Trung tâm Con người và Thiên nhiên kêu gọi mỗi người dân không tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã để ngăn chặn các nguy cơ lây lan dịch bệnh trong tương lai.
Trung tâm Con người và Thiên nhiên (ENV) ngày 13/4 ra mắt phim ngắn truyền thông “COVID-19: Không tiêu thụ động vật hoang dã để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng,” để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Trong phim, ENV nhấn mạnh tiêu thụ động vật hoang dã là rước họa cho bản thân, gia đình, cộng đồng và cả thế giới. Phim ngắn là một phần trong chiến dịch “Không tiêu thụ Động vật hoang dã vì sức khỏe của bản thân và cả cộng đồng.”
Hiện thông điệp của chiến dịch đang được chia sẻ trên hơn 2.000 màn hình LCD tại các thang máy ở các cao ốc dân cư và văn phòng ở các thành phố lớn trên cả nước.
Theo Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới, khoảng 70% dịch bệnh nguy hiểm cho con người đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Virus corona ở động vật hoang dã đã liên tục biến đổi và nguy hiểm hơn, trước khi gây bệnh ở con người.
Cách đây gần một thập kỷ, dịch SARS xuất phát từ một loại betacorona virus mới có nguồn gốc từ dơi thông qua cầy hương làm vật chủ trung gian trước khi tiếp cận con người. Giờ đây, thế giới đang phải chống chọi với dịch COVID-19 cũng được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Bài học từ các đại dịch phần nào cho thấy các loại virus mới sẽ tiếp tục phát triển và lây truyền từ động vật hoang dã sang người nếu chúng ta còn buôn bán, tiêu thụ, tiếp xúc hay sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Hoạt động buôn bán chim trời trái phép diễn ra công khai tại chợ nông sản Thạnh Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: H.V/Vietnam+) |
ENV cũng lưu ý mặc dù Chính phủ và người dân Việt Nam đang thực hiện rất tốt các công tác kiểm soát, giám sát các nguồn lây nhiễm của dịch COVID-19 nhưng những hậu quả mà dịch bệnh gây ra đối với các quốc gia trên toàn thế giới là vô cùng nghiêm trọng.
Vì thế, để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, ENV kêu gọi mỗi người dân không tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã dưới mọi hình thức.
Người dân có thể thông báo tới đường dây nóng miễn phí 1800-1522 nếu thấy động vật hoang dã bị quảng cáo, vận chuyển, buôn bán hoặc tàng trữ trái phép, để ngăn chặn các nguy cơ lây lan dịch bệnh.../.