", đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất bảo đảm an toàn khi làm việc; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Vì sao chống dịch ở Hải Dương lại khó khăn?
PV:Thưa ông, quan sát tình hình dịch COVID-19 hiện nay của Hải Dương ông đánh giá như thế nào?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trước hết, tôi cho rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương cũng như các lực lượng chống dịch ở đây đã rất nỗ lực và trách nhiệm trong chống dịch lần này.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục YTDP - Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng
Việc phong tỏa ngay thành phố Chí Linh từ những ngày đầu tiên, phong tỏa huyện Cẩm Giàng từ rất sớm và ngày 16/2 thực hiện giãn cách xã hội trên toàn tỉnh đã thể hiện trách nhiệm cao của Hải Dương với cả nước.
Những quyết định đó không chỉ đơn thuần là chống dịch cho Hải Dương mà chính là để giữ an toàn cho cả nước.
Tuy nhiên những yếu tố khách quan làm cho việc chống dịch ở Hải Dương khó khăn hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước đây.
Theo tôi những khó khăn có thể nhìn thấy ngay đó là chỉ trong một thời gian rất ngắn Hải Dương đã phải tổ chức cách ly tập trung với số lượng người rất lớn.
Chưa có địa phương nào phải tổ chức cách ly tập trung lên đến 15.000 người F1 như Hải Dương hiện nay. Trong ảnh, một điểm cách ly của TP Chí Linh
Chúng tôi được biết, từ khi có dịch COVID-19 đến nay chưa có địa phương nào phải tổ chức cách ly tập trung lên đến 15.000 người F1 như Hải Dương hiện nay.
Như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói: Để chuẩn bị đón 1 chuyến bay giải cứu vài trăm người, nhiều cơ quan, đơn vị phối hợp với nhau chuẩn bị phải mất vài tuần mới đón và cách ly được 200-300 người.
Trong khi ở thành phố Chí Linh chỉ trong 24 giờ phải xử lý cách ly khẩn cấp cho hơn 2.300 công nhân để thực hiện việc khóa chặt ổ dịch thì không phải là đơn giản chút nào.
Năng lực của 1 thành phố tương đương cấp huyện, trong 1 đêm phải di chuyển vài nghìn công nhân đến địa điểm cách ly tập trung an toàn, không gây mất trật tự an ninh, thực sự là một nỗ lực rất lớn.
Năng lực xét nghiệm của Hải Dương đã gấp 20 lần so với đầu mùa dịch
Tôi cho rằng, mục tiêu lớn nhất đã đạt được là đã giữ chặt toàn bộ nhóm công nhân có nguy cơ bị lây bệnh rất cao.
Nơi mà đã có tới 176 ca bệnh dương tính được phát hiện trong cùng công ty mà không để cho họ di chuyển về các địa phương khác trong dip tết tránh được sự lây lan dịch bệnh, giữ an toàn cho cả nước là điều chúng ta phải ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Hải Dương.
Chúng ta cần có cái nhìn công bằng, khách quan cho những nỗ lực rất lớn của tỉnh địa phương về việc này.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cách ly tập trung với lượng người nguy cơ cao lớn như vậy, với năng lực và điều kiện như TP Chí Linh, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót không ai mong muốn như số lượng người trong 1 phòng quá đông, thiếu công trình vệ sinh, vấn đề vệ sinh môi trường, người quản lý phục vụ khu cách ly chưa có kinh nghiệm.
Tôi cho rằng người được cách ly cũng chắc chắn chưa có đầy đủ kiến thức về phòng chống dịch bệnh trong khu cách ly và cũng chưa thực hiện tốt những quy định mà khu cách ly yêu cầu…
Bên cạnh đó, dịch xảy ra ban đầu ở môi trường khu công nghiệp đông công nhân nên lây nhiễm cao và tạo ra mối liên quan dịch tễ lớn với cộng đồng dân cư ở nhiều huyện khác nhau trong tỉnh.
Tại huyện Cẩm Giàng, dịch xuất phát từ dịch vụ nhậy cảm karaoke nên mối liên quan dịch tễ càng lớn và việc truy vết rất khó khăn.
Số người được công bố khỏi bệnh của Hải Dương đã gần 300 người. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và đoàn công tác Bộ Y tế chúc mừng bệnh nhân và thầy thuốc
Việc dịch bùng phát nhanh, lớn, dồn dập trong một thời gian rất ngắn chưa có tiền lệ ở một tỉnh như Hải Dương sẽ rất khó đòi hỏi trong việc đáp ứng chống dịch hoàn hảo trong bối cảnh khách quan như vậy.
PV:Là người đã theo sát dịch COVID-19 từ khi xuất hiện ở nước ta, so với vụ dịch tại Đà Nẵng, tháng 7/2020, Hải Dương có gì khác thưa ông?
Dịch tại Hải Dương hiện nay là do vi rút biến chủng kiểu Anh có khả năng lây lan rất nhanh và mạnh.
Tỷ lệ người lành mang trùng rất cao, cao gấp đôi so với các vụ dịch trước đây (83%) theo công bố của Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế.
Chính vì vậy vô cùng khó khăn để giám sát phát hiện ra ca bệnh thông qua các biện pháp giám sát thông thường mà bắt buộc phải thông qua xét nghiệm diện rộng, nhanh.
Các vụ dịch trước đây tỷ lệ người lành mang trùng chỉ 35%-40%.
Tình hình dịch bệnh tại Hải Dương có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng vì tốc độ lây lan nhanh, hệ số lây nhiễm cao, thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng đào thải nhanh hơn.
Tốc độ lây lan gấp 4 lần chủng cũ. Nhưng cũng có may mắn là dịch chưa xâm nhập vào bệnh viện nên chưa có trường hợp nào tử vong như Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, ổ dịch phát hiện muộn cả ở Chí Linh và Cẩm Giàng nên đã gây ra sự lây nhiễm lớn.
Ngay bản thân khu cách ly cũng đã có nhiều trường hợp đã bị lây nhiễm và dễ lây lan ra các trường hợp khác cùng khu cách ly nếu thực hiện cách ly không nghiêm ngặt.
Điều đặc biệt, dịch xảy ra vào dịp cận Tết và Tết, mật độ đi lại đông nên lại càng khó khăn cho Hải Dương trong công tác chống dịch hơn.
PV:Xin cảm ở PGS. Trần Đắc Phu về cuộc phỏng vấn