Theo thống kê từ cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh có 15 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản với 22 điểm mỏ được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có 4 điểm mỏ lớn đã đóng cửa, dừng hoạt động. Theo quy định của pháp luật, khi dừng hoạt động các điểm mỏ, doanh nghiệp phải hoàn nguyên, phục hồi môi trường sau khai thác khi kết thúc dự án hoặc bị thu hồi do vi phạm pháp luật. Đây cũng là nội dung bắt buộc khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, từ thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, việc triển khai quy trình dừng dự án khai thác và đóng cửa mỏ khoáng sản đang còn nhiều khó khăn.

Có thể kể đến mỏ vàng gốc Sa Phìn (xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn) của Công ty Cổ phần Nhẫn và mỏ vàng Minh Lương (xã Minh Lương, huyện Văn Bàn) của Công ty Cổ phần Vàng Lào Cai dù đã dừng hoạt động từ nhiều năm và UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi đất, song việc di dời tài sản, máy móc, nhà xưởng, hoàn trả mặt bằng vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, gây ra nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, cũng như công tác quản lý khoáng sản.
Đối với mỏ vàng gốc Sa Phìn (xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn), qua tìm hiểu cho thấy, mỏ này đã dừng hoạt động để đóng cửa mỏ từ tháng 3/2022. Tuy nhiên đến nay, Công ty Cổ phần Nhẫn mới chỉ làm thủ tục bàn giao mốc giới mỏ và các khu vực đất, rừng mà chưa tháo dỡ nhà xưởng, hệ thống máy móc… ra khỏi khu vực đất đã được UBND tỉnh thu hồi. Gần đây nhất, ngày 24/12/2024, UBND tỉnh đã có Quyết định 3494/QĐ-UBND yêu cầu Công ty Cổ phần Nhẫn có trách nhiệm xử lý tài sản gắn liền với đất để hoàn trả lại mặt bằng cho Nhà nước xong trước ngày 30/12/2024. Đến nay, công ty này vẫn chưa di chuyển tài sản gồm: Nhà điều hành, nhà kho, nhà che khu nghiền tuyển, nhà chế xuất ra khỏi phạm vi diện tích đất mà UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi.

Ông La Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn cho biết: Việc Công ty Cổ phần Nhẫn chưa di chuyển nhà xưởng, tài sản ra khỏi khu vực mỏ vàng gốc Sa Phìn gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý khoáng sản, an ninh trật tự và môi trường. Bởi hiện nay, khu đất mỏ đã được bàn giao cho UBND xã quản lý nhưng người của Công ty Cổ phần Nhẫn vẫn ở lại trông coi tài sản, hằng ngày, nhiều người vẫn ra - vào khu mỏ nên việc quản lý gặp nhiều bất cập.
Lý giải về nguyên nhân chưa di chuyển nhà xưởng, thiết bị ra khỏi khu vực đất mỏ mà UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi, ông Phạm Văn Hoằng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Nhẫn cho biết: Hiện đơn vị đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, hơn nữa chưa tìm được khu kho bãi để tập kết thiết bị nhà xưởng nên chúng tôi chưa thể tháo dỡ để di chuyển, bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương. Chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để không thiệt hại về kinh tế.

Tương tự, tại mỏ sắt Quý Xa (xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn), vào thời điểm năm 2022, sau khi đóng cửa mỏ dừng hoạt động khai thác, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung phải có trách nhiệm xử lý, di chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi phạm vi đất bị thu hồi trước ngày 29/12/2024, nhưng đến nay, toàn bộ nhà xưởng, hệ thống máy móc xưởng nghiền, sàng đều vẫn “án binh bất động”.
Theo ông Nguyễn Hồng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung: Hiện nay, số tài sản gồm nhà xưởng, thiết bị máy móc và vật kiến trúc của công ty đang để tại mỏ sắt Quý Xa có giá trị rất lớn (lúc mới đầu tư hơn 360 tỷ đồng) và chưa xử lý được. Nếu tháo dỡ, di chuyển thì sẽ bị hư hỏng nhiều và không có vị trí mới để tập kết. Vì vậy, đơn vị đã có báo cáo đề xuất với UBND tỉnh và ngành chức năng cho phép công ty thuê lại đất ở khu vực để tập kết máy móc, nhà xưởng hiện nay trong thời gian chờ có phương án mới. Chúng tôi rất mong nhận được hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý tài sản, thuê đất để bảo vệ tài sản sau khi mỏ dừng hoạt động.

Nói về những vướng mắc trong việc xử lý, di chuyển tài sản của doanh nghiệp ra khỏi khu vực mỏ đã hết hạn khai thác, đóng cửa dừng hoạt động, ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Các mỏ khai thác khoáng sản dừng hoạt động đều được UBND tỉnh và ngành chức năng tổ chức xử lý đóng cửa mỏ và thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những phát sinh, vướng mắc trong việc xử lý tài sản, xác định quyền sở hữu tài sản, đặc biệt là đối với việc định giá các thiết bị, máy móc đã qua sử dụng của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chưa hướng dẫn cụ thể cách xử lý tài sản sau khi giấy phép hết hiệu lực. Do đó ảnh hưởng đến việc tháo dỡ, di chuyển ra khỏi khu vực đất đã được UBND tỉnh thu hồi.
Để giải quyết tình trạng này, cần có những giải pháp đồng bộ từ cả phía chính quyền và doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý tài sản sau khi mỏ dừng hoạt động, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện của doanh nghiệp. Chính quyền các địa phương khi được UBND tỉnh giao quản lý đất đai, khu đất các mỏ khoáng sản cũng cần kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp chấp hành quy trình hoàn nguyên đóng cửa mỏ và tháo dỡ thiết bị khi mỏ đã hết hạn khai thác, dừng hoạt động để tránh tình trạng dây dưa, chây ì.
Trình bày: Nguyễn Hoàng