LCĐT - Từ sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, mặc dù phải nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng các trường THPT trên địa bàn tỉnh vẫn thực hiện các giải pháp giúp học sinh khối 12 ôn thi THPT quốc gia.
Nỗ lực của các trường học vùng cao
Thời điểm này, học sinh Trường THPT số 2 huyện Si Ma Cai phải nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng các thầy cô giáo vẫn có mặt tại trường, miệt mài với công việc được giao.
Thầy giáo Lê Văn Lương, giáo viên dạy môn Lịch sử cùng 2 thầy cô giáo khác vừa kết thúc tiết dạy đặc biệt trên lớp cho biết: Chúng tôi truy cập internet để học cách quay và dựng video, dạy trực tuyến cho học sinh, đặc biệt là học sinh khối 12. Tôi đã dựng được 3 video đăng trên kênh YouTube của trường và chọn những nội dung ôn thi phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ nhất để dạy cho học sinh. Khi thực hiện các video, khó khăn nhất là thiếu phương tiện quay, dựng. Do không có phòng thu nên các video thường lẫn tạp âm từ bên ngoài, có video phải thực hiện nhiều lần mới có thể đăng tải.
Giáo viên Trường THPT số 3 Bảo Yên dạy học trực tuyến trong mùa dịch. |
Năm học 2019 - 2020, Trường THPT số 2 Si Ma Cai có 2 lớp 12 với 74 học sinh, đây là thời điểm quan trọng ôn thi THPT quốc gia nhưng học sinh phải nghỉ học phòng, chống dịch bệnh. Theo thầy giáo Hoàng Đình Hoạt, Phó Hiệu trưởng nhà trường, qua rà soát, cơ bản học sinh khối 12 của trường không có máy tính; chỉ 2/3 học sinh khối 12 có điện thoại, trong số đó 50% có điện thoại có thể kết nối internet nên việc dạy học trực tuyến rất khó thực hiện. Đối với học sinh có điện thoại thông minh, nhiều em cũng không có điều kiện sử dụng dịch vụ wifi, 3G, 4G để học trực tuyến.
Giải pháp của Trường THPT số 2 Si Ma Cai là quay video bài giảng đăng lên kênh YouTube của trường, gửi qua Zalo cho học sinh để các em tiện xem vào bất kỳ khung thời gian nào. Các video sau khi quay được nhà trường kiểm duyệt kỹ, đảm bảo chất lượng mới được đăng tải. Giáo viên cũng giao bài tập qua Zalo và yêu cầu học sinh trả bài theo đúng thời gian quy định. Cùng với đó, trường tuyên truyền học sinh tích cực học qua truyền hình để ôn tập các kiến thức cơ bản cho kỳ thi sắp tới.
Tại Trường THPT số 3 Bảo Yên, các thầy cô giáo cũng bận rộn với việc chuẩn bị dạy học ôn thi từ xa cho học sinh. Phòng học trên lớp trở thành phòng quay, dựng video. Mỗi lần thực hiện video, thầy cô giáo lập thành nhóm, người giảng bài, người quay phim, người dựng video. Thầy giáo Bùi Văn Hiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc triển khai dạy học trực tuyến gặp khó khăn nhưng công tác ôn thi cho học sinh khối 12 không thể sao nhãng.
Ban Giám hiệu Trường THPT số 3 Bảo Yên đã xây dựng kế hoạch, chọn nội dung dạy học phù hợp; tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy trực tuyến, hướng dẫn học sinh cách học trực tuyến bằng nhiều hình thức như qua truyền hình, các ứng dụng trên internet, mạng xã hội; giao bài và kiểm soát việc học tập của học sinh. Vấn đề đáng lo là trong thời gian nghỉ học, một số học sinh đi lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình nên không chú tâm học tập. Hiện khối 12 có 45 học sinh thuộc diện có nguy cơ trượt tốt nghiệp nên các thầy cô giáo thường xuyên quan tâm, động viên các em nỗ lực ôn thi, vừa làm tốt việc phòng, chống dịch bệnh vừa thực hiện mục tiêu năm học 2019 - 2020 có 95% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia.
Cần có chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh
Không chỉ Trường THPT số 2 Si Ma Cai và Trường THPT số 3 Bảo Yên mà các trường THPT khác trên địa bàn tỉnh cũng đang dồn sức ôn thi THPT quốc gia. Công tác ôn thi được các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên triển khai bằng nhiều hình thức.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, cấp THPT hiện có hơn 18.000 học sinh, tỷ lệ học sinh học bài trực tuyến đạt 85%, trong đó riêng học kiến thức mới đạt 65,4%. Hầu hết học sinh khối 12 của các trường THPT tham gia ôn thi và học kiến thức mới trực tuyến.
Tuy nhiên, toàn tỉnh còn hơn 1.000 học sinh THPT thiếu thiết bị học qua internet. Một số trường ở khu vực vùng cao các huyện Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Bảo Yên có tỷ lệ học sinh học trực tuyến thấp, khoảng 30 - 50%. Khó khăn của hầu hết các trường học vùng cao là phương tiện học tập (máy tính, ti vi, điện thoại Smartphone) và đường truyền internet.
Nhiều giáo viên các trường phản ánh, trong các giờ dạy trực tuyến, mạng internet không ổn định nên việc dạy và học bị gián đoạn. Ngoài ra, không ít học sinh ở các thôn, bản tham gia lao động giúp gia đình, có ít thời gian dành cho học trực tuyến. Một số trường THPT cũng đang đối diện với nỗi lo học sinh dân tộc thiểu số tảo hôn trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch.
Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Việc học trực tuyến đối với học sinh THPT vẫn đang được triển khai. Song song với ôn tập kiến thức cũ, học sinh được học kiến thức mới theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với các trường học vùng cao, để giải quyết khó khăn về dạy và học trực tuyến thì giải pháp chính là giáo viên phối hợp với UBND các xã và các thôn, bản giao bài cho học sinh. Tuy vậy, trong thời gian giãn cách xã hội, phương pháp này không thực hiện được.
Việc dạy học trực tuyến trong mùa dịch nói chung, ôn thi THPT quốc gia nói riêng trên địa bàn tỉnh hiện còn bộn bề khó khăn. Để việc học tập, ôn thi trong mùa dịch của học sinh đạt hiệu quả, cần có phương án cung cấp, hỗ trợ thiết bị học bài trực tuyến và đường truyền internet cho học sinh. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ đối với giáo viên dạy học trực tuyến, nhất là giáo viên ôn thi THPT quốc gia. Qua đó, góp phần động viên thầy cô giáo và học sinh vùng cao vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.