LCĐT - “Bản Mường Hum xuân về núi cao/Tiếng hát ai bay về xôn xao/Nghe rì rào mùa xuân về theo suối lắng trôi/Mùa xuân về vui theo suối à ơi ...”. Cách đây gần 50 năm, bài hát “Suối Mường Hum còn chảy mãi” của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ đã ngân vang bên con suối Mường Hum dịu dàng, trong mát, nơi có chợ Mường Hum đón sản vật của 8 xã vùng thượng huyện Bát Xát.
Du khách nước ngoài lựa chọn đồ tại chợ phiên. |
Mường Hum có 6 bản thì 5 bản bám vào núi non, 1 bản nằm giữa thung lũng màu mỡ. Trời đất nặn Mường Hum thành cái thúng khổng lồ. Con người tạo nên các bản cùng các xã xung quanh ôm lấy một cái nhị là bản Mường Hum. Trời đất vây Mường Hum bằng núi non. Con người vây Mương Hum bằng phong tục, tập quán. Về chung, cả vùng gần như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Về riêng, từng tộc người, từng dòng họ tách ra thành chòm xóm. Mỗi nhà, mỗi tộc người đều tạo nên cách sống, cách ăn ở cho hợp lẽ với trời đất, hợp với lý lối, thành ra lúc mưa thuận, gió hòa cũng như trời nổi cơn giông bão, nhà nào nhà nấy, họ nào, họ nấy thường chia sẻ buồn vui cùng nhau. Trong vùng đất được vây kín bằng núi non, song lại mở ra một “tiểu vũ trụ”, một sự cân bằng như sắp đặt.
Đó là những dãy núi có những cánh rừng bạt ngàn quây quanh thung lũng. Đó là những dòng suối len lỏi giữa núi cao, rừng rậm, cứ cộng mãi, cộng mãi với nhau để nuôi đất, nuôi cây, rồi cuối cùng ngoan ngoãn tụ lại thành vụng, thành hồ. Đó là thứ đất vàng tươi như ai đó lấy đỗ xanh xát vỏ, đồ thành xôi rồi trải ra khắp đồi, khắp ruộng. Một vùng đất có thể khoát đạt trong tầm mắt mà hội tụ đủ cả âm dương ngũ hành thế này quả là hiếm, là phát, cho nên ngay từ đầu thế kỷ 20, vùng lòng chảo Mường Hum đã là thủ phủ, là trung tâm văn hóa, kinh tế của cụm 8 xã vùng Tây Bắc của huyện Bát Xát.
Ngày đó sản vật nhiều như lá rừng. Thôi thì đủ cả, trên rừng có chim, thú, nấm hương, mộc nhĩ, thảo quả; ngoài ruộng, trên nương có ngô, lúa; trong vườn có rau, quả, thuốc phiện; dưới suối có tôm cá các loại... toàn những thứ vơ được tiền, làm cho no bụng cả. Song, dường như ông trời sau khi ban phát cho con người điều thuận, thường kèm theo những nghịch cảnh cản trở. Vòng vây núi non hiểm trở đã bó chân, bó tay cả vùng. Muốn mua bán, trao đổi hàng hóa, phải leo núi nửa ngày đường mới chạm quốc lộ. Ngược lại, muốn đến nơi này buôn bán, đổi chác, phải có gan vượt qua dốc cao, suối sâu, thú dữ, đá lở, muỗi, vắt.
Từ nghịch cảnh đó, chợ Mường Hum dần được hình thành, bắt đầu từ sự đổi chác, sau đó đến mua bán, dựng hàng quán, cái thiếu, cái thừa tự dưng có một chỗ bù đắp, cân bằng, nên chợ nhanh chóng trở thành trung tâm của những bản quanh lòng chảo. Nó thu hút từ người cả năm mới nhìn thấy đồng bạc, đến những nhà lúa xếp tới nóc, trâu ngựa chật chuồng.
Khu bán hàng thổ cẩm là nơi luôn đông vui, nhộn nhịp nhất. |
Chợ bắt đầu từ hai dãy nhà mái lá chạy dọc con đường dần dần náo nhiệt trong các chợ phiên vào Chủ nhật hằng tuần. Chợ không những đã khuấy lên, thu hút và mang lợi cho nhiều người, mà còn là dịp để cả vùng khoe cái thiên thời, địa lợi của mình. Từ chợ ngược lên phía Bắc dòng suối Mường Hum, người đi chợ gặp những tảng đá hình đầu hổ nằm lổn nhổn như các chúa sơn lâm trải qua một cuộc hỗn chiến rồi hóa đá. Theo dòng suối là bắt gặp dòng nước trong xanh, nuôi cá, nuôi ruộng, cân bằng mưa nắng cho cả vùng. Nhìn ngang sang hai phía Đông, Tây là ruộng lúa, là bản làng.
Quay lại phía Nam là rừng núi ngút ngàn. Trên đường đi đến chợ, con người ngợp trong trời mây non nước, khi vào trong chợ họ ngợp trong sắc mầu, hình dáng. Sản vật của 8 xã trong vùng có gì, trong chợ Mường Hum có thứ ấy. Bày bán trên hai bên đường vào đến tận giữa chợ là la liệt những ống rượu, can rượu thóc của người Dao, rượu ngô của người Mông... Vào sâu chút nữa là các loại củ, quả, hạt của người Tày, người Giáy. Sâu nữa là đồ gỗ thô, đồ mây tre của người Hà Nhì, đồ sắt của người Mông. Cuối chợ là cái bãi rộng để buộc ngựa, để làm chỗ vui chơi, thổ lộ tâm tình. Trong chợ, các lán của người Giáy, người Tày giống như cuộc khoe hàng; quần áo, giày dép bày đầy các sạp; nấm hương xiên thành từng xâu, trông như những vòng hạt cườm khoác đầy trên các sào. Giữa chợ là thảo quả khô đầy căng trong những bao vải; rồi những dãy hàng ăn, dãy hàng bán cá, thịt...
Đúng là một Mường Hum thu nhỏ, một Mường Hum mời gọi khách bán, mua. Mỗi tuần một lần, đến phiên là cả vùng tụ về cái chợ. Khắp vùng người người náo nức, nhà nhà náo nức, người đi chợ làm cho mấy ngả đường dẫn về Mường Hum cả ngày rậm rịch vó ngựa, rậm rịch nói cười. Thung lũng Mường Hum thơ mộng được bao bọc bởi khung cảnh sơn thủy hữu tình lại được chợ Mường Hum nổi tiếng sầm uất, có bản sắc riêng tô điểm nên Mường Hum ngày càng nức tiếng với du khách gần xa.