Cách đây gần 60 năm, vào tháng 2/1965, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - văn hóa miền núi, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm của thành phố Hà Nội) đã vận động người dân ở 10 xã lên vùng cao Lào Cai xây dựng vùng kinh tế mới. Cũng từ đây, hợp tác xã nông nghiệp ra đời, lấy tên là Hợp tác xã Độc Lập, gồm 59 hộ với 315 khẩu đi khai hoang, phát triển kinh tế miền núi. Với chủ trương để miền ngược tiến kịp miền xuôi, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Độc Lập quyết định lựa chọn Bản Bô, xã Khánh Yên Hạ là nơi “đóng đô”.
Nói về tên gọi của thôn, bà Phạm Thị Tám, sinh năm 1942, một trong những thành viên đầu tiên của Hợp tác xã Độc Lập cho biết: Hồi đó, Đảng và Nhà nước có chủ trương lấy các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước đặt tên cho các đội sản xuất, nên hợp tác xã nông nghiệp ở Từ Liêm được đặt tên là Hợp tác xã Độc Lập.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, sau khi giải thể, tên Hợp tác xã Độc Lập không còn, thay vào đó là tên gọi mới - làng Độc Lập. Ít năm sau, thực hiện chia tách, sáp nhập thôn, làng Độc Lập tiếp tục được chia tách thành 2 thôn, 1 thôn giữ nguyên tên Độc Lập, 1 thôn lấy tên là Pắc Xung. Đến nay, người dân của 2 thôn Độc Lập và thôn Pắc Xung vẫn sinh sống đan xen và gọi chung là làng Độc Lập - Pắc Xung.
Qua năm tháng, cũng có nhiều người đã chuyển đi nơi khác, nhưng cũng có những người kiên trì bám đất, ở lại phát triển kinh tế, rồi tiếp tục đưa gia đình, anh em, con cháu cùng lên và sinh sống ở thôn Độc Lập. Hiện nay, người dân trong thôn chủ yếu là công nhân nông trường dưới xuôi lên, đến từ nhiều địa phương như Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang...
Nhớ lại thời kỳ mới lên vùng đất mới đầy gian khó, ông Mai Hồng Ngọc, năm nay ngoài 80 tuổi cho hay, từ buổi khai sơ lập nghiệp trên mảnh đất mới, bà con miền xuôi gặp không ít khó khăn trong sản xuất do sự khác biệt về phong tục, sinh hoạt của người dân vùng cao. Tuy nhiên, phát huy truyền thống cách mạng, tiên phong, gương mẫu, đi đầu, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cuộc sống người dân đi xây dựng kinh tế mới ngày càng khởi sắc.
Về Độc Lập trong những ngày tháng 9 lịch sử, dọc tuyến đường rợp cờ Đảng, cờ Tổ quốc, người dân chỉnh trang nhà ở, vệ sinh đón mừng tết Độc lập. Đây cũng là dịp bà con trong thôn và những người đi xa trở về, sum vầy, cùng nhau uống chén rượu mừng, kể cho nhau nghe về cuộc sống, công việc trong không khí ấm áp, vui vẻ. Cuộc hội ngộ vì thế càng thêm ý nghĩa trong ngày tết Độc lập.
Cùng đồng chí Vũ Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Đức Vượng, năm nay 82 tuổi, ở thôn Độc Lập. Trong ngôi nhà xây khang trang, ông Vượng kể: Thời điểm mới lên đây, tôi luôn suy nghĩ phải làm việc chăm chỉ thì mới có cuộc sống ổn định, có điều kiện lo cho các con...
Với suy nghĩ đó, ông Vượng làm mọi việc, từ sắm máy cày đi “băm ruộng” cho dân, rồi mua xe tải chở hàng và mở cửa hàng kinh doanh đồ điện. Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình, ông Vượng còn có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của thôn. Ông là 1 trong 70 hộ nhiệt tình hiến đất, cây cối để mở rộng tuyến đường trục chính của xã từ 2,4 m lên 4,5 m...
Bí thư Chi bộ thôn Độc Lập Trần Thị Hiền cho biết: Với quyết tâm “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”, người dân nơi đây chăm chỉ, cần cù làm việc để biến vùng đất hoang trở thành thôn trù phú, cuộc sống ngày càng ấm no.
Độc Lập cũng là thôn duy nhất của xã có 100% hộ người Kinh sinh sống. Với lợi thế là thôn trung tâm của xã Khánh Yên Hạ, thôn hiện có 118 hộ, gần 500 nhân khẩu. 85% hộ trong thôn kinh doanh dịch vụ, thương mại, còn lại là sản xuất nông - lâm nghiệp. Thu nhập bình quân của thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của xã Khánh Yên Hạ (54,6 triệu đồng/người/năm). Hiện tại, thôn chỉ còn 2 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo (chiếm 3,4%); 90% nhà ở là nhà kiên cố… Đường thôn, ngõ xóm được đổ bê tông, môi trường sống xanh - sạch, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, an ninh được đảm bảo, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển mạnh.
“Kết quả này có được là nhờ tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên và người dân với quyết tâm xây dựng cuộc sống ấm no tại mảnh đất này”, đồng chí Vũ Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ cho biết.
Dường như với người dân thôn Độc Lập, niềm vui, niềm tự hào mỗi dịp đón Tết Độc lập được nhân lên rất nhiều lần. Đó cũng là động lực để cán bộ và người dân trong thôn tiếp nối truyền thống, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.