Trong căn phòng nhỏ, Ngọc Duyên tự hào giới thiệu với tôi nhiều mẫu thời trang do chính mình thiết kế. Từ chất liệu thổ cẩm, Duyên đã tìm hiểu, khai thác, biến tấu họa tiết, màu sắc, kết hợp với các chất liệu khác trên cùng mẫu thiết kế, tạo nên những bộ sưu tập thanh thoát, phóng khoáng, mang đậm dấu ấn vùng đất, con người Tây Bắc.
Ngọc Duyên sinh năm 2001, ngay từ nhỏ, cô đã có niềm đam mê hội họa và thích tự tay cắt, may những bộ váy áo cho búp bê nhỏ mà mẹ mua. Lớn lên, Duyên thi đỗ vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, chuyên ngành Thiết kế thời trang. Năm 2022, Duyên cùng 2 người bạn nghiên cứu và thực hiện dự án “Sự ảnh hưởng của phong trào sống xanh trong thiết kế trang phục dạo phố”. “Nhận thức rõ rác thải thời trang tác động rất lớn đến môi trường nên tôi muốn làm một dự án nhỏ để truyền cảm hứng dùng các sản phẩm thời trang có trách nhiệm với môi trường đến mọi người xung quanh” - Duyên bộc bạch.
Thu gom quần áo cũ, vải thừa, vải vụn của xưởng may cùng với việc sử dụng các kỹ thuật như quilting, chần bông, distressing... kết hợp nghiên cứu xu hướng thời trang, khảo sát thị trường, nhóm dự án của Duyên đã đưa ra những phương pháp thiết kế và cho ra những sản phẩm thử nghiệm. Dự án đã giành giải Nhì “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học” của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội năm học 2022 - 2023.
Hiện tại, Duyên đang dồn sức cho đồ án tốt nghiệp mang tên “Cô dâu mới”. Cô “bật mí”: Toàn bộ thiết kế trong đồ án được lấy ý tưởng từ bộ quần áo của phụ nữ Dao đỏ. Đó là những bộ váy có đặc điểm riêng từ kiểu dáng, họa tiết hoa văn, từ màu đỏ của chiếc khăn đội đầu, những quả bông đỏ trên ngực áo hoặc hoa văn thêu thổ cẩm hình chữ S, chữ vạn, mào gà, cây thông... Bên cạnh câu chuyện về văn hóa trang phục, tôi còn nghiên cứu văn hóa truyền thống của người Dao đỏ. Tôi muốn những thiết kế của mình toát lên được tính “nữ quyền”, sự bứt phá khỏi những lề lối, hủ tục đã “trói” người phụ nữ Dao đỏ.
Để hoàn thành đồ án, Duyên thường xuyên đến những bản làng người Dao đỏ tại Sa Pa để được nhìn, lắng nghe những câu chuyện từ người dân bản địa, từ đó mang câu chuyện của họ vào thiết kế của mình.
Ngoài việc học trên lớp, Duyên còn tham gia nhiều hoạt động đặc thù của ngành học như fashion show, triển lãm, photoshop, các dự án cùng các sự kiện quy mô lớn nhỏ trong những vai trò khác nhau, như nhà thiết kế, nhà tạo mẫu, người mẫu, ban tổ chức, khách mời... Một số sự kiện nổi bật có thể kể đến là Thailand Fashion Week 2022, Vietnam International Fashion Week 2022, Vietnam International Fashion Tour, Đại hội siêu mẫu nhí Việt Nam 2022, Gala Hahalolo 2022, Festival Thanh niên Đông Nam Á chào mừng SEA Games 31...
Là cô gái chăm chỉ, không ngừng vươn lên trong học tập và hoạt động, Duyên nhiều lần được Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khen thưởng, trao học bổng xuất sắc.
Năm 2022, luận án tốt nghiệp của Phạm Thị Huệ Anh là bộ sưu tập thời trang mang tên “24” đã gây được tiếng vang trong giới thời trang Việt Nam. Bộ sưu tập gồm 7 thiết kế, là sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại lấy cảm hứng từ Sa Pa và trang phục dân tộc Mông. Đó là cảnh đẹp thiên nhiên, ruộng bậc thang, kiến trúc nhà trình tường truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đỉnh Fansipan, cầu mây Sa Pa…
Huệ Anh sinh năm 2001 tại Lào Cai. Mẹ và cậu ruột làm nghề may, ngay từ nhỏ, Huệ Anh đã có niềm đam mê với thời trang. Sau khi tốt nghiệp THPT, Huệ Anh đi học vẽ và ôn thi vào Học viện Thiết kế thời trang London Hà Nội, Khoa Thiết kế và Kinh doanh thời trang. Huệ Anh tâm sự: Tôi mất 3 tháng để lên ý tưởng cho bộ sưu tập “24” và 3 tháng để phát triển ý tưởng thành vẽ mẫu, rồi lựa chọn mẫu để may thành những bộ trang phục hoàn chỉnh với sự giúp đỡ của các thầy cô ở Học viện Thiết kế thời trang London Hà Nội. Màu sắc được sử dụng chủ yếu gồm đỏ, hồng, xanh, đen, thổ cẩm… Nguyên liệu chính là vải taffeta và quần áo được tái chế từ trang phục dân tộc. Để “thổi hơi thở” của núi rừng vào thời trang, tôi đã lặn lội đến các bản làng, chợ phiên vùng cao tìm hiểu về chất liệu, kiểu dáng, họa tiết trên vải thổ cẩm của các dân tộc thiểu số.
“Bộ sưu tập là tâm huyết, tình cảm của tôi với chất liệu vải cổ truyền và giá trị văn hóa truyền thống nơi tôi sinh ra. Tôi muốn mang một luồng gió mới đến với trang phục thổ cẩm, muốn lan tỏa hơn nữa vẻ đẹp đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số của quê hương Lào Cai nói riêng, vùng cao Tây Bắc nói chung đến với mọi người trên đất nước Việt Nam và du khách nước ngoài” - Huệ Anh tâm sự.
Tháng 6/2023, Huệ Anh vinh dự là nhà thiết kế duy nhất tại Việt Nam được tham dự Vietnamese Week-Buppe, Japan - sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao 2 nước Việt Nam - Nhật Bản. Tại đây, 11 thiết kế (bao gồm 7 thiết kế trong bộ sưu tập “24”) mang màu sắc thổ cẩm Tây Bắc của Huệ Anh đã được trình diễn, để lại ấn tượng tốt đẹp với công chúng quốc tế về đất nước Việt Nam với nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc.
Tháng 9/2023, tại Lễ hội Vương quốc Anh do Đại sứ quán Anh tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm hợp tác ngoại giao Việt Nam và Vương quốc Anh có chủ đề “Tây Bắc”, Huệ Anh cũng là nhà thiết kế trẻ tuổi nhất được tham gia với 9 thiết kế. “Khi nhìn thấy những bộ trang phục của mình với chất liệu văn hóa Tây Bắc được đứng trên sàn diễn quốc tế, trong tôi tràn ngập niềm tự hào, tự tôn dân tộc” - Huệ Anh nhớ lại.
Văn hóa truyền thống không chỉ là nguồn cảm hứng cho những người làm công việc sáng tạo, mà còn là cơ hội và nền tảng vững chắc cho việc phát triển sự nghiệp của nhiều nhà thiết kế trẻ, trong đó có Ngọc Duyên và Huệ Anh. Mỗi nhà thiết kế mang một phong cách và cá tính riêng, nhưng điểm chung là họ đều mong muốn tạo ra những sản phẩm có trách nhiệm với cộng đồng, truyền cảm hứng, hướng về tính bền vững và bảo tồn văn hóa dân tộc.