Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thành phố Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước. Trong số gần 5.400 làng nghề ở Việt Nam, Hà Nội chiếm 1/3, với khoảng 1.300 làng nghề và làng có nghề. Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống của Hà Nội có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của các người thợ lành nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Gần đây, Sở Du lịch Hà Nội đã cho ra mắt tuyến du lịch Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long - Điểm về nguồn cội, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với làng nghề. Từ đó, đưa thương hiệu của một số làng nghề đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế.
Có một thực tế là một số làng nghề tại Hà Nội đã từng đứng trước nguy cơ bị mai một và phai màu. Nhưng bằng những hướng đi mới táo bạo, không ngừng đổi mới sản phẩm cũng như gắn kết chặt chẽ với du lịch, nhiều làng nghề đã có sức bật để trở mình thành những trung tâm du lịch văn hóa. Nổi bật trong đó là làng gốm Bát Tràng. Năm 2019, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận Bát Trang là điểm du lịch của thủ đô. Bộ VHTT-DL đã công nhận nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lượng khách đến nơi này thăm quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt/năm. Trong đó, điểm đến độc đáo, thu hút du khách thăm quan, tìm hiểu, trải nghiệm tinh hoa nghệ thuật gốm là Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, nơi gắn liền với câu chuyện lưu giữ, phát triển nghề truyền thống gốm Bát Tràng.
Nhằm tạo điều kiện phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ tác động trực tiếp, như Nghị định Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn ban hành ngày 12/4/2018 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 ban hành ngày 7/7/2022, trong đó đã đưa nhiều chính sách hỗ trợ như mặt bằng sản xuất, hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hay đào tạo nghề… Từ đó, Hà Nội đã đặt ra nhiều phương án phát triển, bảo tồn làng nghề. Việc phát triển du lịch làng nghề đang được đẩy mạnh, mang đến sức bật mới cho các làng nghề.
Hiện nay, giá trị sản xuất làng nghề ở Hà Nội đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 tỷ USD. Giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD. Các làng nghề đều có sự tăng trưởng về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm; gần 70 làng nghề đạt doanh thu từ 20 - 50 tỷ đồng/năm; khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm.Trong quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1.500 làng nghề, tạo việc làm ổn định cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Nhờ chủ trương khuyến khích, khôi phục và phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống của thành phố Hà Nội, sản xuất trong trong các làng nghề đã được phục hồi, ngành càng phát triển, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Điều quan trọng hơn là đã bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến.