Với người Việt Nam, hoa đã có mặt trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Khi một đứa trẻ sinh ra, những bó hoa tươi được tặng cho người mẹ thay lời chúc mừng của mọi người chào đón thiên thần bé nhỏ đến với thế giới. Đôi lứa yêu nhau, một bông hồng nhung đỏ thắm là lời tỏ tình lãng mạn nhất mà không ai có thể chối từ. Hoa có mặt trên đôi tay, mái tóc cô dâu e ấp trong ngày cưới, trong các dịp sinh nhật, những cuộc vui.
Và ngay cả khi có chuyện buồn, khi tiễn biệt ai đó đi xa mãi, một bó hoa cũng nói hộ ta những sẻ chia, an ủi. Hoa điểm tô sắc màu cho bốn mùa trong năm đều rực rỡ sắc hương. Trong những vật dụng hàng ngày và vật liệu kiến trúc thời Lý - Trần thế kỷ XI, XIV được tìm thấy qua các phát hiện khảo cổ học đều được trang trí, chạm khắc tinh tế bằng những bông hoa sen, hoa chanh, hoa thị, hoa cúc. Hoa đi vào thơ ca, nhạc họa, làm đắm say bao tâm hồn nghệ sĩ tài hoa. Hoa không chỉ làm đẹp cho đời, mà còn là món ăn ngon, tạo nên nét văn hóa ẩm thực vùng miền đặc sắc.
Phong tục chơi hoa ngày tết không chỉ là nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam mà còn mang biểu tượng niềm vui, may mắn trong mỗi dịp đặc biệt của năm. Các loài hoa từ miền Bắc đến miền Nam rất đa dạng. Ngày nay, phong tục này không chỉ là nét đẹp truyền thống mà còn là cách mọi người tận hưởng, chào đón năm mới với hy vọng và ý nghĩa tốt lành.
Do đó, cũng thật dễ hiểu khi ngày càng có nhiều cánh đồng hoa được đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng để cung ứng cho thị trường tết. Và những ngày trước khi hoa được mang đến các chợ hoa xuân thì những cánh đồng hoa này cũng đã góp thêm sức hút và niềm vui giáp tết cho du khách gần xa, nhất là đến với thành phố Tân Uyên trong dịp địa phương này đang tổ chức lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng rất độc đáo.