LCĐT - Phát huy lợi thế địa hình có nhiều bãi chăn thả tự nhiên, huyện Bát Xát chú trọng tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, nhờ vậy nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Bát Xát có nhiều bãi chăn thả thuận lợi cho phát triển đại gia súc. |
Điển hình như hộ anh Lê Công Giang, thôn Tân Long, xã Cốc Mỳ. Đầu năm 2021, từ 170 triệu đồng vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cộng với tiền tiết kiệm của gia đình, anh mua 14 con ngựa giống về nuôi sinh sản. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi bán chăn thả tự nhiên, kiểm soát tốt dịch bệnh nên chỉ sau 1 năm, đàn ngựa của gia đình đã sinh sản, đến nay, tổng đàn tăng lên 20 con. Anh Giang đang mở rộng diện tích chuồng nuôi, trồng thêm cỏ để tiếp tục mở rộng quy mô trang trại.
Gia đình chị Dừ Thị Lầu, thôn Tả Phìn, xã Dền Thàng cũng làm giàu nhờ chăn nuôi gia súc. Hiện gia đình chị có 10 con trâu, tổng giá trị trên 300 triệu đồng.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, huyện Bát Xát bố trí hơn 30 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc. Cụ thể, hỗ trợ 25 triệu đồng/trang trại chăn nuôi trâu, bò; 2 triệu đồng/ha cỏ trồng mới; hỗ trợ vay đến 170 triệu đồng không lãi suất trong 3 năm để mua 10 con ngựa đối với hộ tham gia dự án phát triển đàn ngựa hàng hóa… Nhờ đó, huyện Bát Xát đã phát triển được đàn đại gia súc lên gần 22.000 con, tăng 30% so với năm 2015.
Người dân xã Dền Thàng phát triển nuôi trâu vỗ béo. |
Ông Lục Như Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò ở những vùng có lợi thế về khí hậu và bãi chăn thả, từ đó mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đưa chăn nuôi trở thành một trong những hướng phát triển kinh tế chủ đạo của địa phương.