LCĐT - Mới đây, tôi nhận lời tham gia chuyến công tác cùng anh Nguyễn Thanh Tuấn, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông thị xã Sa Pa, bởi cách đây không lâu, anh Tuấn “bật mí”: Xuân này, người Mông, Dao ở Ma Quái Hồ vui lắm, họ mổ cả con bò để khao thôn vì tuyến đường vào thôn mới được đổ bê tông, giúp việc đi lại thuận tiện.
"Suối con ếch" - nơi bắt nguồn cho cái tên Ma Quái Hồ. |
Phần khác, cái tên thôn Ma Quái Hồ gợi cho tôi không ít tò mò. Chưa có mùa xuân nào, người dân ở thôn Ma Quái Hồ, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa lại háo hức, phấn khởi như xuân này, bởi mơ ước bao đời của họ đã trở thành hiện thực.
Từ trung tâm xã Bản Hồ, xe máy bon bon vượt dốc, chẳng mấy chốc đã đến đầu thôn Ma Quái Hồ, tuyến đường lổn nhổn đá ngày trước, nay đã được đổ bê tông kiên cố. Đến nơi, anh Tuấn bất giác cao hứng xuất khẩu thành thơ: “Xa rồi dốc đá quanh co/Gập ghềnh đá sỏi xe bò chẳng lên”. Anh Tuấn kể, trước đây, để đến thôn Ma Quái Hồ, anh và đồng nghiệp thường mất cả giờ đồng hồ điều khiển xe máy vượt đường đất, dốc đá. Trời mưa không thể đi xe máy, mà phải cuốc bộ hàng giờ. Đã có lần, anh ngã lăn lông lốc, lấm lem bùn đất và rách quần, trầy xước đầu gối vì đường trơn trượt.
Đến Ma Quái Hồ, chúng tôi tìm nhà Trưởng thôn Tẩn A Dế. Hơn ai hết, anh Dế là người biết tường tận về lịch sử lập làng cũng như cuộc sống của người dân ở vùng đất này. Anh Dế kể: Người Mông di cư từ Sử Pán (nay thuộc xã Mường Hoa) về đây đến nay được 6 thế hệ. Cụ tổ của tôi chính là người đầu tiên, duy nhất đến đây khai phá, lập làng. Sau đó, người Dao về ở cùng, đến nay cũng được 4 thế hệ. Sự gắn kết giữa người Dao, người Mông ở Ma Quái Hồ ít thôn, bản nào có được. Đó là nhờ ông nội của anh Dế biết nghề rèn, cung cấp công cụ và tạo mối quan hệ láng giềng bền chặt như anh em một nhà cho tất cả người dân trong thôn. Trong thôn có 19 hộ người Mông cùng dòng họ Tẩn và 25 hộ người Dao sống chan hòa, đoàn kết.
Theo anh Dế, cái tên Ma Quái Hồ không phải tự nhiên mà có. “Tên lạ” bắt nguồn từ loài ếch và dòng suối chảy qua thôn. Trước đây, dòng suối này có rất nhiều ếch, các cụ đi soi đêm có thể bắt được vài kg ếch là chuyện bình thường. Khi các hộ còn ít, có một người trong thôn bắt được con ếch màu vàng, nặng khoảng 3 kg, nên từ đó, mọi người gọi là “suối con ếch”. Về chuyện này, người dân nơi đây cũng bán tín bán nghi và lan truyền nhau một câu nói: “Không tin có con ếch 3 cân cũng phải tin có ếch 5 lạng”, vì thủa ấy rừng hoang vu, suối đầy nước, chuyện có những con ếch to không phải quá xa lạ. Theo cách đọc của người Mông, “Má Quái Hồ” nghĩa là “suối con ếch”. Nhiều năm sau, mọi người đọc lệch đi thành Ma Quái Hồ như ngày nay.
“Cái tên Ma Quái Hồ không đúng nghĩa với câu chuyện đã diễn ra ở đây nhưng gợi cho rất nhiều người sự tò mò. Nếu có con ếch to như câu chuyện truyền miệng thì cái tên này lại kích thích trí tò mò, buộc mọi người phải tìm hiểu về vùng đất này” - anh Dế lập luận.
Tuyến đường bê tông giúp người dân Ma Quái Hồ đi lại thuận tiện. |
Trở lại câu chuyện về tuyến đường được đổ bê tông, anh Dế phấn khởi: Tuyến đường là mơ ước bấy lâu nay của người dân Ma Quái Hồ, nên khi chính quyền phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ làm đường, người dân tích cực bảo nhau nhốt gia súc, hiến đất để việc thi công thuận lợi. Tất cả đều đồng thuận, nhất trí.
Việc có tuyến đường bê tông đi lại thuận tiện khiến người dân nơi đây vui mừng và cởi mở hơn. Ai cũng sẵn sàng chia sẻ khi được hỏi về tuyến đường mới. Anh Tẩn A Chớ tâm sự: Tết năm nay không phải đi bộ thăm người thân, bạn bè vất vả như những năm trước. Cảm ơn cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã hỗ trợ người dân trong thôn có đường đi lại dễ dàng.
Câu chuyện ông Phàn Dào Kiên mổ bò đãi cả thôn, mời Chủ tịch UBND thị xã về dự khi tuyến đường bê tông đến thôn sắp hoàn thành khiến người dân Ma Quái Hồ và các thôn lân cận ai cũng biết. Đó là minh chứng thuyết phục nhất cho niềm vui của người dân nơi đây khi những mong mỏi, ước mơ bao đời của họ thành sự thật.
Anh Tẩn A Dế giãi bày: So với những năm trước, thôn Ma Quái Hồ nay đã có điều kiện để phát triển kinh tế, vì có điện, có đường giao thông thuận tiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia vì nhà ở quá xa đường dây. Chỉ có 12 hộ gần đường dây điện (dưới 500 m) được sử dụng điện an toàn; 23 hộ phải kéo điện với khoảng cách trên 500 m (có hộ kéo dây 2 km) và 9 hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ để người dân có điện sử dụng an toàn, hiệu quả.
Tiễn chúng tôi, Trưởng thôn Tẩn A Dế không quên dặn dò: Tết này, nhà báo nhớ trở lại Ma Quái Hồ vui xuân với bà con. Năm nay, chắc chắn nhiều nhà sẽ mổ lợn to, mổ bò đón xuân mới.
Xuân về, lòng người Ma Quái Hồ đang phơi phới, nút thắt kiềm chế sự phát triển của thôn bấy lâu nay đã được cởi bỏ. Người dân vùng đất “suối con ếch” tràn đầy niềm tin và quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng tươi sáng, giàu đẹp.