Bỏ qua câu chuyện sách giáo khoa mới lớp 3,7 và 10 tăng giá cao gấp 2-3 lần so với sách cũ, điều kiến phụ huynh e ngại là việc sử dụng sách giáo khoa mới hiện nay lãng phí, không có tính tiết kiệm vì học xong không thể sử dụng cho các năm học tiếp theo.
Sách giáo khoa mới lớp 3,7 và 10 có giá cao gấp 2-3 lần sách cũ. Ảnh: NXBVN
Giá sách mới gấp 2-3 lần sách cũ
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố giá sách giáo khoa (SGK) mới của lớp 3, 7, 10 ở hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo", áp dụng từ năm học 2022-2023. So với sách hiện hành, giá các bộ sách này cao hơn từ 2-3 lần.
Giá sách giáo khoa mới lớp 3,7 và 10
Cụ thể, bộ SGK lớp 3 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh) chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ thì giá sách mới công bố là hơn 180.000 đồng/bộ (cao hơn gấp 3 lần).
Bộ SGK lớp 7 hiện hành có giá bìa là gần 120.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh) thì bộ SGK mới cũng chưa bao gồm sách tiếng Anh là gần 210.000 đồng/bộ.
Giá của bộ SGK lớp 10 hiện hành với 13 môn học được niêm yết là 164.000 đồng thì giá SGK mới lớp 10 từ 246.000 đồng/bộ đến 301.000 đồng/bộ.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 trở lên. Môn ngoại ngữ cũng là môn học có số đầu sách giáo khoa được Bộ GDĐT phê duyệt nhiều nhất. Nhưng hiện các đơn vị xuất bản đều chưa công bố giá sách ngoại ngữ. Nếu tính cả SGK tiếng Anh, giá một bộ sách mới sẽ còn cao hơn nữa.
Lý giải về giá sách tăng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết sách được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường kênh hình với nhiều hình thức trình bày, minh hoạ sinh động, hấp dẫn; khổ sách 19 x 26,5 cm. Đơn vị này cũng cho hay thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT, đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu.
"Không sử dụng được sách cũ là điều lãng phí"
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, đời sống của người dân chịu nhiều ảnh hưởng, việc giá SGK mới lớp 3, 7, 10 tăng mạnh là không phù hợp. Chưa kể sách liên tục được cải tiến giữa các năm khiến học sinh không thể tận dụng sách cũ học gây nhiều lãng phí.
Có con là lứa đầu tiên trải nghiệm chương trình giáo dục phổ thông 2018, sau 2 năm trải nghiệm, chị Nguyễn Thùy Linh (Thanh Trì, Hà Nội) nhận xét, sách mới in màu, giấy bóng chứ không phải giấy thô như sách cũ nên chuyện tăng giá là điều dễ hiểu. Thế nhưng, mức tăng như thế nào lại là vấn đề cần được đặt ra.
“Câu chuyện SGK mới đội giá không phải năm nay mới xảy ra. Giá sách tăng cao nhưng kèm theo đó, nội dung những năm vừa rồi thì có quá nhiều ý kiến trái chiều. Có quá nhiều bộ sách, nội dung chương trình có một số bài không phù hợp như dư luận đã phản ánh. Điều này khiến tôi không tin tưởng lắm về chất lượng bộ sách mới” – chị Linh nói.
Đồng tình với quan điểm trên, chị Hà Thị Huyền - phụ huynh có con chuẩn bị bước vào lớp 10 ở Hưng Yên nói rằng:
"Tôi cho rằng, việc tăng giá SGK cần có lộ trình, có thể chỉ từ 5-10% so với giá bộ sách hiện hành. Với những gia đình có 2 con đi học, ngoài SGK, đầu năm học còn phải chi rất nhiều tiền cho các khoản đóng góp đầu năm, đồng phục,... Do đó, việc giá SGK tăng cao cùng với nhiều khoản chi phí phát sinh sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân chúng tôi, thành gánh nặng mỗi đầu năm học".
Bên cạnh băn khoăn về giá thành tăng cao, rất nhiều phụ huynh bày tỏ quan ngại khi việc sử dụng SGK hiện nay không có tính tiết kiệm, bị lãng phí rất lớn vì gần như sách cũ không thể tận dụng cho những năm học tiếp. Trong khi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em miền núi, vùng sâu vùng xa rất khó trong việc tiếp cận SGK mới.
“Tính chung, một bộ SGK, chưa bao gồm sách tham khảo, tăng vài trăm nghìn là không nhiều. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là sự lãng phí. Ngày xưa, một bộ sách hết anh chị rồi đến em học, tiết kiệm được nhiều chi phí cho các gia đình đông con.
Việc đổi SGK như hiện nay xảy ra tình trạng 1 bộ sách chỉ dùng được hết năm học là bỏ đi. Chưa kể, cải cách liên tục như này sẽ gây nhiều khó khăn hơn cho các con vì kiến thức hoàn toàn mới, các bố mẹ cũng sẽ phải mất nhiều thời gian tìm hiểu nhiều để hỗ trợ con trong quá trình học tập” – chị Đỗ Thị Hòa – phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 7 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.