Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều đổi mới trong nhận thức về kiểm soát quyền lực, chú trọng ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng nói riêng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng đã được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện, đã hình thành một bước cơ chế phòng ngừa chặt chẽ theo hướng bảo đảm “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”.
Nhìn lại hoạt động phòng chống tham nhũng thời gian qua, ông Nguyễn Viết Thông – Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương cho biết, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Tuy nhiên, cơ chế kiểm soát quyền lực về phòng, chống tham nhũng vẫn còn chậm hoàn thiện tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn rất hạn chế nên phần nào làm giảm hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng.
Ông Nguyễn Viết Thông – Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương
“Chúng ta đều nói nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước. Trước đây có quy định 217, 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, nhưng thực chất quy định để nhân dân tham gia vào kiểm soát quyền lực, kể cả quyền lực của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội thì nhân dân được làm những gì, vấn đề này vẫn chưa rõ” – ông Thông cho biết.
Điểm lại những vụ việc sai phạm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ và xử lý, cũng như các vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ cấp cao, các tướng lĩnh, có thể thấy, bên cạnh sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo quản lý thì nguyên nhân dẫn đến những sai phạm tham nhũng lớn còn do các cá nhân đó đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được trao để trục lợi cá nhân và phe nhóm. Đó chính là sự tha hóa quyền lực – mầm mống nảy sinh suy thoái, tham nhũng.
Ông Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, muốn phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, điều cần thiết là phải kiểm soát được quyền lực.
“Để đẩy lùi tha hóa, tham nhũng, trước hết phải siết chặt hệ thống giám sát quyền lực. Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền, của cá nhân những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hệ thống Hiến pháp, luật pháp hiện nay chưa quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và trách nhiệm pháp lý mà họ phải chịu. Vì vậy phải sửa quy định luật pháp, đảm bảo những người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cụ thể, khi họ sai thì phải kiểm tra được ngay. Đồng thời đảm bảo các cơ quan Nhà nước hoạt động công khai, minh bạch để người dân giám sát được” – ông Lê Văn Cương nêu ý kiến.
Ông Lê Văn Cương
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn chưa kiểm soát được quyền lực nói chung và quyền lực liên quan đến phòng chống tham nhũng nói riêng. Các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng ngân sách, đầu tư công, mua sắm công, quản lý đất đai vẫn còn nhiều sơ hở, trong khi chưa có cơ chế và các giải pháp rõ ràng để kiểm soát, phòng ngừa lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong ban hành các chính sách.
Từ thực tế này, ông Lê Thanh Vân (Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, kiểm soát quyền lực là vấn đề liên quan đến việc xây dựng thể chế, bộ máy, chính sách. Trong đó, gốc rễ của vấn đề là công tác nhân sự. Nếu chọn được cán bộ xứng đáng thì đội ngũ đó sẽ ban hành chính sách đúng đắn, phù hợp để thúc đẩy xã hội phát triển.
“Có đội ngũ hiền tài thực sự thì họ sẽ chủ trì để tổ chức thực thi chính sách pháp luật một cách nghiêm minh. Nếu có hiền tài thì xử lý vi phạm sẽ công tâm, khách quan, không còn oan sai” – ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Vân
Ông Phạm Việt Long – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam cũng cho rằng, Đảng, Nhà nước và cả xã hội đang rất quyết tâm với nạn tham nhũng, nhưng tham nhũng vẫn còn phức tạp bởi chưa có những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ. Dù đã nói nhiều về tình trạng chạy chức, chạy quyền dẫn đến sử dụng cán bộ chưa đúng, tình trạng đặt nhầm chỗ, ngồi nhầm ghế vẫn còn, thậm chí ngay sau Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng vẫn còn xảy ra. Điều này làm cho đường lối của Đảng không được thực hiện một cách đúng đắn, gây mất lòng tin, gây bất bình trong xã hội. Chính vì thế, đã đến lúc phải có các biện pháp xử lý cụ thể, kể cả đối với cán bộ ngồi nhầm chỗ và cả cơ quan, cá nhân làm công tác cán bộ khi đặt họ vào vị trí không đúng.
“Truyền thống cha ông có tiến cử người làm quan, người tiến cử đó phải chịu trách nhiệm suốt đời đối với người mà mình tiến cử. Vị quan mà mình tiến cử về sau vi phạm thì người tiến cử cũng bị tội theo. Còn bây giờ, nhiều người tìm mọi cách để đưa ông A, ông B vào trong đội ngũ lãnh đạo, sau đó anh A, anh B vi phạm rất nặng trong một thời gian dài, thậm chí từ thời dưới quyền của người tiến cử mà không có hình thức kỷ luật gì thì vẫn chưa nghiêm, chưa góp phần triệt tận gốc nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền” – ông Phạm Việt Long cho biết.
Khoa học chính trị cũng như thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu có quyền lực thì ở đó có nguy cơ lạm dụng quyền lực. Quyền lực luôn hàm chứa nguy cơ tha hóa. Để kiểm soát quyền lực, không để tình trạng "sự đã rồi" mới xử lý kỷ luật, cần có một cơ chế giám sát quyền lực để phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm có thể xảy ra. Cơ chế kiểm soát ấy phải đa chiều, đủ mạnh, để không ai có thể lạm dụng quyền lực trong thực thi công vụ./.